Kinh tế

Bầu Đức cho vay ngàn tỷ, đại gia tôn làm cú 2.500tỷ

Bầu Đức đem ngàn tỷ cho Hoàng Anh Gia Lai vay, đại gia Lê Phước Vũ tìm cách vực dậy công ty đang lâm vào khó khăn...

Bầu Đức đem ngàn tỷ tiền riêng cho vay

Tại báo cáo tài chính 2018 đã kiểm toán của Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) vừa công bố, công ty đang vay tổng cộng 22.800 tỷ đồng, gồm 2.500 tỷ vay ngắn hạn và 20.300 tỷ vai dài hạn.

Trong đó, cá nhân Chủ tịch HAGL Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) đang cho tập đoàn vay 743 tỷ đồng.

Cụ thể, HAGL hạch toán khoản vay ngắn hạn trị giá gần 613 tỷ đồng và khoản vay dài hạn trị giá 130 tỷ đồng với chủ nợ là cá nhân bầu Đức. Hai khoản vay này sẽ lần lượt đáo hạn vào tháng 12 năm nay và tháng 10/2021.

Ngoài ra, HAGL còn hạch toán hai khoản phải trả ngắn hạn và phải trả dài hạn cho bầu Đức với khoản nhận góp vốn thông qua hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC) với số tiền lần lượt là 136 tỷ đồng và 180 tỷ đồng.

Như vậy, tổng số tiền HAGL đang mượn bầu Đức là 1.059 tỷ đồng, chưa tính chi phí lãi vay gần 6,4 tỷ đồng.

Ông Đoàn Nguyên Đức đã cho Hoàng Anh Gia Lai vay cả ngàn tỷ đồng

Ngoài ra, một thành viên khác trong gia đình bầu Đức là bà Đoàn Thị Nguyên Nguyên, em gái ông, cũng cho HAGL mượn 20 tỷ đồng.

Mới đây, bầu Đức cũng cam kết đủ khả năng thực hiện các nội dung trong hợp đồng với Công ty Cổ phần Quản lý Quỹ đầu tư FPT (FPT Capital) tùy vào phán quyết của tòa án mà không yêu cầu HAGL phát sinh thêm nghĩa vụ nào khác liên quan đến hợp đồng cam kết này.

Như vậy, trong trường hợp phải mua lại hơn 2,2 triệu cổ phiếu của CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HNG) do FPT Capital nắm giữ, bầu Đức sẽ là người trả 141 tỷ đồng và HAGL không phải chịu khoản chi phí nào.

Đơn vị thâu tóm Vinaconex chọn người trẻ sinh năm 1994 làm tân Tổng giám đốc

Sau khi chi hơn 7.300 tỷ đồng thâu tóm Vinaconex và làm Tổng giám đốc doanh nghiệp này, ông Nguyễn Xuân Đông đã giao quyền điều hành An Quý Hưng cho một nhân tố trẻ là Nguyễn Xuân Tùng, sinh năm 1994.

Theo đó, giấy đăng ký kinh doanh vừa cấp đổi của An Quý Hưng cho thấy, hiện Tổng giám đốc của doanh nghiệp này đã không còn là ông Nguyễn Xuân Đông mà là ông Nguyễn Xuân Tùng.

Tân Tổng giám đốc An Quý Hưng sinh ngày 17/2/1994, thường trú tại Khu đô thị mới Văn Quán – Yên Phúc, phường Văn Quán, quận Hà Đông, Hà Nội.

Nguyễn Xuân Tùng từng được giới thiệu là Quyền Tổng giám đốc An Quý Hưng trong một sự kiện tổ chức vào ngày 27/12/2018 của công ty này.

Việc giao lại quyền điều hành cho một lãnh đạo trẻ diễn ra sau khi ông Nguyễn Xuân Đông cùng An Quý Hưng thực hiện thương vụ mua lại 255 triệu cổ phiếu VCG của Vinaconex tương ứng tỷ lệ 57,71% trị giá 7.366 tỷ đồng vào cuối năm ngoái. Sau đó, ông Nguyễn Xuân Đông được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc Vinaconex.

Đại gia Lê Phước Vũ làm cú 2.500 tỷ đồng

Doanh nghiệp của ông Lê Phước Vũ rơi vào khoảng thời gian khó khăn với nhiều thử thách chưa từng có. Đại gia gốc Quảng Nam đang tìm cách vực dậy công ty.

Theo thông tin vừa công bố của CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HSG), HĐQT của doanh nghiệp đã thông qua phương án phát hành trái phiếu doanh nghiệp không chuyển đổi kỳ hạn 2 năm, không có tài sản đảm bảo với giá trị tối đa 500 tỷ đồng, thực hiện trong năm 2019.

Trước đó, Hoa Sen đã thông báo lấy ý kiến cổ đông về việc phát hành cổ phiếu và phát hành trái phiếu/trái phiếu chuyển đổi cho cổ đông hiện hữu, đối tác chiến lược, nhà đầu tư khác. Cụ thể, HSG dự kiến phát hành cổ phiếu với lượng vốn cần huy động 500-1.000 tỷ đồng và khoảng 500-1.000 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi. Mục đích là nhằm bổ sung vốn lưu động.

Tổng cộng, HSG sẽ huy động tối đa 2.500 tỷ đồng.

Quyết định huy động vốn bổ sung vốn lưu động diễn ra trong bối cảnh doanh nghiệp của ông Lê Phước Vũ rơi vào khoảng thời gian khó khăn với nhiều thử thách chưa từng có như lợi nhuận tụt giảm, cạnh tranh khốc liệt, dự án đình trệ,...

Dù gánh nợ 800 triệu USD đang gây sức ép lớn nhưng để cạnh tranh với các đối thủ lớn HSG phải gia tăng đầu tư nhà máy mới như Hoa Sen Hà Nam, Hoa Sen Yên Bái,... để giành lại thị phần, cải thiện vị thế. Hoa Sen đã phải chấp nhận giảm lợi nhuận trong ngắn hạn để giữ khách hàng và mở rộng cơ sở khách hàng.

Án phí vụ ly hôn vợ chồng 'vua cà phê' Trung Nguyên được đính chính

TAND TP.HCM vừa ra thông báo đính chính án phí trong vụ ly hôn của vợ chồng "vua cà phê" Trung Nguyên được tuyên vào hôm 27/3.

Theo đó, do có sự nhầm lẫn trong tuyên án nên HĐXX đã tuyên sai phần án phí phải chịu của ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo.


Án phí bà Thảo phải nộp sau khi được đính chính là 3,4 tỷ đồng, được cấn trừ vào số tiền tạm ứng án phí mà bà đã nộp trước đó là hơn 1 tỷ đồng. Do vậy, số tiền án phí mà nguyên đơn phải nộp thêm là 2,3 tỷ.

Án phí ông Vũ phải nộp sau khi đính chính là 4,97 tỷ, được cấn trừ vào tiền tạm ứng án phí đã nộp trước đó là 1,31 tỷ. Do đó, số tiền án phí mà ông Vũ phải nộp thêm là 3,66 tỷ.

Trước đó, khi tuyên án chiều 27/3, HĐXX công bố án phí mà vợ chồng "vua cà phê" phải nộp lên đến con số hơn 80 tỷ đồng. Cụ thể, bà Thảo phải chịu án phí ly hôn 300.000 đồng; án phí cho phần tài sản 34,2 tỷ đồng; ông Vũ phải đóng 48,7 tỷ án phí tài sản.

Cấn trừ vào tiền đã tạm ứng trước đó, thẩm phán Nguyễn Văn Xuân thông báo bà Thảo phải nộp 32,6 tỷ đồng án phí, ông Vũ phải nộp hơn 47,4 tỷ đồng.

Tác giả: Minh Thái

Nguồn tin: Báo Đất Việt

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP