Cuộc sống

Cha mẹ đừng khiến con cảm thấy đang là “khách trọ" trong chính nhà mình

Trong xã hội hiện đại, nhiều bạn trẻ có cảm giác xa lạ với chính cha mẹ. Thiếu vắng sự quan tâm, thấu hiểu từ gia đình đã khiến họ luôn có cảm giác là “người ở trọ” trong chính nhà mình.

Ảnh minh họa: ST

Đây dường như là vấn đề được quan tâm trong xã hội hiện đại, khi cha mẹ có thể quá bận rộn, mối quan hệ gia đình không còn khăng khít như trước, hoặc cách giao tiếp giữa các thế hệ không còn phù hợp.

Thiếu kết nối

Hồi mới vào lớp 10, Trịnh Văn Phong (Mỹ Đình, Hà Nội) luôn xuất hiện với vẻ ngoài bóng bẩy. Bạn bè đều tỏ ra ngưỡng mộ mỗi lần thấy cậu, tóc xịt gôm giữ nếp, đeo kính đen sành điệu, giày hàng hiệu mỗi ngày một kiểu.

Nếu không mặc đồng phục, chắc nhiều người nghĩ cậu là thiếu gia chuẩn bị tham gia sự kiện nào đó. Nhưng khi đã quen, bạn bè đều dễ dàng bắt gặp ánh mắt buồn buồn như muốn khóc của Phong.

Giờ ra chơi cậu không vui đùa như đa số bạn bè mà thường ngồi đọc sách, thở dài thườn thượt, thi thoảng lại chép miệng, lộ rõ vẻ chán nản. Cũng có lúc Phong sẽ gục đầu xuống bàn "đánh một giấc"…

Bạn thân cùng lớp với Phong thi thoảng vẫn nhắc đến Phong với vẻ ái ngại. "Nhà nó giàu, không thiếu thốn gì nhưng lại chẳng ai quan tâm đến ai. Bố mẹ mỗi người về một giờ, không mấy khi ăn cơm nhà. Nó đi học về thì có sẵn đồ ăn trên bàn, do người giúp việc theo giờ nấu. Ăn xong thì về phòng đóng cửa".

Những câu mà bố mẹ nói với Phong nhiều nhất trong mỗi lần gặp gỡ "chớp nhoáng" là: "Dạo này con học thế nào?", "Có bị điểm kém không?", "Nếu điểm kém thì phải nói ngay để mẹ còn tìm cách ‘gỡ’"…

Mỗi lần, Phong định nói chuyện gì đó thì bố hoặc mẹ sẽ cắt ngang "Để nói sau nhé, mẹ/bố đang vội!"… Và Phong không có dịp "nói sau" vì lúc nào bố mẹ cũng bận, lúc họ về nhà thì cũng không muốn trò chuyện vì "Vất vả cả ngày rồi, bố/mẹ mệt lắm! Để sau đi con!"…

Cuộc sống không giao tiếp, không có sự quan tâm đã khiến Phong sống thu mình, luôn cảm thấy lạc lõng như người đi "ở nhờ", dù vật chất đủ đầy nhưng Phong không thể nào xóa được suy nghĩ mình là khách trọ, là đứa trẻ bị bỏ rơi…

Chỉ đến khi bất ngờ nhìn thấy con trai mặt mũi hốc hác, thần thái mệt mỏi, mẹ Phong mới hốt hoảng đưa con đi khám và lặng người khi nghe bác sĩ kết luận con bị khủng hoảng tinh thần, cần được sự hỗ trợ của bác sĩ tâm lý. "Kiểu bệnh này cần rất nhiều thời gian mới có thể chữa lành"- chỉ một câu nói này của bác sĩ đã khiến nước mắt mẹ Phong lã chã rơi, không sao kìm nén được.

Tương tự là câu chuyện của Hoài, chị cả của ba đứa em nhỏ. Mẹ Hoài đẻ dày nên tiếng là chị cả, Hoài còn nhỏ hơn cả mấy đứa em liền sau. Từ khi còn nhỏ, Hoài đã được mẹ dạy phải biết nhường nhịn các em. Từ đồ ăn, đến đồ chơi, cô bé không được sở hữu cho riêng mình bất cứ thứ gì.

Cảm giác tủi thân đeo bám Hoài từ lúc nào không hay. Câu quen thuộc "Hoài đâu? Sao để em ngồi thế này?", "Hoài đâu, cho em ăn chưa?"… Chỉ cần nghe người lớn gọi "Hoài đâu?"… đã trở thành nỗi ám ảnh với Hoài.

Cô bé dần quên đi bản thân vì phải tập trung vào đàn em nhỏ để cha mẹ còn lo kiếm tiền. Những chuyện buồn của cá nhân, Hoài chỉ biết giấu trong lòng vì không có ai muốn nghe Hoài nói. Hoài thích học, nhưng cả bố lẫn mẹ đều chung một suy nghĩ "Con gái không cần học nhiều làm gì!"…

Mặc cảm mình là gánh nặng với gia đình dần trở thành áp lực Hoài. Cô bé lặng lẽ như cái bóng trong nhà, ai gọi thì vội vàng chạy ra, cun cút làm mọi việc đâu vào đấy như thể một người giúp việc cần mẫn nhất.

Hoài từng ghi nhật ký nói, cô không khác gì khách trọ, không được tự ý làm bất cứ điều gì. Tiền trọ được trả bằng công việc theo ý muốn của cha mẹ bất kể giờ giấc, dù khi đó Hoài cũng chỉ là một đứa trẻ như ba đứa em của mình.

Thực tế cho thấy, không phải chỉ có cuộc sống khó khăn mới khiến cho người ta cảm thấy thiếu thốn, mà có những đứa trẻ dù lớn lên trong đủ đầy vẫn luôn thiếu một điều: tình yêu thương và sự quan tâm của mẹ cha.

Yêu không đúng cách

Hầu như người làm cha làm mẹ nào cũng yêu thương đứa con mình dứt ruột sinh ra nhưng trong xã hội hiện đại đã có những người không biết cách yêu con theo cách con cần.

Bữa cơm gắn kết đầy ắp tiếng cười, sự quan tâm chính là điều mà mọi đứa trẻ đều cần.

Các chuyên gia tâm lý đã dẫn ra nhiều kiểu "bệnh" mà cha mẹ thời @ thường mắc, đó là: Thiếu sự kết nối tình cảm với con. Họ nghĩ chỉ cần chăm lo về mặt vật chất là đã quá đủ với đứa trẻ mà quên mất việc lắng nghe, chia sẻ, hoặc đơn giản là trò chuyện với con mỗi ngày cũng cần thiết như cơm ăn, nước uống.

Nhiều bạn trẻ cảm thấy bị áp lực bởi thành tích học tập, sự kỳ vọng quá mức của cha mẹ, đến mức cảm thấy mình chỉ được yêu thương khi thành công.

Nhiều người trẻ cảm thấy như đang "ở nhờ" chứ không phải là thành viên thực sự trong ngôi nhà ấy vì cảm thấy không được tôn trọng, không có không gian riêng, không được là chính mình khi bị cha mẹ kiểm soát gắt gao. Đây chính là lý do những đứa con không dám thể hiện cảm xúc, sở thích, hoặc định hướng cá nhân vì sợ bị phán xét hoặc từ chối.

Con cái bị áp đặt, không được thấu hiểu, không được lắng nghe khiến khoảng cách giữa cha mẹ- con cái ngày càng xa. Con cái không cần một con đường thành công được vạch sẵn. Con cần được tin tưởng để tự bước đi, dù có vấp ngã. Cha mẹ đừng chỉ nuôi con bằng cơm áo gạo tiền, mà hãy nuôi con bằng cả trái tim. Đừng để con sống trong nhà mà như người xa lạ.

Chuyên gia Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu

Cha mẹ là những người có khả năng để con được là chính con, hay biến con thành "khách trọ" trong chính ngôi nhà của mình. Cha mẹ cần đủ nhạy cảm để phát hiện ra con có cảm giác "ở trọ" để kịp thời thu hẹp khoảng cách với con bằng cách thiết lập mối quan hệ ngang hàng trong giao tiếp với con, nói với con như một người bạn, không phải với tư cách người ra lệnh. Nếu thấy khó có thể "hàn gắn" mối quan hệ, cha mẹ hãy tìm sự trợ giúp từ các chuyên gia tâm lý.

Chuyên gia nghiên cứu về cảm xúc John Gottman cũng đã nhấn mạnh rằng, bất cứ cha mẹ nào cũng cần dành thời gian chất lượng mỗi ngày với con, dù có thể chỉ là 15 đến 30 phút, để hỏi về cảm xúc con phải trải qua, không phải để hỏi chuyện học hành hay điểm số. "Công thức" có vẻ đơn giản nhưng không phải cha mẹ nào cũng làm được để khiến con có thể trở thành đứa trẻ hạnh phúc thay vì cảm thấy mình là "khách trọ".

Tác giả: Bảo Châu

Nguồn tin: phunuvietnam.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP