Giáo dục

Cần có hành lang pháp lý về vấn đề dạy thêm, học thêm

Trong chiều hôm qua (5/4), đại biểu Quốc hội (ĐB) chuyên trách cho ý kiến về Luật Giáo dục (sửa đổi).

Hình minh họa

Liên quan đến vấn đề dạy thêm, học thêm được cử tri và nhân dân đang rất quan tâm vì học sinh đang bị quá tải, các ĐB cho rằng, việc sửa đổi Luật Giáo dục lần này cần quy định và có hành lang pháp lý rõ ràng.

Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội, bà Nguyễn Thanh Hải cho rằng, Điều 22 của Dự thảo Luật quy định về hành vi người học và những điều nhà giáo không được làm mà không hề có nêu nhà giáo không được dạy thêm hay không mà quy định cấm ép buộc học sinh học để thu tiền. Tại Điều 71 quyền của nhà giáo cũng không nêu nhà giáo có được dạy thêm hay không?

“Liên quan đến nhiệm vụ của nhà giáo có nêu trong dự luật đó là nhiệm vụ của nhà giáo là giáo dục, giảng dạy theo mục tiêu nguyên lý giáo dục và đặc biệt cần thực hiện đầy đủ và có chất lượng giáo dục. Vậy đã giảng dạy đầy đủ và chất lượng giáo dục thì có cần học thêm và dạy thêm hay không?”, bà Hải đặt vấn đề và cho biết, thực tế có hiện tượng, giáo viên không dạy hết chương trình giảng dạy sau đó mang chương trình đó về nhà để dạy thêm.

“Hiện nay, hành lang pháp lý về dạy thêm, học sinh vẫn chưa trả lời được câu hỏi đây là hoạt động hợp pháp đến mức độ thế nào, đối tượng thế nào thì được giảng dạy. Với việc nhân dân quan tâm đến thì ta cần có quy định cách chính danh việc này trong luật”, bà Hải nói.

Cũng theo Trưởng ban Dân nguyện, vấn đề đạo đức nhà giáo được quy định tại Chương 4, nhưng đều quy định cho giờ chính khóa từ đạo đức tư cách, rồi hành vi bị cấm như không được xâm phạm thân thể, xúc phạm học sinh…

Ví dụ như việc thầy giáo tại tỉnh Bắc Giang do uống rượu có hành vi, cử chỉ không đúng mực với học sinh trong giờ học thêm. Và mặc dù dự thảo Luật cũng đã có câu quét đó là theo các quy định pháp luật khác, nhưng hành lang pháp lý liên quan đến học thêm, dạy thêm không được quy định trong luật nào cả. “Do đó, tôi đề nghị cần đưa thêm vấn đề này trong Luật. Ta nên quy định rõ ràng để dạy thêm học thêm, tràn lan ảnh hưởng đến sức khỏe của học sinh”, bà Hải nói.

Cùng chung quan điểm, ĐB Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) nói: Chúng ta cấm học thêm nhưng tại một số địa phương có tình trạng giờ học thêm dạy kiến thức chính, còn giờ học chính lại dạy kiến thức khác cho nên các cháu nói phải đi học thêm vì không đi học thêm thi chỉ được 5 điểm, còn học thêm thì thi được 8 điểm. “Không ép nhưng vấn đề chính là ở chỗ đó” - Đại biểu Thuỷ phản ánh.

Nêu rõ trước đây học thêm chỉ dành cho học sinh kém thì thầy tổ chức 10 buổi phụ đạo trước khi thi hay phụ đạo để thi đội tuyển nhưng hiện nay diễn ra quanh năm ngày tháng đến khi kết thúc năm học, các cháu nói nhanh nhanh về ăn cơm để đi học thêm, bà Thủy cho rằng, quy định cấm ép buộc học sinh để thu tiền là chưa bao quát hết mà phải quy định cấm cố ý không dạy hết kiến thức trong giờ học chính để tổ chức dạy thêm. Quy định đó cần đưa vào trong những hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực giáo dục.

Tác giả: Diệu Phạm

Nguồn tin: Báo Pháp luật Việt Nam

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP