Du lịch

Bí mật về loại rượu Chu Ân Lai mời Nixon trong bữa tiệc

Buổi tiệc năm 1972, Thủ tướng Trung Quốc nói rằng Tổng thống Mỹ Nixon chỉ cần uống đủ rượu Mao Đài, việc gì cũng giải quyết được.

Nằm nép mình trên sườn dốc của một thung lũng nhỏ phía bắc tỉnh Quý Châu là Kweichou Moutai, nhà máy sản xuất rượu Mao Đài nổi tiếng nhất Trung Quốc. Đây cũng là công ty rượu có giá trị vốn hóa lớn nhất thế giới năm 2017, theo CNN.

Nhà máy là công trình mà du khách nhìn thấy đầu tiên khi tới thung lũng rồi mới đến thị trấn cùng tên. Đặt chân tới đây, thứ khiến mọi người để ý ngay là mùi nồng từ các bể lên men rượu lan trong gió. Tuy nhiên, người dân đã quá quen với mùi này nên không ai khó chịu. Chỉ đến khi du khách hỏi, họ mới ngạc nhiên hỏi nhau: "Mùi gì cơ?".

Kweichow Moutai không phải là nhà sản xuất Mao Đài duy nhất ở thị trấn. Với dân số hơn 100.000 người, nơi này còn có hàng trăm nhà máy chưng cất nhỏ khác. Ảnh: SCMP.

Mao Đài (bạch tửu) là loại rượu nổi tiếng và được yêu thích nhất Trung Quốc, xuất hiện trên thị trường từ năm 1949. Đây cũng là thứ rượu được Thủ tướng Chu Ân Lai yêu thích. Tại hội nghị thượng đỉnh năm 1972, ông đã dùng rượu này để đãi Tổng thống Mỹ, Richard Nixon, trong bữa tiệc cùng lời tuyên bố: "Nếu chúng ta uống đủ rượu Mao Đài, tôi nghĩ chúng ta có thể giải quyết được mọi vấn đề".

Trên trang web giới thiệu, loại rượu này cũng được miêu tả là "biểu tượng của sự xuất sắc và sang trọng". Tháng 7 năm nay, một chai Mao Đài 80 tuổi được bán đấu giá ở Hàng Châu với giá 245.000 USD (gần 5,7 tỷ đồng). Tuy nhiên, theo Tân Hoa Xã, con số này khiến không ít người trong ngành thất vọng. Năm 2011, một người đã bán được một chai phiên bản giới hạn, do Lay Mau sản xuất năm 1960, với giá gấp 6 lần.

Người dân Trung Quốc tin rằng, Mao Đài có "tiểu khí hậu" độc nhất vô nhị. Do vậy, nếu rời khỏi nơi này, không ai có thể nấu được thứ rượu Mao Đài đúng chuẩn. Ảnh: SCMP.

Tại tòa nhà nơi cao lương được lên men, giám đốc sản xuất Zhou Xianlun cho biết, thứ đồ uống có cồn này chỉ có thể sản xuất tại thị trấn Mao Đài. Đây là nơi có khí hậu hoàn hảo để tạo nên một thứ bạch tửu xuất sắc: mùa đông không quá lạnh, mùa hè nóng, gió và lượng mưa thấp nhưng nhiệt độ, độ ẩm cao.

Để làm nên sản phẩm thượng hạng, người dân đã dùng loại nước chất lượng và tinh khiết nhất từ sông Xích Thủy. Con sông này được bảo vệ kỹ càng, không một nhà máy hóa chất nào được xây dựng quanh đó. Nước ở đây rất giàu vi chất. Cao lương được trồng tại địa phương và lên men nhờ một hỗn hợp nấm men và nấm mốc.

Quá trình tạo ra sản phẩm phải thông qua một quy trình gắt gao: 9 lần chưng cất, 8 lần lọc, 7 lần lên men. Tất cả đều phải làm bằng tay. Ngay cả những loại rượu Mao Đài cơ bản nhất cũng phải mất ít nhất 5 năm để thực hiện.

Vài lần một năm, các chuyên gia thẩm định rượu sẽ đến kho chứa, mở các thùng đựng để kiểm tra xem chúng có thể bán ra thị trường được hay chưa. Những mẻ rượu ngon nhất sẽ được lựa chọn để tích trữ trong vòng tối đa 80 năm. Những chai rượu Mao Đài 80 năm tuổi là các chai quý giá và đắt nhất trên thị trường.

Điều này có thể giải thích được phần nào lý do loại rượu này lại có giá cả đắt đỏ đến vậy. Một chai 500 ml loại bình thường có giá 215 USD (gần 5 triệu đồng). Ngay cả du khách đến trụ sở công ty cũng chỉ được phép mua mỗi người hai chai. Quy định này cũng được áp dụng trên website bán hàng.

Sở dĩ có việc hạn chế mua vì công ty cũng chỉ sản xuất số lượng giới hạn do không muốn ảnh hưởng đến hệ sinh thái và chất lượng sản phẩm. "Chúng ta cần suy nghĩ về việc Mao Đài như một nguồn tài nguyên khan hiếm", theo Wu Dewang, giám đốc thương hiệu của công ty.

Trong những năm gần đây, thu nhập của người dân Trung Quốc tăng cao. Nhu cầu tiêu thụ thức uống có cồn này cũng tăng theo, vì đây là loại rượu có một vị trí quan trọng trong nền văn hóa của đất nước này.

Văn hóa uống rượu trong kinh doanh, tiệc tùng của dân Trung Quốc là điều khiến khách nước ngoài e ngại. Ảnh: Drinks Business.

Cách đây khoảng 20 năm, doanh thu của công ty là 900 triệu tệ (gần 130 triệu USD). Năm 2017, con số này lên đến kỷ lục 11 tỷ USD và dự kiến là 13 tỷ USD trong năm 2018.

Để giữ vững giá trị của loại rượu này, phía nhà cung cấp đã đưa ra những quy định nghiêm khắc để kiểm soát tốt nguồn cung, ví dụ như họ cấm các đại lý tăng giá rượu và tích trữ quá nhiều.

Cơ sở sản xuất giống như một pháo đài kiên cố. Nơi đây không cho phép ra vào tự do. Khách đến thăm phải thông qua một quá trình kiểm duyệt khá dài, bị giám sát bởi quân đội. Các kho hàng ở đây cũng do binh sĩ trong quân đội bảo vệ, họ kiểm tra kỹ lưỡng từng giờ giấy phép, con dấu của khách ghé thăm.

Nơi đây có 247 tòa nhà để trữ rượu, một số vẫn đang xây dở. Rượu được đựng trong những chiếc lọ đất nung, đặt tại tỉnh Tứ Xuyên. Trong nhà máy luôn có khoảng 800.000 lọ lưu trữ khoảng 250.000 tấn Mao Đài. Có khoảng 155 loại Mao Đài, với các hương vị khác nhau, từ mùi chocolate cho đến thuốc lá.

Mao Đài quý và nổi tiếng là vậy, nên chính quyền Trung Quốc cũng đang phải đối mặt với nạn hàng giả. Đầu năm nay, truyền thông nước này đã đưa tin về việc thu được gần 7.500 chai rượu giả, nặng 3,7 tấn. Số hàng giả đã bị chính quyền tỉnh Quý Châu tiêu hủy. Năm ngoái, hai người đàn ông cũng lãnh án tù vì tội làm giả rượu Mao Đài.

Nếu đại lý ủy quyền nào bị bắt vì làm hàng giả, họ sẽ bị phạt hơn 14.000 USD (hơn 334 triệu đồng). Cơ sở này sẽ bị cấm tham gia vào mạng lưới bán hàng. Những gì mà Kweichow Moutai làm được chỉ là một phần. Để triệt tiêu tối đa nạn hàng giả, họ cho rằng phần trách nhiệm còn lại phụ thuộc vào chính phủ.

Ngoài đối diện với hàng giả, công ty rượu còn phải đối mặt với hàng nhái. Nhiều hãng rượu khác cũng dùng cái tên Mao Đài trong sản phẩm của họ. Ngoài ra, hình dáng chai rượu và mẫu mã cùng làm tương tự, gây nên sự nhầm lẫn cho người mua hàng, đặc biệt là khách du lịch.

Mục tiêu của Kweichou Moutai là đưa loại rượu này thành biểu tượng của văn hóa Trung Quốc, được người nước ngoài biết đến rộng rãi. Tuy nhiên, để đạt được tham vọng này, Mao Đài còn phải đi một chặng đường rất dài.

Rượu nổi tiếng là như vậy, nhưng những người nước ngoài khi đánh giá Mao Đài lại không quá sùng bái nó như người Trung Quốc. Với họ, mùi vị, chất lượng của một loại rượu chỉ quyết định một phần giá trị của chúng. Phần còn lại phụ thuộc vào văn hóa sử dụng chúng. Nhiều người nước ngoài khá e ngại trước cách uống rượu của người Trung Quốc, khi trên bàn mọi người thường có thói quen "cạn ly", uống hết cốc rượu trong một lần nhấp môi.

Tác giả: Anh Minh

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP