Tin địa phương

Báo động 'lâm tặc' tàn phá rừng gỗ mun trong Vườn di sản Phong Nha

Hàng chục cây gỗ mun rất quý hiếm cùng nhiều loại gỗ khác như: táu, trơng, bộp, bài lài... đã bị “lâm tặc” ngang nhiên đốn hạ, cưa xẻ và đưa gỗ ra khỏi rừng. Từ các địa bàn dân cư, lâm tặc ra vào rừng để khai thác và vận chuyển gỗ chỉ bằng con đường độc đạo.

Một khu vực khai thác gỗ mun trái phép giữa rừng của “lâm tặc” ngổn ngang như bãi chiến trường.

Đó là sự việc nghiêm trọng và đáng báo động đối với hàng nghìn hecta rừng nguyên sinh thuộc các tiểu khu 649, 650 nằm trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng di sản - Vườn quốc gia (VQG) Phong Nha – Kẻ Bàng, trên khu vực biên giới Việt – Lào ở địa phận xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình mà phóng viên Báo PLVN đã thâm nhập và tận mắt ghi nhận được.

Một gốc gỗ mun sọc ở tiểu khu 650 bị “lâm tặc” cắt ngang gốc.

Theo dấu lâm tặc

Từ trung tâm xã Thượng Trạch, chúng tôi vượt qua một con suối rộng trước khi vào địa phận bản Coóc, xã Thượng Trạch và là nơi đặt trụ sở của Đồn Biên phòng Cồn Roàng. Bắt đầu từ cổng đồn biên phòng này, con đường tuần tra biên giới Việt - Lào đang trong giai đoạn thi công lộ ra trước mắt.

Đây cũng chính là con đường độc đạo để xâm nhập vào các khu vực rừng bị lâm tặc tàn phá. Chỉ cách cổng đồn chưa đầy cây số, chúng tôi dễ dàng phát hiện một đường mòn dẫn vào rừng sâu.

Cảnh tượng xót xa tại một bãi khai thác gỗ mun của "lâm tặc" trong tiểu khu 649.

Lần theo đường mòn nhỏ này, không khó để nhận ra những dấu hiệu của “lâm tặc” đã tung hoành nơi đây. Quan sát thực tế của chúng tôi cho thấy, con đường này chỉ mới hình thành vài tháng trở lại đây nhưng dấu vết đi lại của “lâm tặc” khá dày đặc.

Lợi dụng địa hình dốc, đất mềm, “lâm tặc” dùng dây néo một đầu phách gỗ rồi kéo xuôi theo dốc ra khỏi rừng tạo nên những dấu mòn vẹt. Có đoạn cả vài chục mét, gặp phải độ dốc quá cao và thời gian phá rừng vào mùa mưa nên “lâm tặc” phải dày công xẻ đất, dùng những cành gỗ nhỏ be lại thành bậc để tránh trơn trượt khi gùi gỗ ra ngoài. Rất nhiều cây gỗ nhỏ mọc chắn lối đi đã bị “lâm tặc” thẳng tay chặt hạ, nằm rạp xuống bên góc đường.

Một gốc mun sọc khác bị triệt hạ.

Một nguồn tin tiết lộ, “lâm tặc” đã mất hơn 10 ngày để tạo đoạn đường vận chuyển gỗ lậu này.

Rừng gỗ mun bị tàn phá

Sau gần 2 giờ băng rừng, vượt những con dốc cao dựng đứng, chúng tôi đã tiếp cận được một khu vực “lâm tặc” ở tiểu khu 650. Nằm cách không xa đường mòn là 2 cây gỗ mun sọc, đường kính khoảng 50 – 80cm đã bị đốn hạ. Thân và ngọn khi bị cưa đổ đè xuống quần nát cả một vạt rừng rộng cả trăm m2.

Gỗ lõi đã bị cưa xẻ và vận chuyển ra ngoài. Cành, ngọn, mạt cưa, bìa (phần vỏ bên ngoài)… mà “lâm tặc” bỏ lại nằm ngổn ngang giữa rừng. Cách điểm này chỉ vài chục mét, 2 gốc gỗ mun và 1 gốc táu cũng bị triệt hạ. Cách xa hơn nữa trong rừng sâu, nhiều cây gỗ mun khác cũng trong tình cảnh tương tự.

Phóng viên PLVN bên một bãi gỗ mun mà “lâm tặc” đã khai thác.

Theo điều tra của chúng tôi, nạn “lâm tặc” tung hoành trong VQG Phong Nha – Kẻ Bàng ở địa phận xã Thượng Trạch xảy ra cùng một thời điểm khoảng 3 – 4 tháng trước. Lợi dụng đường tuần tra biên giới đang thi công nên đi lại dễ dàng, “lâm tặc” mang cưa máy Trung Quốc vào rừng, chọn được cây gỗ ưng ý rồi cắt gốc đổ xuống và cưa xẻ xong xuôi chỉ mất chưa đầy 2 giờ.

Ngược lên phía cao hơn với 2 giờ đi bộ nữa, chúng tôi tiếp tục chứng kiến cảnh hàng chục gốc gỗ mun (có cây đường kính đến gần cả mét) ở cùng tiểu khu 650 bị “lâm tặc” đốn hạ, cưa xẻ lấy gỗ. Ngoài gỗ mun, nhiều loài cây gỗ quý khác như: táu, trâm, trơng, nang, bài lài, lội, bộp… cũng bị “lâm tặc” ngang nhiên khai thác. Ghi nhận của chúng tôi tại tiểu khu này, “lâm tặc” đã triệt hạ hơn 35 cây gỗ (đa phần là mun sọc), số lượng gỗ bị khai thác ước tính cũng không dưới 35m3.

Bìa gỗ và mạt cưa ngổn ngang giữa rừng ở tiểu khu 650.

Tiếp tục sang nhiều khu vực rừng của tiểu khu 649, đập vào mắt chúng tôi cũng là cảnh “lâm tặc” hoành hành. Dù có thưa thớt hơn nhưng khoảng 20 cây gỗ, mà phần lớn cũng là mun sọc cũng bị đổ gục xuống trước lưỡi cưa “lâm tặc”. Tất cả để lộ ra những khoảng rừng trống huơ trống hoác, chúng tôi đã không khỏi xót xa.

Sau ghi nhận nạn lâm tặc hoành hành trong rừng Phong Nha – Kẻ Bàng ở địa phận xã Thượng Trạch, chúng tôi đã liên lạc với Ban quản lý VQG này để tìm hiểu thêm về thông tin. Ông Lê Thanh Tịnh – Giám đốc Ban quản lý kiêm Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm VQG Phong Nha – Kẻ Bàng cho biết, các khu vực rừng bị “lâm tặc” khai thác trái phép nói trên đều thuộc khu vực vùng lõi – phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của VQG này.

Một bãi khai thác gỗ mun khác của "lâm tặc" để lại giữa rừng ở tiểu khu 649.

“Ban quản lý Vườn cũng đã nắm được thông tin rừng ở đó bị khai thác và đánh giá đây là sự việc có tính chất rất nghiêm trọng. Đặc biệt và đối với mun sọc - loài thực vật được Chính phủ quy định trong nhóm IA, nguy cấp quý hiếm và nghiêm cấm mọi hành vi khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại.

Lực lượng chuyên trách đã được cử vào rừng nhiều ngày để kiểm tra, thực hiện công tác giám định. Chắc chắn các lực lượng liên quan để xảy ra tình trạng phá rừng này sẽ bị xử lý nghiêm và nếu xét thấy vụ việc có tính chất hình sự, chúng tôi sẽ tiến hành khởi tố vụ án” – ông Lê Thanh Tịnh khẳng định.

Báo PLVN sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.

Rất quý hiếm và bị đe dọa tuyệt chủng

Mun sọc hay còn gọi là thị bong (tên khoa học là Diospyros salletii). Loài thực vật rừng này có tên trong Sách Đỏ Việt Nam và thế giới. Sự hiện diện của mun sọc trong VQG Phong Nha – Kẻ Bàng chỉ ở 1 vài khu vực nhất định bởi chất đất ở vườn này rất giàu dinh dưỡng, độ ẩm cao nhưng mun sọc lại phụ hợp với khí hậu hạn trên đất nghèo, độ cao dưới 800m. Ở Việt Nam hiện nay, gỗ mun hiện rất quý hiếm, có giá trị kinh tế rất cao và loài này đang bị đe dọa tuyệt chủng bởi sự săn lùng ráo tiết của nạn khai thác trái phép.

Tác giả: Trần Nguyên Phong

Nguồn tin: Báo Pháp luật Việt Nam

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP