Giới trẻ

Bỏ 500 nghìn mua cây sung cảnh chơi Tết, thanh niên gặp cái kết "đắng"

Chàng trai 9X ở Hà Nội quyết định chi 500.000 đồng để mua cây sung cảnh chơi Tết Mậu Tuất. Thế nhưng, chỉ 3 ngày sau chàng trai bỗng phát hiện sự thật không ngờ.

Mới đây, cộng đồng mạng xôn xao trước bài chia sẻ của facebook Hiệu Ngô. Theo đó, người dùng này đăng tải câu chuyện mình mua phải cây sung cảnh nhưng toàn bộ quả trên cây được gắn bằng keo 502.

Bài chia sẻ của Ngô Hiệu thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng.

Chia sẻ với PV báo Người Đưa Tin, anh Ngô Hiệu (khách mua phải cây sung cảnh giả) cho biết: “Cách đây 4 ngày, tôi gặp một người bán hàng rong trên đoạn đường Lê Duẩn (đối diện cổng công viên Thống Nhất, HN) có bán khoảng gần chục cây sung cảnh, thấy hay hay nên tôi đã mua về chơi”.

Anh Hiệu cho biết anh mua cây sung cảnh nhiều quả này với giá 500.000 đồng. Vì không có kinh nghiệm chọn cây và chơi cây cảnh nên anh cũng chỉ chọn cây nào ưng mắt là mua.

Khi mua cây về, anh Hiệu cảm thấy rất thích thú và ưng ý vì đã mua được một cây cảnh không quá to mà đẹp mắt. Thế nhưng, niềm vui chưa được bao lâu thì 3 hôm sau anh Hiệu nhận thấy quả sung trên cây bắt đầu chín nhanh và rụng.

Cây sung cảnh khi mua về quả còn gắn chặt trên cây.

“Tôi bắt đầu nghi ngờ nên mới xem kỹ phần gốc, nhổ thử chùm quả ra em thì ôi thôi. Toàn bộ chùm quả sung đều được gắn bằng keo con voi 502 hết”, anh Hiệu nói trong sự ngao ngán.

Nhưng sau đó, anh Hiệu phát hiện chùm quả sung đều gắn keo con voi 502.

Vì quá thất vọng và cũng là lần đầu tiên gặp phải kiểu bị lừa thế này, chính vì thế anh Hiệu đã đăng tải lên mạng xã hội cho bạn bè cùng biết, anh Hiệu nói: “Tôi chia sẻ lên mạng với mục đích để mọi người biết mà tránh, vì gần Tết nên nhu cầu mua cây về chơi Tết ngày càng nhiều”.

Cây sung sau khi anh Hiệu bỏ hết quả (Ảnh: NVCC).

Ngay sau khi câu chuyện mua cây cảnh bị lừa của anh Hiệu được chia sẻ, rất đông cộng đồng mạng đã đồng loạt chia sẻ cho nhau và cảnh báo nhau cẩn thận khi chọn mua cây cảnh.

Bên cạnh đó, cũng có không ít người dùng mạng chia sẻ câu chuyện tương tự và cảm thấy thất vọng về chiêu thức kinh doanh gian dối của một số người bán hàng không có tâm. Từ đó, họ đưa ra lời khuyên người mua hàng nên kiểm tra kỹ lưỡng trước khi mua.

Phân biệt cây cảnh giả và cây cảnh thật

Theo những người "sành" cây cảnh, dù chiêu trò làm giả có tinh vi thế nào cũng có thể phát hiện nếu tinh ý.

Đối với một cây sung cảnh bonsai mà có quả lúc lỉu bện từ gốc đến ngọn là rất hiếm. Nuôi nấng được một cây như vậy thì những người chơi cũng phải mất từ 20 năm trở lên, giá bán phải 5 – 10 triệu đồng/cây. Cây lộc vừng giá cũng tương đương vậy.

Cây khế, cây đu đủ rất khó để có thể trồng được một gốc cây bé tí mà quả mọc chi chít từ gốc đến ngọn. Đu đủ phải có quả non, quả già chứ không có chuyện xanh đều. Mà nếu có trồng được thì giá cây này cũng rất đắt, ít nhất cũng tầm 2 – 2,5 triệu đồng/cây.

Những gốc mai to tương đương những cây mai của người bán dạo, người trồng phải mất 5 – 6 năm chăm sóc, giá bán ra cũng khoảng 4 – 6 triệu đồng/cây. Gốc mai càng lớn thì cành cũng lớn tương đương, nếu có cắt tỉa tỉ mỉ thì vẫn có những mấu nhô ra khỏi thân cây. Nếu thân cây to mà cành được cắm vào theo kiểu “đầu voi đuôi chuột” thì ắt hẳn là mai rởm. Mai thật bao giờ cũng có rễ nổi lên mọc lan gần gốc cây, mai giả thì ngược lại.

Để nhận biết cây không có rễ, người mua nên ấn vào phần gốc cây đồng thời nhìn lá non ở ngọn. Nếu lá héo từ trên xuống, ngọn không thẳng mà nghiêng ngả chứng tỏ cây thiếu nước từ gốc, đây chính là cây ghép từ cành thật với gốc giả.

Ngoài ra, muốn mua cây chiết thì chọn cây thấp, cao khoảng 1m đổ lại, có lá sum suê, gốc không to. Đối với cây ghép, cần xem vết ghép đã liền hay chưa, nếu vết ghép chưa liền thì cây cũng khó sống.

Tác giả: Thanh Lam

Nguồn tin: Báo Người đưa tin

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP