Cán bộ Biên phòng làm nhiệm vụ tại cảng cá Nhật Lệ kiểm tra tàu đánh cá thông qua màn hình giám sát. Ảnh: Hải Luận |
Chưa chấp hành quy định, tàu sẽ không được đi biển
“Chuyện “thẻ vàng” trong khai thác hải sản đã diễn ra mấy năm nay rồi, gần như ngư dân nào cũng biết và tự giác chấp hành các quy định. Mỗi lần đến trạm kiểm soát Biên phòng ký xuất sổ hành trình đi biển, mấy anh Biên phòng bật máy điện thoại có kết nối với mạng quản lý lưới tàu đánh cá của ngành thủy sản, kiểm tra xem tàu đã bật thiết bị giám sát hành trình lên chưa. Nếu chưa chấp hành đúng, tàu cá sẽ không được đi biển. Thiết bị giám sát hành trình phải hoạt động liên tục 24/24 giờ, nếu bị mất kết nối kết với bờ, phải gọi điện báo ngay cho trạm Biên phòng hoặc Chi cục Thủy sản tỉnh biết. Tàu nào không báo, vào bờ sẽ bị phạt ngay lập tức” - chủ tàu và thuyền trưởng Nguyễn Văn Hòa, phường Quảng Phúc, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình xởi lởi.
Tàu ông Hòa dài trên gần 20m, làm nghề mành chụp khơi ở vùng vịnh Bắc Bộ, thi thoảng chạy tàu xuống đánh bắt ở vùng biển quần đảo Hoàng Sa (thành phố Đà Nẵng). Trong suốt quá trình khai thác hải sản trên biển, nếu tàu chạy cách đường phân định khoảng 7 hải lý (ranh giới giữa biển Việt Nam và nước ngoài), thiết bị giám sát hành trình sẽ phát tín hiệu thông báo tàu chuẩn bị đến đường “ranh giới đỏ” phải quay mũi tàu ngay.
“Nếu tàu cố tình chạy vượt qua biên, mấy anh Biên phòng, Chi cục Thủy sản tỉnh ngồi trước màn hình máy tính, hoặc điện thoại thấy rõ đường đi của tàu mình, lập tức gọi điện ra nhắc nhở. Tàu nào không chấp hành, cố tình vi phạm, lo chuẩn bị tiền phạt sẵn trước đi, tàu cập bờ, các cơ quan ở cảng mời lên xử phạt ngay. Đã có tàu bị phạt rồi” - ông Hòa giải thích.
Địa bàn Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Gianh, BĐBP Quảng Bình quản lý cả bờ Bắc và bờ Nam sông Gianh, có tổng số 407 tàu đánh cá xa bờ, chuyên làm nghề câu, lưới vây, mành chụp... Mỗi lần tàu ra khơi, ngư dân thường đi theo đội nhóm, từ 10-15 tàu. Chủ tàu và thuyền trưởng Đậu Ngọc Văn, ở thị xã Ba Đồn cho biết: “Trên tàu đánh cá có 2-3 bộ đàm đường dài, ngày nào các thuyền trưởng cũng trao đổi thông tin với nhau về ngư trường đánh bắt, sản lượng khai thác, thời tiết... Mọi người đều nhắc nhở nhau chấp hành các quy định trong khai thác hải sản, tuyệt đối không vượt ra vùng biển nước ngoài khai thác hải sản. Ngư dân chúng tôi hiểu rất rõ, gỡ được “thẻ vàng”, giá hải sản sẽ tăng lên, đồng nghĩa tàu đánh bắt có lợi nhuận cao”.
“Giao khoán” quản lý tàu đánh cá
Hiện nay, toàn tỉnh Quảng Bình có 1.167 tàu đánh cá từ 15m trở lên, đã lắp thiết bị giám sát hành trình được 1.135 tàu, đạt 97,3%. Còn 32 tàu chưa lắp thiết bị giám sát hành trình, chủ yếu là tàu nằm bờ không còn hoạt động khai thác hải sản.
Chúng tôi đến cửa biển Nhật Lệ, thành phố Đồng Hới, nơi có đội tàu đánh cá xa bờ lớn nhất tỉnh Quảng Bình. Đại úy Phạm Quang Hùng, Trạm trưởng Trạm Kiểm soát Biên phòng Nhật Lệ, Đồn Biên phòng Nhật Lệ mở máy điện thoại ra giải thích: “Đồn trưởng, trạm trưởng và nhân viên kiểm soát đều có tài khoản truy cập vào mạng lưới quản lý tàu đánh cá của ngành thủy sản. Chỉ cần bấm vào vị trí tàu đánh cá đang hiển thị trên màn hình, nó sẽ hiện ra đầy đủ thông tin tàu đang hoạt động trên biển và lịch sử di chuyển của tàu từ khi rời cảng. Nếu thấy trường hợp tàu nào có nguy cơ vi phạm vùng biển nước ngoài, chúng tôi sẽ chủ động gọi điện trực tiếp cho thuyền trưởng nhắc nhở”.
Trường hợp tàu đánh cá đang hoạt động ngoài biển mà bị mất kết nối quá 6 giờ, thuyền trưởng phải gọi điện về trạm kiểm soát Biên phòng hoặc Chi cục Thủy sản tỉnh thông báo lý do bị mất kết nối. Trên địa bàn thành phố Đồng Hới đã xảy ra 3 trường hợp mất kết nối 10 ngày không thông báo cho cơ quan chức năng biết, bị xử phạt hành chính 20 triệu đồng.
Tỉnh Quảng Bình đã thực hiện nghiêm túc Quyết định số 81/QĐ-TTg, ngày 13/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Kế hoạch hành động chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định. Đại tá Trịnh Thanh Bình, Chỉ huy trưởng BĐBP Quảng Bình cho biết: “Bộ Tư lệnh BĐBP, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo quyết liệt công tác chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định. Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã phối hợp cùng với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đưa ra nhiều biện pháp thực hiện có hiệu quả. Tôi đã yêu cầu các đồn Biên phòng phải “giao khoán” số tàu đánh cá cho từng cán bộ trạm kiểm soát quản lý, tránh tình trạng đùn đẩy trách nhiệm. Hằng ngày, anh nào cũng phải kiểm đếm số tàu mình quản lý đang hoạt động ở đâu trên biển”.
Công tác giám sát bốc dỡ hải sản qua cảng, thu thập thông tin ghi chép nhật ký khai thác, đảm bảo vệ sinh cảng cá... là một trong những tiêu chí để gỡ “thẻ vàng”. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình chỉ đạo Ban quản lý cảng cá Quảng Bình thực hiện quy trình giám sát 100% tàu cá cập cảng bốc dỡ hải sản.
Ông Lê Ngọc Linh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Bình cho biết: “Tại các cảng cá thường xuyên được duy trì bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Chi cục Thủy sản tỉnh đã phân quyền truy cập vào hệ thống quản lý tàu đánh cá cho các đồn Biên phòng tuyến biển; Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện, thành phố, thị xã cùng tham gia giám sát chặt chẽ hoạt động của tàu cá trên biển”.
Đa dạng thông tin tuyên truyền “8 tháng qua, UBND tỉnh Quảng Bình, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Bình và các địa phương trong tỉnh đã tổ chức 68 hội nghị, với 4.652 lượt người tham dự, triển khai các giải pháp để gỡ “thẻ vàng” của EC; tổ chức cho 4.725 lượt chủ tàu/thuyền trưởng tàu đánh cá ký cam kết không vi phạm các quy định trong khai thác khai thác hải sản; thực hiện nhiều tin, bài, phóng sự, đăng, phát tuyên truyền thường xuyên trên hệ thống loa truyền thanh xã, huyện...” - ông Lê Ngọc Linh thông tin. |
Tác giả: Lệ Giang
Nguồn tin: Báo Biên Phòng