Kinh tế

Bộ Nông nghiệp với đề xuất bỏ 152 nhóm hàng phải kiểm tra chuyên ngành

Số lượng nhóm hàng được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đề xuất bãi bỏ chiếm gần 61% tổng số nhóm hàng thuộc diện kiểm tra chuyên ngành (KTCN) của Bộ này.

Hoạt động nghiệp vụ tại Chi cục Kiểm dịch thực vật Vùng I (Hải Phòng). Ảnh: T.Bình.


Gần 7.700 dòng hàng phải KTCN

Theo Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT có 7.698 dòng hàng thuộc 251 nhóm sản phẩm hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành, bao gồm: Hàng hóa thuộc diện kiểm dịch 53 nhóm sản phẩm; Hàng hóa thuộc diện kiểm tra chất lượng 104 nhóm sản phẩm; Hàng hóa phải kiểm tra an toàn thực phẩm 94 nhóm sản phẩm.

Mặt khác, theo yêu cầu tại Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ, Bộ cần cắt giảm 125 nhóm sản phẩm hàng hóa. Theo Bộ NN&PTNT, sau khi rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, hiện nhóm mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý của Bộ còn 118 nhóm sản phẩm hàng hóa. Tất cả hàng hóa kiểm tra chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ đều có mã HS (với tổng số 7.698 dòng hàng, quy định tại Thông tư 24/2017/TT-BNNPTNT).

Để tạo thuận lợi cho cộng đồng DN, Bộ NN&PTNT đề xuất loại 152 nhóm hàng hóa, sản phẩm khỏi Danh mục hàng hóa KTCN thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ (chiếm 60,6% tổng số nhóm hàng phải KTCN hiện nay).

Trong đó, nhóm kiểm dịch, lược bỏ 37/53 nhóm; nhóm kiểm tra chất lượng, lược bỏ (bỏ không kiểm tra hoặc gộp vào nhóm hàng khác) 87/104 nhóm; nhóm kiểm tra an toàn thực phẩm, lược bỏ (chủ yếu là gộp vào nhóm mặt hàng khác hoặc trùng mặt hàng kiểm tra) 44/94 nhóm.

Về rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính KTCN, Bộ NN&PTNT cho hay, Bộ hiện có 64 thủ tục hành chính (TTHC) liên quan tới KTCN. Cụ thể, lĩnh vực kiểm dịch có 23 thủ tục; kiểm tra chất lượng hàng hóa có 30 thủ tục; kiểm tra an toàn thực phẩm có 11 thủ tục.

Sau khi thực hiện rà soát, Bộ này đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa 35 TTHC (đạt 54,6%).

Các TTHC được Bộ đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa tập trung vào đơn giản hóa, lược bỏ một số giấy tờ trong hồ sơ yêu cầu thực hiện; đơn giản hóa trình tự thực hiện; giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính; thực hiện gộp một số TTHC có liên quan chặt chẽ trong chuỗi trình tự thực hiện của cơ quan nhà nước nhằm giảm thời gian thực hiện; thực hiện quản lý hàng hóa theo phương thức quản lý rủi ro; giảm tần suất lấy mẫu lô hàng...

Ban hành 140 quy chuẩn, tiêu chuẩn

Để cải cách toàn diện công tác quản lý, KTCN theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT đặt mục tiêu, cải thiện môi trường kinh doanh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; cải cách toàn diện quy định về quản lý đối với hàng hóa XNK chuyên ngành của lĩnh vực Nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Trong đó, tiếp tục rà soát, đánh giá, đề xuất bãi bỏ 50% số điều kiện kinh doanh đang gây cản trở, khó khăn cho hoạt động đầu tư kinh doanh của DN, thúc đẩy đầu tư, nâng cao năng suất và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Thay đổi căn bản phương thức quản lý, KTCN, thực hiện trên cơ sở quản lý rủi ro; dựa trên mức độ tuân thủ của DN; tăng cường việc công nhận lẫn nhau về kết quả đánh giá sự phù hợp; đẩy mạnh việc xã hội hóa công tác khảo nghiệm, kiểm nghiệm các mặt hàng phải KTCN; điện tử hoá thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành.

Đồng thời cắt giảm, đơn giản hóa 50% danh mục hàng hóa, sản phẩm và thủ tục KTCN; khắc phục chồng chéo KTCN đối với mặt hàng chịu sự kiểm tra chuyên ngành của nhiều cơ quan.

Các nhiệm vụ, giải pháp được Bộ này đặt ra là hoàn thiện cơ chế chính sách, pháp luật như: Xây dựng và trình cơ quan có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về điều kiện đầu tư kinh doanh (Luật Chăn nuôi, Luật Trồng trọt, Nghị định sửa đổi một số Nghị định về điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp); sửa đổi, bổ sung 6 thông tư của Bộ liên quan tới KTCN.

Đáng chú ý, Bộ NN&PTNT đặt mục tiêu xây dựng, ban hành 13 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và 127 tiêu chuẩn Việt Nam liên quan đến KTCN.

Cùng với đó là đề xuất cụ thể cách thức quản lý, KTCN đối với danh mục hàng hóa phải đang có sự chồng chéo giữa các đơn vị thuộc Bộ. Đồng thời, nhân rộng mô hình của Trung tâm chẩn đoán, xét nghiệm bệnh động vật thuộc Cơ quan Thú y vùng VI tại các cơ quan Kiểm dịch thú y trên cả nước để tạo điều kiện thuận lợi cho DN và nâng cao hiệu quả công tác KTCN.

Về thưc hiện Cơ chế một cửa quốc gia (NSW), Bộ NN&PTNT đặt mục tiêu: Các thủ tục hành chính liên quan đến hàng hóa XNK, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập và quá cảnh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước chuyên ngành của Bộ được thực hiện thông qua NSW dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.

Triển khai NSW đảm bảo mục tiêu yêu cầu và lộ trình Kế hoạch tổng thể, sẵn sàng về mặt kỹ thuật để trao đổi thông tin với các đối tác thương mại trong và ngoài ASEAN theo các hiệp định, thỏa thuận và cam kết quốc tế.

Hoàn thành triển khai mở rộng trên phạm vi toàn quốc đối với 9 TTHC đã triển khai giai đoạn thí điểm, và mở rộng đối với 24 TTHC mới.

Tác giả: Thái Bình

Nguồn tin: Báo Hải quan

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP