Giáo dục

Bộ GD-ĐT ra cảnh báo việc các trường thu hút thí sinh bằng mọi cách

Năm 2018, Bộ GD-ĐT cho phép các trường ĐH, CĐ tự chủ trong phương án tuyển sinh. Đây chính là lợi thế để các trường đưa ra phương án tuyển sinh cho trường mình một cách phù hợp nhất để thu hút thí sinh. Tuy nhiên...

Năm 2018, Bộ GD-ĐT tiếp tục lo lắng về tình trạng vơ bèo vạt tép tuyển sinh - Ảnh: Internet

Tung nhiều chiêu lôi kéo thí sinh

Nhờ được lợi thế tự chủ nên nguồn tuyển sinh của các trường cũng không còn bị bó hẹp như những năm trước nữa, tuy nhiên có một thực tế đáng lo ngại là sự cạnh tranh của các trường sẽ dẫn đến việc các trường tìm mọi cách để thu hút thí sinh, thậm chí giảm điểm tới mức thấp nhất sẽ khiến năng lực đầu vào của các trường giảm đáng kể.

Chia sẻ với phóng viên, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT nói: Tính đến ngày 25.4 có gần 926.000 thí sinh dự thi THPT quốc gia 2018 (tăng khoảng 6,9% so với năm 2017), trong đó số thí sinh đăng ký xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng là gần 689.000. “Năm nay, số thí sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia năm 2018 tăng lên, do đó nguồn tuyển cho các trường tăng lên khoảng 50.000 so với năm 2017”, ông Trinh cho biết.

Cơ chế tạo thuận lợi, nguồn tuyển tăng nhưng nhiều trường cũng đã sớm đưa ra những cách thức quảng cáo ngành đào tạo để thí sinh và phụ huynh biết đến. Cụ thể, các trường đại học đều thành lập fanpage tuyển sinh, thực hiện tư vấn tuyển sinh qua mạng xã hội, rầm rộ mở ngày hội tư vấn tuyển sinh tại trường…

Bên cạnh đó, các trường sẵn sàng tung ra mức học bổng khủng để thu hút thí sinh giỏi vào trường. Đơn cử, Trường đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội) thông báo thủ khoa vào trường có điểm thi môn ngoại ngữ đạt điểm tuyệt đối 10/10 trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 sẽ được miễn toàn bộ học phí khóa học và tặng một chuyến thăm quan tại Nhật Bản. Đồng thời, thủ khoa 8 ngành ngôn ngữ và 7 ngành đào sư phạm ngoại ngữ được cấp học bổng tương đương học phí năm học đầu tiên và một khóa học ngắn hạn tại Nhật Bản.

Năm nay, Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường phải dự kiến ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào ngày cuối cùng là ngày 19.7. Nhưng ngay thời điểm này, nhiều trường đã chủ động công bố điểm sàn của trường mình trong đề án tuyển sinh. Đáng chú ý, nhiều trường đã công khai ngưỡng điểm xét tuyển tối thiểu là tốt nghiệp. Chẳng hạn, trong đề án tuyển sinh của Trường đại học Kiến trúc Đà Nẵng ghi: “Ngưỡng điểm đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm nhận hồ sơ xét tuyển) với phương thức xét kết quả thi là đã tốt nghiệp, có kết quả thi THPT theo tổ hợp xét tuyển”. Cũng tương tự, Trường đại học Y Hải Phòng thông báo dự kiến ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào các ngành thấp nhất là 18 điểm và cao nhất 22,5 điểm…

Song song đó, một số trường thông báo tuyển sinh theo tổ hợp “lạ”, như: Xét tuyển ngành kế toán, tài chính, kỹ thuật, công nghệ thông tin bằng tổ hợp môn “ Ngữ văn - Lịch sử - Địa lý” hoặc “Ngữ văn - Lịch sử - Giáo dục công dân”, những tổ hợp thường được sử dụng để xét tuyển khối ngành xã hội từ trước đến nay.

Ngoài việc đưa ra các tổ hợp lạ, các trường thuộc khối ngành sư phạm một lần nữa lại khiến các chuyên gia giáo dục lo ngại về việc "rớt giá" khi rất ít các thí sinh đăng ký vào trường khiến các trường phải hạ điểm bằng mọi cách để thu hút thí sinh.

Lo ngại ngành sư phạm giảm điểm, Bộ áp dụng ngưỡng đầu vào

Tuy nhiên, trả lời về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD-ĐT cho biết: Năm nay, Bộ GD-ĐT cho phép các trường đại học, cao đẳng (trừ các trường sư phạm) được quyết định ngưỡng điểm đầu vào. Việc này nhằm mục đích thực hiện lộ trình tự chủ cho các trường và đổi mới trong công tác tuyển sinh. Tuy nhiên, thời gian vừa qua có một số trường công bố mức điểm sàn thấp, điều này cũng đáng lo ngại. Chính vì thế Bộ GD-ĐT đã áp dụng ngưỡng đầu vào đối với các trường đào tạo ngành sư phạm. Như vậy, để trúng tuyển vào ngành sư phạm bậc ĐH, CĐ thí sinh sẽ phải đáp ứng nhiều yêu cầu đề ra, trong khi các khối đào tạo khác ngày càng được nới quy định đầu vào, dễ trúng tuyển hơn. Dù có nhiều sự điều chỉnh, siết chặt hơn về điều kiện nguồn tuyển cho khối ngành sư phạm nhưng khối ngành này vẫn có nhiều sức hút đối với thí sinh.

Theo tính toán của Bộ, năm 2018 sẽ cần tuyển khoảng 59.000 giáo viên để đáp ứng cho các tỉnh, thành. Về cơ bản, số sinh viên sư phạm chưa có việc làm và số sinh viên sẽ tốt nghiệp năm 2018, 2019 chưa có việc làm ngay là khoảng hơn 40.000. Khoảng 50% trong số đó vẫn chờ cơ hội để vào ngành sư phạm, hoặc sẵn sàng bỏ công việc đang làm để quay lại ngành được đào tạo nếu có cơ hội.

Bà Phụng cũng cho hay để chuẩn bị cho công tác tuyển sinh này, Bộ cũng yêu cầu các trường, đặc biệt là các trường sư phạm, khảo sát thị trường, nhu cầu học tập của các thí sinh để phát triển ngành nghề sao cho phù hợp.

"Chúng tôi đang cùng các trường sư phạm, các ngành sư phạm để khảo sát thông tin để quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm. Rồi sẽ dự tính về quy mô đào tạo trong những năm tới trên cơ sở dân số, nhu cầu học tập. Trên cơ sở những quy hoạch có tính dài hơi hơn thì các trường cũng có những kế hoạch chuyển đổi ngành nghề cho phù hợp với lực lượng của mình" - bà Phụng cho hay.

Chia sẻ mối lo các trường sư phạm sẽ khó khăn trong công tác tuyển sinh, bà Kim Phụng cũng nói rằng “các trường có thể gặp khó khăn để duy trì hoạt động, cần chi phí đổi mới, đánh giá, cơ cấu lại... Tuy nhiên, chủ trương nâng chuẩn đầu vào, giảm chỉ tiêu mà thí sinh vẫn đăng ký vào sư phạm thì các thí sinh đăng ký xét tuyển vào sư phạm năm nay có thể chất lượng hơn, thực sự yêu nghề, gắn bó với nghề hơn. Một mình Bộ GD-ĐT không bằng tất cả các hiệu trưởng, các giáo viên đều lo về ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào cho trường mình để xây dựng chính sách chất lượng, xây dựng thương hiệu trường mình. Đa số các trường đều hiểu rằng nếu không đi lên từ chất lượng thì trường sẽ tự hủy hoại mình”.

Đối với một số trường thông báo xét tuyển tổ hợp lạ, bà Phụng cũng cho biết: Ngay từ đầu năm 2018 Bộ GD-ĐT đã thường xuyên giám sát, nhắc nhở các trường có thông báo xét tuyển tổ hợp các môn thi chưa phù hợp với ngành đào tạo và yêu cầu thực hiện đúng quy định. Ví dụ, một số trường tuyển sinh ngành ngôn ngữ nước ngoài nhưng không tuyển sinh tổ hợp có ngoại ngữ, các ngành kỹ thuật lại tuyển sinh khối C… Sau khi có ý kiến nhắc nhở của Bộ GD-ĐT, nhiều trường đã khẩn trương điều chỉnh tổ hợp xét tuyển, như: Trường đại học Công nghệ Đồng Nai, Trường đại học Đông Đô…

Trong những chiêu thu hút thí sinh vào trường, cá biệt có trường đã dùng tiền để thu hút thí sinh đăng ký, ví dụ các mức học bổng được nâng lên, tiền học phí giảm đáng kể và có những mức ưu đãi cho học sinh nếu vào học. Chia sẻ về điều này, GS-TS Phạm Tất Dong - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam cho biết: "Việc các trường dùng tiền để chiêu sinh là không hiệu quả, bởi trường có thu hút được thí sinh mà chất lượng đào tạo không tốt các em cũng ra đi. Khi đó sẽ gây lãng phí cho cả nhà trường và học sinh. Các trường nên tập trung cải thiện hình ảnh, nâng cao chất lượng và uy tín. Ngoài giảm chỉ tiêu còn phải nâng cao chất lượng đào tạo, có các chính sách ưu đãi cho các thí sinh giỏi về đảm bảo việc làm, mức lương tương xứng sau khi ra trường".

Tác giả: Dạ Thảo

Nguồn tin: Báo Một thế giới

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP