Giáo dục

Chủ tịch TP HCM: '60% sinh viên làm việc trái ngành, lãng phí lớn'

Ông Nguyễn Thành Phong khẳng định, giải quyết việc làm cho sinh viên là trách nhiệm của chính quyền thành phố với xã hội.

Chiều 10/1, tại hội thảo Liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp trong việc giải quyết việc làm cho sinh viên sau tốt nghiệp, đại biểu dẫn chứng 60% sinh viên trên cả nước khi ra trường không làm đúng ngành được đào tạo, nhiều người học xong đi làm công nhân hoặc phổ biến là chạy xe ôm công nghệ.

Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong tỏ ra bất ngờ, cho rằng đây là sự lãng phí lớn nguồn nhân lực xã hội. Tại TP HCM, việc giải quyết việc làm cho người lao động, đặc biệt là sinh viên sau tốt nghiệp vẫn còn nhiều thách thức.

"Chúng ta chưa có một thị trường lao động hoàn chỉnh, sự biến đổi, vận hành không ngừng của nền kinh tế thị trường dẫn đến nhu cầu nhân lực thay đổi. Đồng thời vẫn còn khoảng cách khá xa giữa kỹ năng được đào tạo và nhu cầu tuyển dụng", ông Phong chỉ ra nguyên nhân.

Nguyễn Thành Phong

Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong. Ảnh: Mạnh Tùng.

Chủ tịch TP HCM dẫn chứng một bài báo quốc tế viết về thực trạng sinh viên tốt nghiệp đại học nhưng phải chạy "xe ôm công nghệ" - khu vực kinh tế phi chính thức với thu nhập mỗi tháng 5 triệu đồng. Theo ông, việc làm trên là chính đáng, song nó cho thấy một nỗi trăn trở lớn khi hoài bão và ước mơ đi vào ngõ cụt sau những năm học hành trên giảng đường.

"Giải quyết việc làm cho các sinh viên tốt nghiệp là trách nhiệm của chính quyền đối với xã hội, trong đó nhà trường đóng vai trò hết sức quan trọng", ông nói và cam kết thành phố sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để sớm hoàn chỉnh hệ sinh thái thị trường lao động.

TP HCM sẽ hỗ trợ các điều kiện cần thiết để tăng cường sự kết nối giữa các trường và doanh nghiệp, để giảm đến mức thấp nhất khoảng cách giữa đào tạo và nhu cầu tuyển dụng. Hệ sinh thái thị trường lao động hiệu quả được xác định gồm chính quyền - nhà trường - doanh nghiệp và sinh viên.

Chủ tịch TP HCM cho biết mỗi năm, thành phố giải quyết trên 300.000 việc làm, tạo thêm 135.000 việc làm mới và giảm tỷ lệ thất nghiệp đô thị dưới 3,8%. Số sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng đạt hơn 72%.

Dẫn nhiều nghiên cứu khoa học về thị trường lao động, TS. Đinh Công Khải, Trưởng khoa Quản lý nhà nước (Đại học Kinh tế TP HCM) cho rằng, nguyên nhân thực trạng trên là nhiều chương trình đào tạo không sát với thực tế, các trường vốn chỉ dạy những gì họ có chứ không dạy điều xã hội cần.

Về phía sinh viên, nhiều người không chịu tư duy tìm kiếm việc làm hoặc khởi nghiệp mà chỉ "nhăm nhăm" những công việc trước mắt, như chạy xe ôm công nghệ để kiếm sống. Sinh viên cũng thụ động, thiếu linh hoạt, nhạy bén khi đi tìm việc, thiếu kỹ năng mềm, kỹ năng giao tiếp.

"Nhiều sinh viên còn ảo tưởng về công việc trong tương lai, không chấp nhận làm từ những công việc bình thường, không biết tạo dựng mối quan hệ để trau dồi kiến thức, chia sẻ thông tin", ông Khải cho biết thêm.

Theo TS Khải, các trường cần xem liên kết với doanh nghiệp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác đào tạo. Chính quyền thành phố tạo những cơ chế trong công tác đào tạo và liên kết với doanh nghiệp, dự báo nhu cầu nhân lực để tránh tình trạng lãng phí trong đào tạo.

Ở góc độ khác, PGS Cao Hào Thi, Hiệu trưởng Đại học Công nghệ Sài Gòn cho rằng, việc học đại học không chỉ là quyết định đầu tư của riêng sinh viên hay gia đình, mà còn là sự đầu tư của xã hội. Bởi, dù học ở trường công hay tư thì sinh viên đều ít nhiều nhận được sự tài trợ từ nhà nước và các tổ chức xã hội. Do đó, sinh viên thất nghiệp là một trong những dấu hiệu cho thấy sự đầu tư học đại học không thành công.

Để tìm kiếm việc làm sau khi tốt nghiệp, theo ông Thi, sinh viên phải đóng vai trò chủ động và tích cực trong suốt quá trình học tập. Họ cần phải có tinh thần lập thân, lập nghiệp bởi điều này sẽ tạo động lực học tập, giúp tập trung vào mục tiêu có việc làm sau khi tốt nghiệp.

Sinh viên cũng phải chọn ngành học phù hợp với sở thích, năng lực và nhu cầu xã hội. "Việc chọn đúng ngành học không chỉ giúp sinh viên vui khỏe trong thời gian học mà còn giúp người người học cảm thấy hạnh phúc trong quá trình làm việc tương lai", ông Thi nói.

Ông cho rằng, công tác hướng nghiệp cần được chú trọng từ cấp học THCS hoặc THPT. Các đại học, cao đẳng trong các hoạt động tư vấn cần làm cho học sinh chọn đúng được ngành học phù hợp hơn là mục tiêu thu hút người học vào trường mình.

Tác giả: Mạnh Tùng

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP