Kinh tế

Cần mô hình độc đáo để thúc đẩy phát triển ngành phân phối ở Việt Nam

Cần có giải pháp nhằm cải thiện khả năng cạnh tranh của các nhà phân phối quy mô nhỏ để cùng tồn tại với ngành công nghiệp phân phối hiện đại.

Thị trường bán lẻ của Việt Nam đang phát triển với tốc độ nhanh hơn nhờ vào phát triển kinh tế tổng thể. Quy mô của thị trường bán lẻ tăng trung bình hàng năm từ 10% trở lên, dự kiến sẽ tăng từ khoảng 95 tỷ USD vào năm 2016 lên 120 tỷ USD vào năm 2018. Trong “Chỉ số phát triển bán lẻ toàn cầu” năm 2016, A.T. Kearney xếp Việt Nam thứ 11 trong số 30 khách hàng tiềm năng nhất trên thế giới.

Kênh phân phối hiện đại chưa thực sự thu hút người tiêu dùng Việt Nam.

Vấn đề đặt ra là Việt Nam cần có giải pháp nhằm cải thiện khả năng cạnh tranh của các nhà phân phối quy mô nhỏ, để cùng tồn tại với ngành công nghiệp phân phối hiện đại.

Theo ông Jin Dong Hyun, Viện Phát triển tái định hình (ReDI) của Hàn Quốc, thị trường Việt Nam vẫn bị chi phối bởi các kênh phân phối truyền thống, chiếm đến hơn 70-85%. Hiện tại, Việt Nam có khoảng 8.550 chợ và 1,3 triệu cửa hàng tạp hoá theo quy mô gia đình. Phần lớn người tiêu dùng vẫn có thói quen mua bán các sản phẩm nông nghiệp và thực phẩm ở chợ truyền thống.

Cho rằng sự thiếu hụt cơ sở hạ tầng xã hội là một trong những lý do khiến hệ thống phân phối hiện đại của Việt Nam không thể phát huy được sức mạnh, nhóm chuyên gia Hàn Quốc chỉ rõ, tỷ lệ đô thị hoá 34% nhưng việc mở rộng cơ sở hạ tầng bằng vốn đầu tư xã hội không đủ dẫn đến ngành công nghiệp phân phối hiện đại không thể tận dụng lợi thế.

Ngoài ra, những sản phẩm nhập khẩu và chất lượng cao tại các siêu thị hiện đại vẫn chưa có sức hút đối với người tiêu dùng. Phương tiện di chuyển chính ở Việt Nam vẫn là xe máy hơn là ô tô, điều này gây khó khăn cho việc mua sắm các loại hàng hoá có kích thước lớn lớn.

Hơn nữa, người tiêu dùng Việt Nam có tâm lý mua sắm các sản phẩm chất lượng thấp, giá rẻ ở các thị trường truyền thống hơn là các sản phẩm chất lượng cao với giá thành cao hơn. Điều này xuất phát từ mức thu nhập của các hộ tiêu dùng tại Việt Nam còn thấp, kéo theo nhu cầu mua hàng từ các đại lý phân phối bán lẻ hiện đại cũng còn rất thấp.

Theo các chuyên gia về thị trường, do chợ truyền thống ở Việt Nam hiện vẫn đang chiếm số lượng lớn, do đó điều cần thiết phải thiết kế một mô hình phát triển độc đáo, bằng cải tiến chợ truyền thống và phát triển khu thương mại dành cho văn hoá và du lịch phù hợp với đặc điểm địa phương, từ đó ngành bán lẻ quy mô nhỏ có thể đạt được sự tăng trưởng bền vững.

Bên cạnh đó, Việt Nam có thể học tập kinh nghiệm từ Hàn Quốc trong phát triển công nghiệp phân phối hiện đại. Ở Hàn Quốc các doanh nghiệp lớn hướng dẫn công nghệ mới cho doanh nghiệp quy mô nhỏ, quy trình quản trị doanh nghiệp, hỗ trợ mở rộng kênh phân phối.

Theo nhận định của GS. Yoon Hyun Gi, Viện Cao học phân phối hàng hoá, Trường Đại học Inha, Hàn Quốc, ngành phân phối hiện đại ở Việt Nam tuy đang ở giai đoạn bắt đầu nhưng là thị trường tiềm năng.

Việt Nam là quốc gia có dân số đông, khoảng gần 100 triệu dân và cứ tăng khoảng 1% qua mỗi năm. Đặc biệt, trong số những người từ 15 - 65 tuổi – lực lượng tham gia sản xuất chiếm trên 70%. Đây là nhóm người tiêu dùng được cho rằng có tiềm năng dẫn dắt hoạt động kinh tế và tiêu dùng của Việt Nam.

Bên cạnh đó, tăng trưởng kinh tế một cách bền vững cũng là động lực cho ngành bán lẻ ở Việt Nam phát triển. Cùng đó, thu nhập hộ gia đình tăng và mở rộng chi tiêu. Các chuyên gia hy vọng dân số ở tầng lớp trung lưu của Việt Nam sẽ tăng lên 3.300 triệu người vào năm 2020, tạo ra tầng lớp khuyến khích tiêu dùng và mua sắm.

Để hiện thực hoá những động lực trên, GS. Yoon Hyun Gi khuyến nghị, Chính phủ Việt Nam có thể thiết lập sứ mệnh và tầm nhìn quốc gia cho ngành công nghiệp phân phối coi như một nhiệm vụ cơ bản của quản lý nhà nước. Đồng thời, lập phương hướng cho chính sách phân phối Việt Nam như tăng năng suất của ngành công nghiệp này và phát triển nó thành một ngành cạnh tranh.

Ông Võ Văn Quyền, nguyên Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho rằng, để có thể phát triển công nghiệp phân phối hiện đại tại Việt Nam, cần giải quyết 4 vấn đề cơ bản.

Đó là giải quyết mâu thuẫn giữa phân phối hiện đại và truyền thống; phát triển hài hoà giữa doanh nghiệp lớn với sự tham gia của ngày càng nhiều với các doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp trong nước và hàng triệu hộ kinh doanh; cần có định hướng phát triển hài hoà giữa kinh doanh trực tuyến và phi trực tuyến; tổ chức tiêu thụ hàng nông sản vì Việt Nam là đất nước phần lớn là sản xuất nông nghiệp./.

Tác giả: Nguyễn Quỳnh

Nguồn tin: BÁO ĐIỆN TỬ VOV

  Từ khóa: ngành phân phối , mô hình

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP