Tin địa phương

Chủ động ứng phó sạt lở ở huyện miền núi Minh Hóa

Từ sau đợt mưa lũ lịch sử tháng 10/2020, huyện miền núi Minh Hóa (Quảng Bình) xuất hiện nhiều khu vực có nguy cơ sạt lở. Hằng năm, đến mùa bão lũ, người dân ở các khu vực này luôn sống trong sự thấp thỏm vì nguy cơ lở núi, vì thế cứ di dời ít hôm lại trở về nhà trong nỗi bất an.

Vết nứt gây nguy cơ sạt lở núi ở thị trấn Quy Đạt, huyện Minh Hóa.

Vào một ngày đầu tháng 10, chúng tôi cùng đồng chí Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa đến bản Bãi Dinh, nằm bên Quốc lộ 12A để tìm hiểu về nguy cơ sạt lở nơi đây.

Tại đầu cầu Khe Xanh trên tuyến quốc lộ này, chúng tôi men theo con đường nhỏ, dốc cao với nhiều đoạn bị nước lũ đào xới thành rãnh mà cách di chuyển duy nhất là đi bộ vào bản.

Theo ông Cao Tiến Quê, Phó trưởng bản Bãi Dinh, khu vực Khe Xanh của bản Bãi Dinh có 22 hộ dân sống quần tụ quanh ngọn đồi này đều nằm trong diện cảnh báo nguy cơ sạt lở cao.

Điều đáng nói là nhiều hộ hiện sinh sống nơi đây vốn đã được di dời từ nơi sạt lở khác đến, nhưng rồi nơi ở mới cũng chẳng yên thân, vì quả núi sau lưng bản đã bị sạt lở, có nguy cơ đổ sập xuống bản bất cứ khi nào.

Trong ngôi nhà gỗ tuềnh toàng của gia đình, chị Đinh Thị Hải ở khu vực Khe Xanh, bản Bãi Dinh cho biết, trước đây, gia đình chị ở gần cửa khẩu quốc tế Cha Lo, nhưng do sạt lở đe dọa cho nên năm 2018 chuyển về đây dựng nhà để an cư. Hai năm đầu không sao, từ năm 2020 đến nay, mưa lũ lớn liên tục xảy ra khiến cho phần đồi phía trước mặt nhà xuất hiện vết nứt dài như báo hiệu nguy cơ sạt lở có thể diễn ra bất kỳ lúc nào.

Đưa chúng tôi vào nhà, chị Hải chỉ vào những vết nứt chằng chịt ngay giữa nền nhà và cho biết thêm, cứ đến mùa mưa lũ, vết nứt rộng ra, cả nhà được chính quyền di dời đến nơi an toàn. Nhưng đến mùa nắng gia đình chị Hải cũng như nhiều hộ dân khác vẫn ăn ở, sinh hoạt trong nỗi lo đồi sạt, nhà sập.

“Hy vọng, chính quyền cấp trên và xã Dân Hóa sớm triển khai khu tái định cư mới an toàn hơn để cho người dân vào ở chứ thấp thỏm như thế này thì sao an cư được”, chị Hải bày tỏ.

Ông Cao Tiến Quê đưa chúng tôi lên quả đồi cao hơn ở phía sau nhà chị Hải, thăm một số gia đình ở đây. Một hộ trong bản cho biết, ở khu vực này, sau đợt mưa to giữa tháng 9 vừa qua, có một gia đình xuất hiện vết nứt giữa nền nhà nguy hiểm cho nên phải di dời, nhà giờ đang đóng cửa, có khi phải hết mùa mưa bão mới trở lại.

Ngay sau nhà anh này là vết lở núi còn rất mới mà chỉ cần một trận mưa to, đất đá có thể nhào xuống đè bẹp ngôi nhà lợp tôn xập xệ của gia đình. Người này cho biết, cứ mỗi lần mưa to là cả nhà anh di chuyển đến nhà ông bà để bảo đảm an toàn.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Dân Hóa Hồ Quang Ba cho biết, đợt mưa lũ đầu mùa năm nay diễn ra ngày 25, 26/9 đã làm ngập một số tuyến đường, nhà dân và gây hư hỏng đường giao thông, một số tuyến đường của xã bị nước ngập gây cô lập.

Các bản Ba Loóc, Cha Lo xuất hiện tình trạng sạt lở nhẹ. Đáng quan tâm và luôn thường trực nỗi lo của chính quyền, người dân ở xã Dân Hóa là nguy cơ sạt lở, lũ ống, lũ quét đe dọa 35 hộ bản Bãi Dinh, K-Định, K-Vi. Chính quyền xã luôn đôn đốc, kiểm tra để theo dõi nguy cơ sạt lở, lũ quét ở các bản có nguy cơ cao, riêng ở các khu vực nguy hiểm khi có mưa lớn là di dời toàn bộ người dân đến nơi an toàn.

Không chỉ ở xã biên giới Dân Hóa xảy ra sạt lở mà ngay ở trung tâm huyện Minh Hóa là thị trấn Quy Đạt, người dân cũng lo lắng vì nguy cơ núi lở, đất đùn bất cứ lúc nào trong mùa mưa lũ.

Thời gian qua, 40 hộ dân thuộc Tổ dân phố 8, thị trấn Quy Đạt luôn sống trong tình trạng lo lắng bởi núi Cây Sường phía sau khu vực sinh sống của bà con xuất hiện vết nứt lớn với bán kính vòng cung khoảng 60m. Cứ sau mỗi đợt mưa lớn, đất đá trên núi lại theo nước tràn xuống vào các nhà dân.

Nhận thấy nguy hiểm, người dân đã đóng nhiều cọc gỗ vào vị trí vết nứt để theo dõi, đánh giá mức độ sạt lở. Đến nay, khu vực sạt lở ngày càng rộng hơn, có chỗ sườn núi bị hạ thấp xuống gần 3m so với vị trí ban đầu.

Ông Trần Mạnh Hà, Tổ trưởng Tổ dân phố 8, thị trấn Quy Đạt cho biết, qua mỗi mùa mưa, vết nứt lại kéo dài, đẩy đất, đá về sát nhà dân. Nếu xảy ra sạt lở núi thì tính mạng của hơn 200 người dân sẽ bị đe dọa. Vì vậy, đến mùa mưa bão, chúng tôi phải vận động bà con di dời đến trụ sở Ủy ban nhân dân xã hoặc Nhà văn hóa tổ dân phố để bảo đảm an toàn.

Anh Đinh Thanh Sơn cho biết, nhà anh ở sát sườn núi, cứ mỗi lần mưa lớn đất, đá tràn xuống vườn nhà. Gia đình bỏ kinh phí xây một bờ tường rào dài khoảng 15m khá chắc chắn ở phía sau vườn nhằm ngăn nước lũ và đất, đá tràn vào. “Cách đây ít năm, bức tường rào bị đất, đá trên núi lở xuống làm sập toàn bộ.

Từ đó đến nay, hầu như cứ đến mùa bão lũ là gia đình chúng tôi và một số hộ cận kề đều phải dắt díu nhau di dời đến trụ sở Ủy ban nhân dân xã Quy Hóa (cũ) để trú tránh. Mỗi đợt di dời như vậy thường kéo dài từ 5-10 ngày, rất vất vả và bất tiện vô cùng”, anh Sơn chia sẻ.

Theo ông Đinh Duy Hòa, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị trấn Quy Đạt, vào mùa mưa lũ, thị trấn thông báo liên tục trên hệ thống loa phát thanh về nguy cơ sạt lở núi để người dân biết phòng tránh, di dời; đồng thời bố trí lực lượng trực ở vị trí có nguy cơ xảy ra sạt lở núi để cảnh báo cho người đi đường phòng tránh.

Chính quyền trưng dụng các công trình trụ sở và nhà văn hóa tại các tổ dân phố để bố trí ba địa điểm di dân, sẵn sàng cho việc di dời toàn bộ hơn 200 nhân khẩu nằm trong nguy cơ bị sạt lở của Tổ dân phố 8 đến nơi an toàn. Hiện nay, huyện triển khai dự án xây dựng kè chống sạt lở núi ở Quy Đạt.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Minh Hóa Đinh Minh Hương cho biết, để chủ động ứng phó với thiên tai, nhất là nguy cơ sạt lở, lũ quét, huyện đã triển khai bốn khu tái định cư ở các xã Dân Hóa, Tân Hóa, Minh Hóa và Hóa Sơn để đưa các hộ dân ra khỏi vùng có nguy cơ lở núi, ngập lụt.

Các xã, thị trấn trong huyện đã kiểm tra, đánh giá mức độ sạt lở ở từng khu vực, sẵn sàng các phương án ứng phó, khắc phục hậu quả theo phương châm “bốn tại chỗ”. Đối với giải pháp chống sạt lở ở Tổ dân phố 8, thị trấn Quy Đạt, huyện đã đầu tư dự án kè chống sạt lở đồi, núi với tổng mức đầu tư hơn 17 tỷ đồng.

Tuy nhiên, quá trình triển khai dự án gặp vướng mắc, khối lượng công việc phức tạp, phương án thiết kế đưa ra chưa bảo đảm khả thi. Vì vậy, Ủy ban nhân dân huyện đã chỉ đạo các đơn vị tư vấn, thi công tính toán lại phương án thiết kế, thi công, làm cơ sở trình Ủy ban nhân dân tỉnh điều chỉnh chủ trương đầu tư, đề xuất tăng thêm vốn để xây dựng công trình bảo đảm chắc chắn, phát huy hiệu quả cao.

Xã Dân Hóa đã từng xảy ra nhiều vụ sạt lở núi đe dọa tính mạng, tài sản của người dân và các cơ quan nhà nước đóng trên địa bàn. Điển hình là tháng 10/2020, sạt lở núi và sụt lún làm hư hỏng bản Cha Lo, sập trụ sở Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Cha Lo và đứt một đoạn tuyến Quốc lộ 12A sang Lào. Rất may, nhờ chủ động ứng phó cho nên không bị thiệt hại về người.

Tác giả: HƯƠNG GIANG

Nguồn tin: Báo Nhân dân

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP