Tin địa phương

“Báu vật” hơn 400 tuổi chứa văn tự bí ẩn của người Khùa ở Quảng Bình

Một bộ sách cổ làm bằng lá cây rừng hơn 400 năm tuổi, bên trong văn tự được viết bằng tiếng Lào cổ, chứa nhiều bí ẩn chưa có lời giải đang được bô lão người Khùa (Bru – Vân Kiều) cất giữ như “báu vật” trong nhà.

Bí ẩn sách lá hơn 400 tuổi

Bộ sách lá chứa nhiều bí ẩn này, hiện đang được ông Hồ Thoong (SN 1962), Trưởng bản Hà Vi, xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình cất giữ và bảo quản rất cẩn thận như “báu vật” gia truyền.

Nó được ông Hồ Thoong cất kỹ trong căn nhà sàn 3 gian, đặc trưng của người Khùa. Tuy nhiên, khi hỏi về bộ sách, ông Thoong không hề ngại ngần, lấy ra cho chúng tôi “mục sở thị”.

Bộ sách lá cây có tuổi đời hơn 400 năm của người Khùa.

Theo ông Thoong, bộ sách quý này được tổ tiên truyền lại qua rất nhiều đời, hiện đã hơn 400 năm tuổi. Sách có chiều dài 50cm, gồm 150 trang và mỗi trang rộng khoảng 5cm, trên 2 mặt của mỗi trang có viết 4 hàng chữ, theo ông Thoong là chữ Lào cổ. Bên ngoài bộ sách được ốp bởi 2 thanh gỗ cứng chắc, ở trong các trang được nối với nhau bằng 2 sợi dây bện từ vỏ cây rừng.

Khi hỏi về cách làm và những nguyên liệu tạo ra cuốn sách này, ông Thoong cho biết: “Tôi chỉ nghe cha ông kể lại rằng, sách cổ này được làm từ lá tan hay lá buông (giống lá cọ). Phải vào rừng già tìm, khi cây mới ra lá non thì buộc chúng lại với nhau trong vòng 1 năm không cho lá bung ra. Sau đó, đem về phơi khô để cho lá cứng lại mới có thể khắc chữ được”.

Về cách viết những văn tự cổ trên lá cây, ông Thoong giải thích rằng, người xưa đã dùng loại mực đặc biệt và trộn với mật của 1 loại cá sống ở khe suối. Sau đó, dùng thanh sắt được mài nhọn, nhúng vào mực và khắc chữ lên cả hai mặt của từng lá cây.

Mỗi trang có viết 4 hàng chữ, theo ông Thoong là chữ Lào cổ.

“Bộ sách này được truyền lại từ xưa, giờ không còn ai biết nó làm như thế nào. Loại lá cây được dùng cũng không thể tìm thấy. Cách pha mực để viết cũng đã thất truyền”, ông Hồ Thoong tiếc nuối nói.

Nội dung của những văn tự cổ trong bộ sách hiện vẫn chưa một ai có thể giải mã hay đọc được. Nhưng theo ông Thoong tiết lộ, ông từng nghe người xưa nhắc lại rằng, bộ sách chứa những nội dung liên quan đến các câu văn, thơ cổ của người Khùa. Đồng thời, nó còn ghi chép lại cách học võ nhằm rèn luyện sức khỏe để chống lại bệnh tật, thú rừng. Ngoài ra, trong đó còn ghi lại gia phả dòng tộc, tổ tiên và cách giáo dục con cháu.

Cất giấu “báu vật” trong hang đá

Đối với đồng bào người Khùa, bộ sách được xem như “báu vật” vô giá. Trong những năm tháng chiến tranh ác liệt trước đây, người có thể mất, nhà không còn nhưng “báu vật” thì phải được lưu giữ và truyền lại cho con cháu đời sau.

Trong những năm chống Pháp, chống Mỹ, bom đạn tàn phá cả ngôi làng, người Khùa phải đem những bộ sách quý này giấu vào hang đá, gốc cây trong rừng sâu. Hết bom đạn, làm lại được nhà ở thì mới vào rừng tìm và đem “báu vật” trở về.

Cuốn sách lá được ông Thoong cất giữ như "báu vật" trong nhà.

Theo các vị cao niên trong làng, trước đây nhiều dòng họ của người Khùa cũng có những bộ sách lá tương tự như của ông Hồ Thoong. Trải qua nhiều biến cố lịch sử, những bộ sách đã hư hỏng hoặc thất lạc gần hết.

Sau những trận bom đạn của chiến tranh, nhiều bộ sách bị phá hủy, hư hỏng nặng. Số khác khi người Khùa chạy loạn đã đưa vào hang đá cất giấu cũng không thể tìm lại được vì không nhớ vị trí.

“Đã nhiều lần nhà bị cháy do bom, cũng chừng ấy lần sách quý được tôi cất giấu trong hang đá. Sau khi làm được nhà, tôi lại vào rừng đưa sách về cất giữ cẩn thận. Nó được chúng tôi xem như "báu vật" của tổ tiên. Dù không đọc được nội dung bên trong, nhưng tôi phải lưu giữ và truyền lại cho con cháu đời sau”, ông Hồ Thoong nói.

Tác giả: Hải Long

Nguồn tin: Báo Người đưa tin

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP