Tại các vùng “rốn lũ” Phong Thủy, Lộc Thủy (Lệ Thủy) và Tân Ninh (Quảng Ninh), Bí thư Tỉnh ủy Lê Ngọc Quang và đoàn công tác đã ân cần thăm hỏi tình hình đời sống, sinh hoạt của bà con; tặng quà động viên cán bộ, giáo viên các trường mầm non và các hộ gia đình bị ảnh hưởng nặng bởi bão lụt.
Bí thư Tỉnh ủy Lê Ngọc Quang và đoàn công tác kiểm tra việc khắc phục hậu quả bão lụt tại xã Lộc Thủy (Lệ Thủy) |
Chia sẻ với những thiệt hại của bà con do bão lụt gây ra, Bí thư Tỉnh ủy ghi nhận, đánh giá cao tinh thần chủ động ứng phó với thiên tai của cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân trên địa bàn, đặc biệt là việc thực hiện hiệu quả phương châm “4 tại chỗ” đã góp phần giảm tối đa thiệt hại.
Bí thư Tỉnh ủy Lê Ngọc Quang cũng đánh giá cao vai trò của các lực lượng chức năng, nhất là cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang trong công tác hỗ trợ nhân dân ứng phó với bão lụt cũng như khắc phục hậu quả. Đồng thời mong muốn người dân vùng "rốn lũ" tiếp tục khẩn trương khắc phục hậu quả với tinh thần nước rút đến đâu vệ sinh môi trường đến đó, sớm ổn định sinh hoạt và đời sống cũng như việc học tập của các em học sinh trên tinh thần phải bảo đảm an toàn cho giáo viên, học sinh khi trở lại trường.
Bí thư Tỉnh ủy Lê Ngọc Quang và Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thắng trò chuyện với bà con xã Phong Thủy (Lệ Thủy). |
Bí thư Tỉnh ủy cũng lưu ý bà con quan tâm, bảo đảm an toàn trong sinh hoạt, đời sống, hạn chế các sự việc đáng tiếc có thể xảy ra; đồng thời đề nghị các lực lượng chức năng, cấp ủy, chính quyền các địa phương tiếp tục đẩy nhanh quá trình khắc phục hậu quả bão lụt, đồng hành, hỗ trợ bà con nhanh chóng ổn định đời sống, sinh hoạt.
Dịp này, Bí thư Tỉnh ủy Lê Ngọc Quang và đoàn công tác đã trao tặng nhiều phần quà cho người dân vùng “rốn lũ” các huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh.
Bí thư Tỉnh ủy Lê Ngọc Quang đã trao tặng nhiều phần quà cho người dân vùng “rốn lũ” các huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh. |
Theo thống kê của cơ quan chức năng, tính đến 16h00 ngày 31/10/2024, mưa lũ vừa qua đã làm 7 người chết. Mưa lũ và nước ngập kéo dài trong nhiều ngày cũng gây thiệt hại nặng nề về kinh tế - xã hội, trong đó có nông nghiệp, cụ thể: Diện tích hoa màu, rau màu: 791,2 ha; cây lâu năm: 26,3 ha; cây hàng năm: 151 ha; số gia cầm bị thiệt hại: 70.538 con; số gia súc bị chết, cuốn trôi: 488 con; Diện tích nuôi cá áo hồ nhỏ: 716,8 ha; Diện tích nuôi cá - lúa, nuôi hồ mặt nước lớn: 178,6 ha. Trên địa bàn toàn tỉnh có 9.290 hộ phải đi sơ tán; Ngập lụt nhà dân 34.488 hộ. Thiệt hại về giao thông, thuỷ lợi: Sạt lở bờ biển1,5km; Sạt lở bờ sông trên 300m; Kè biển cửa sông Nhật Lệ bị hư hỏng 65m; Đê bao bị sạt lở, hư hỏng: khoảng 9,65 km; Kênh mương bị sập, hư hỏng: 19,6 km; Kênh mương, trạm bơm, cống thủy lợi bị đất đá bồi lấp trên 100.000 m3; Giao thông: Khoảng 10km các tuyến đường bị sạt trượt, hư hỏng; sạt lở trên 3.030m3 đất. Ước tổng thiệt hại ban đầu trên 500 tỷ đồng.
|
Tác giả: Trần Phong
Nguồn tin: congluan.vn