Tin địa phương

Chủ động ngăn chặn khai thác hải sản trái phép

Hiện tại, toàn tỉnh có 3.555 tàu cá đã đăng ký, trong đó 1.160 tàu chiều dài từ 15m trở lên. Về cơ bản, ngư dân chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong khai thác hải sản (KTHS). Tuy nhiên, vẫn còn một số bộ phận vì lợi ích trước mắt nên vẫn vi phạm, ảnh hưởng không nhỏ đến việc tháo gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) và thực hiện các biện pháp phòng, chống KTHS bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).

Ngoài việc bảo vệ vững chắc hai tuyến biên giới, phòng chống vi phạm KTHS trên biển được Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh xác định là nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) được đặt lên hàng đầu.

BĐBP tỉnh tập trung tuyên truyền, phổ biến các quy định về chống khai thác IUU, Luật Thủy sản 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành cho ngư dân; động viên ngư dân bám biển khai thác trong phạm vi vùng biển Việt Nam, vừa phát triển kinh tế vừa tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc, không vi phạm vùng biển nước ngoài, vi phạm khai thác IUU.

Năm 2023 và quý I/2024, BĐBP tỉnh đã tổ chức 32 hội nghị tuyên truyền cho gần 2.000 lượt người dân; xây dựng 23 cụm pa nô, áp phích và phát gần 8.000 tờ rơi, tờ gấp; tổ chức cho hơn 4.700 lượt chủ tàu, thuyền trưởng ký cam kết chấp hành các quy định pháp luật về giấy tờ, bảo đảm an toàn hàng hải, không vi phạm khai thác IUU…

Hoạt động tuyên truyền về chống khai thác IUU cho ngư dân được các ngành chức năng, trong đó có lực lượng BĐBP chú trọng, tăng cường.

Thượng tá Lê Văn Tính, Chính trị viên Hải đội 2, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh cho biết: Đơn vị chú trọng triển khai đồng bộ các biện pháp tuyên truyền, PBGDPL cho ngư dân về chống khai thác IUU, đồng thời tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát việc KTHS trên biển, chú trọng các tàu kích thước trên 15m, thường xuyên đánh bắt xa bờ nhằm bảo đảm an toàn hàng hải, hạn chế vi phạm khai thác IUU, từ đó nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, các quy định hoạt động KTHS cho ngư dân.

Ông Hoàng Ngọc Trung, thuyền trưởng tàu cá NA-92555-TS chia sẻ: “Quá trình vươn khơi bám biển tại ngư trường tỉnh Quảng Bình, tôi luôn tuân thủ quy định pháp luật, đánh bắt ở vùng biển hợp lệ. Từ nỗ lực của bản thân để góp một phần nhỏ chung tay với nhà nước sớm gỡ bỏ “thẻ vàng”.

Ngư dân Nguyễn Văn Tuy, thôn Đức Trung, xã Đức Trạch (Bố Trạch) khẳng định: “Bản thân luôn động viên anh em, bà con khi tham gia khai thác trên biển tăng cường ý thức bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Nếu phát hiện các tàu KTHS tận diệt bằng dã cào, thuốc nổ... lập tức báo cho BĐBP và các lực lượng chức năng để ngăn chặn, xử lý”.

Trong năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, qua tuần tra kiểm soát, BĐBP tỉnh phát hiện, xử lý vi phạm hành chính 38 vụ/35 đối tượng vi phạm quy định về lĩnh vực thủy sản, xử phạt trên 281 triệu đồng; hoàn chỉnh hồ sơ, khởi tố vụ án, chuyển giao Công an tỉnh thụ lý 4 vụ/4 đối tượng tàng trữ, vận chuyển trái phép vật liệu nổ mục đích KTHS, tang vật thu được gần 75kg thuốc nổ, 71 kíp nổ, hơn 55m dây cháy chậm.

Qua theo dõi hệ thống giám sát tàu cá, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã thông tin liên lạc hơn 47 tàu cá hoạt động gần ranh giới vùng biển nước ngoài; phối hợp với chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng phát hiện, điều tra xác minh 32/43 lượt tàu vượt ranh giới qua vùng biển nước ngoài đánh bắt và 169 lượt tàu cá mất kết nối VMS khi hoạt động trên biển, từ đó làm rõ hành vi vi phạm, xử lý đúng quy định pháp luật.

“Thời gian tới, Hải đội 2 tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động ngư dân không vi phạm khai thác IUU. Đặc biệt, sẽ nghiêm ngặt hơn trong công tác tuần tra, kiểm soát. Những trường hợp vi phạm khai thác IUU, đơn vị tham mưu cho Bộ Chỉ huy cùng với các cơ quan chức năng kiên quyết xử lý theo quy định pháp luật”, thượng tá Lê Văn Tính, Chính trị viên Hải đội 2 cho biết thêm.

Theo trung tá Nguyễn Quốc Tuấn, Chính trị viên Đồn Biên phòng Lý Hòa: “Quá trình giám sát trên các phương tiện thông tin, hệ thống giám sát tàu cá, nếu phát hiện phương tiện đánh bắt sai khu vực, sẽ nhanh chóng liên lạc với chủ tàu cảnh báo quay trở lại khu vực an toàn. Khi các tàu vi phạm vào bờ sẽ mời các chủ tàu lên nhắc nhở, ký cam kết không tái phạm”.

Thực tế, qua xác minh của các ngành chức năng, tàu cá vi phạm KTHS trên biển chủ yếu do lỗi khách quan, như: Hỏng máy, thả trôi để sửa chữa, nghỉ ngơi, hệ thống điện, tín hiệu bị hỏng hóc... Thời gian qua, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh phối hợp với Sở Nông nghiệp-Phát triển nông thôn xử lý 19 chủ tàu mất kết nối VMS, xử phạt hơn 460 triệu đồng.

Công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định về chống khai thác IUU, Luật Thủy sản 2017... do lực lượng BĐBP thực hiện thời gian qua đã tạo sự chuyển biến mạnh về nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của ngư dân, góp phần giảm thiểu tình trạng đánh bắt vi phạm vùng biển nước ngoài.

Nhằm tiếp tục đẩy mạnh công tác đấu tranh chống KTHS bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã phát động trong toàn lực lượng đợt cao điểm đến hết tháng 4/2024, góp phần cùng cả nước gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của EC, giúp ngư dân yên tâm bám biển, bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc.

Tác giả: Thanh Long

Nguồn tin: Báo Quảng Bình

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP