Trong nước

Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đặt nền móng cho quan hệ Việt - Mỹ

Quan hệ Việt - Mỹ tuy đã phải trải qua những thăng trầm lịch sử, nhưng cuối cùng hai nước khép lại quá khứ, hướng tới tương lai. Và từng là “cựu thù” của nhau, đã trở thành đối tác toàn diện. Đúng như lời Thủ tướng Phạm Minh Chính, trong bài phát biểu của mình tại CSIS đã khẳng định: Mối quan hệ Việt- Mỹ dựa trên nguyên tắc: chân thành, lòng tin và trách nhiệm. Nhờ đó mà mối quan hệ ấy ngày càng đơm hoa kết trái, mà người đầu tiên đặt nền móng cho mối quan hệ ấy không ai khác chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trên hành trình đi tìm đường cứu nước Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh không phải ngẫu nhiên tìm đến nước Mỹ xa xôi, tận Tây Bán Cầu. Bởi lúc bấy giờ nhân dân Mỹ đã đứng lên tiến hành cuộc cách mạng chống thực dân Anh, giành độc lập cho dân tộc (1775 - 1783). Người đến Mỹ là để tìm hiểu tình hình của một nước thuộc địa vừa thoát khỏi ách thống trị ngoại bang.

Đặc biệt Người đến Hoa Kỳ, nhưng không đến thủ đô Washington DC, mà đến ngay thành phố Boston, bang Massachussetts, là cái nôi của cách mạng Mỹ. Hơn nữa Boston còn là thành phố trí thức, nơi có trên 60 trường đại học, trong đó có Trường Đại học Harvard nổi tiếng thế giới. Trường có bề dày lịch sử lâu đời nhất ở Boston, chỉ trong vòng 6 thập kỷ qua, Đại học Harvard đã có 59 thành viên được trao giải Nobel (trong đó 26 giải Vật lý, 11 giải Hóa học, 8 giải Y học - Sinh lý học và 2 giải Hòa Bình).

Trên một bức tường của khách sạn có trang trí nhiều ảnh của các danh nhân, trong đó có hình Bác Hồ thời trẻ, kèm theo dòng chữ: “Năm 1911-1912, nhà lãnh đạo tương lai của Việt Nam đã từng làm việc tại tiệm bánh Parker House” (1911-1912 Future Vietnamese Leader Works Parker House bakeshop).

Thật thú vị, khi được đọc bài của nữ văn sỹ Susan Wilson đăng trên tờ “Boston Globe” viết: cần “lưu ý rằng một nhà cách mạng tài danh, lãnh tụ Hồ Chí Minh của Việt Nam lừng danh từng tham gia làm việc như một người thợ nướng bánh tại tiệm bánh ngọt của khách sạn Omni Parker House từ 1911- 1913. Vị đầu bếp đặc biệt đã đem đến niềm vinh dự cho nơi này”. Nữ văn sỹ còn giải thích thêm: “Lãnh tụ Hồ Chí Minh tìm đến làm việc ở Omni Parker House, bởi khách sạn này nằm gần con đường mang tên Tự Do (Freedom Strail), nơi mỗi bước chân đều có dấu ấn lịch sử về cuộc cách mạng giành tự do cho nước Mỹ”.

Hơn nữa Omni Parker House, nơi hội tụ của các chính khách, các danh nhân như Malcolm Little (Malcolm X), một nhà hoạt động chống chế độ phân biệt chủng tộc, các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng của nước Mỹ, trong đó có nhà thơ Palple Waldo Emersson và nhà văn lừng danh thế giới Charles Dickens hay ca sỹ Denyce Graves được nhiều người ưa thích. Omni Parker House còn là nơi diễn ra nhiều cuộc hội đàm, các cuộc gặp gỡ tay đôi của các chính trị gia đến từ nhiều nước trên thế giới.

Hiện trên bức tường phòng truyền thống ở tầng hầm, chủ khách sạn cho treo nhiều bức ảnh và trưng bày các hiện vật của các bậc vĩ nhân, trong đó nổi bật nhất ở một góc phòng trang trí nhiều hình ảnh về Bác Hồ thời trẻ và một bức thư đề ngày 12/8/2005 của Đại sứ Việt Nam Nguyễn Tâm Chiến tại Hoa Kỳ gửi cảm ơn Giám đốc khách sạn Richard Mason.

Trên một bức tường của khách sạn có trang trí nhiều ảnh của các danh nhân, trong đó có hình Bác Hồ thời trẻ, kèm theo dòng chữ: “Năm 1911-1912, nhà lãnh đạo tương lai của Việt Nam đã từng làm việc tại tiệm bánh Parker House” (1911-1912 Future Vietnamese Leader Works Parker House bakeshop).

Tại đây, trên chiếc bàn bằng đá cẩm thạch, màu xám, nơi Bác Hồ dùng làm bánh kem Boston, Cream Pies và Lemon Meringue Pies của khách sạn Omni Parker House, món tráng miệng nổi tiếng, có đặt một tờ giấy ghi dòng chữ: “Hồ Chí Minh từng là thợ làm bánh tại Parker House trong hai năm 1911-1913, người đã sử dụng chiếc bàn đá và nó được sử dụng tại quầy bánh của chúng tôi cho đến ngày nay”.

Đội ''Con Nai'' chụp ảnh với Bác Hồ. Ảnh tư liệu

Phải chăng đây là chiếc cầu nối quan hệ Việt - Mỹ đầu tiên mà Bác Hồ của chúng ta xây đắp nên, khi Người còn là một thanh niên vừa bước qua tuổi 20.

Một sự kiện khác, rất đáng chú ý, đó là ngày 2/11/1944, trung úy William Shaw phi công phi đội tiêm kích chiến thuật 51, thuộc Không đoàn 14 (Không đoàn Hổ Bay) do Tướng Claire Chennault chỉ huy không lực Lục quân Hoa Kỳ (căn cứ đặt tại Hoa Nam, Trung Quốc), do trục trặc động cơ máy bay, buộc phải nhảy dù xuống bản Ngần, xã Đề Thám, huyện Hòa An, Cao Bằng. Shaw đã được du kích Việt Minh cứu thoát khỏi sự lùng sục gắt gao của quân Nhật và được đưa về Pắc Bó, Hà Quảng, Cao Bằng. Tại đây, Shaw được Bác Hồ tặng một bản “Chương trình Việt Minh” (đã được Người dịch ra tiếng Anh). Đồng thời được đích thân lãnh tụ Hồ Chí Minh trèo đèo lội suối, đưa Shaw về Côn Minh trao trả cho Tướng Chennault. Nhân dịp này Bác đề nghị Tướng Chennault công nhận “Mặt trận Việt Minh” là lực lượng của phe Đồng minh. Tướng C. Chennault hứa sẽ tìm cách đưa các nhóm cố vấn sang giúp huấn luyện quân sự, trang bị vũ khí, điện đài và các trang bị khác cho Việt Minh.

Chiếc bàn làm bánh tại Parker House. Ảnh: Mạnh Thường

Sau khi bàn bạc với Tướng Chennault, Giám đốc cơ quan tình báo chiến lược Hoa Kỳ Thiếu tướng William J. Donovan đã cho mở các chiến dịch OSS tại Đông Dương, Trung úy Charles Fenn được giao điều phối kế hoạch hợp tác với Việt Minh.

Sự hợp tác giữa phái đoàn quân sự Mỹ với Việt Minh thể hiện rất rõ trong các bài đăng báo “Việt Nam Độc lập” (do Hồ Chủ tịch sáng lập). Báo Việt Nam Độc lập số 190, ra ngày 1/4/1944, viết: “Họ (Mỹ) là bạn của ta. Chúng ta với họ là bạn đồng minh”. Qua báo “Việt Nam Độc lập” cho thấy: Sự hợp tác Việt - Mỹ ngày càng tăng dần. Bức họa ra tháng 7/1945, của báo đã tuyên truyền nhiệm vụ của Việt Minh là cứu phi công Mỹ. Tờ họa bản (in trên báo Việt Nam Độc lập) do lãnh tụ Hồ Chí Minh sáng tác: Góc bên trái phía trên vẽ lá cờ Hoa Kỳ. Góc bên phải phía trên là lá cờ Việt Nam. Tên tờ báo “Việt Nam Độc lập” viết chữ to, phía dưới tên báo ghi hai câu thơ lục bát: "Quân đội Mỹ là bạn ta, Cứu phi công Mỹ mới là Việt Minh".

Phía dưới hai câu thơ là lời động viên của báo: “Ai cứu phi công Mỹ, đoàn thể Việt Minh sẽ trọng thưởng”.

Sự kiện này, cũng là nhịp cầu hữu nghị do lãnh tụ Hồ Chí Minh bắc tiếp, xây nên mối quan hệ Việt - Mỹ.

Trong lời mở đầu của bản Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng đọc trước quốc dân đồng bào ngày 2/9/1945, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay CHXHCN Việt Nam), Hồ Chủ tịch viết: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Lời bất hủ ấy được Chủ tịch Hồ Chí Minh trích trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ...

Mối quan hệ Việt - Mỹ, mà Chủ tịch Hồ Chí Minh dày công xây đắp đã nhiều lần bị bỏ qua. Lịch sử hận thù giữa hai đất nước kéo dài cho đến 1995, với sự cố gắng của cả hai bên: khép lại quá khứ hướng về tương lai đã tạo nên bước ngoặt lớn, hình thành mối quan hệ toàn diện giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, như Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong muốn, ngày càng hoa thơm, quả ngọt, thể hiện qua chuyến thăm cấp cao qua lại giữa hai nước; là sự kế thừa của mối bang giao Việt - Mỹ do Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt nền móng cách nay ngót một thế kỷ, nay mới thành hiện thực.

Tác giả: Trần Mạnh Thường

Nguồn tin: Báo Tiền phong

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP