Kinh tế

75% mỹ phẩm ngoài thị trường là hàng giả, hàng nhập lậu

Thông tin trên được đại diện DN cho biết tại hội thảo “Nâng cao hiệu quả phối hợp giữa DN và lực lượng thực thi trong công tác chống hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ" do Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) phối hợp với Cơ quan hợp tác kỹ thuật quốc tế Pháp (Expertise France) tổ chức tại TP.HCM ngày 30/3.

Một điểm tàng trữ, kinh doanh mỹ phẩm giả, mỹ phẩm nhập lậu tại TP.HCM bị cơ quan chức năng phát hiện. Ảnh: Nguyễn Huế

Theo bà Nguyễn Ngọc Tuyết Trinh, Giám đốc truyền thông và đối ngoại Công ty TNHH L’OREAL Việt Nam, hiện nay, khoảng 75% thị phần hàng mỹ phẩm bán ngoài thị trường là hàng giả và hàng nhập lậu, chỉ có 25% còn lại là hàng chính hãng. Đặc biệt, 100% các sản phẩm nước hoa và sáp vuốt tóc bán tại các chợ là hàng giả và hàng nhập lậu.

Ngoài hai mặt hàng nêu trên, rất nhiều sản phẩm mỹ phẩm khác cũng bị làm giả, như: maccara bộ sản phẩm trang điểm mắt, bộ sản phẩm chăm sóc da, sáp vuốt tóc nam, thuốc nhuộm tóc, son, phấn mắt... Các khu vực bán hàng giả trọng điểm tại Hà Nội là chợ Phùng Khoang (Thanh Xuân), Chợ Xanh (Cầu Giấy), Chợ Đồng Xuân. Tại TP.HCM tập trung ở các cửa hàng mỹ phẩm trong chợ Gò Vấp, các cửa hàng tại khu vực quận 5, quận 10, chợ Kim Biên (quận 6).

Tại một số địa phương, mỹ phẩm giả, nhập lậu còn được bán công khai trong các chợ trung tâm. Mỹ phẩm giả tại các chợ được bán với giá từ 20.000 đồng đến 120.000 đồng/sản phẩm và tại các cửa hàng mỹ phẩm được bán với giá từ 80.000 đồng đến 150.000 đồng/sản phẩm.

Đáng chú ý là nhiều sản phẩm mỹ phẩm của nước ngoài chưa hề được công bố cũng đã được bán tại nhiều chuỗi cửa hàng của Việt Nam trong đó có cả những chuỗi cửa hàng danh tiếng.

Đại diện thương hiệu LACOSTE tại Việt Nam, bà Nguyễn Thị Hương, luật sư điều hành Công ty Luật TNHH V.V.I.P cho biết, đơn vị này đã từng phát hiện có tới 5 xưởng sản xuất áo thun giả nhãn hiệu LACOSTE tại Việt Nam với công suất hàng trăm ngàn chiếc/năm. Các sản phẩm này được bán ra thị trường cả nước, thậm chí còn xuất khẩu qua Campuchia, Thái Lan trở thành áo thun LACOSTE sản xuất tại Thái Lan bán giá cao gấp 3-4 lần.

Theo bà Hương, với sự nỗ lực rất lớn của DN và cơ quan quản lí thị trường, hiện nay tình trạng làm giả nhãn hiệu LACOSTE đã giảm nhiều. Tuy nhiên, theo số liệu thống kê năm 2017. Việt Nam vẫn là nơi mà nhãn hiệu này bị làm giả nhiều nhất với khoảng 8.000 sản phẩm trên tổng số 3 triệu sản phẩm giả thương hiệu LACOSTE được phát hiện trên toàn thế giới.

Nhận định về vấn nạn hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hiện nay, ông Kiều Nghiệp, Trưởng phòng chống giả, Cục Quản lí thị trường cho biết, tình trạng vi phạm về hàng giả, hàng kém chất lượng, xâm phạm sở hữu trí tuệ tiếp tục là vấn đề gây bức xúc trong dư luận, tác động tiêu cực tới đời sống nhân dân, môi trường sản xuất kinh doanh của DN, ảnh hưởng xấu tới thị trường và môi trường đầu tư trong nước.

Theo ông Nghiệp, trong thời gian gần đây, nhiều vụ việc có quy mô lớn, tính chất nghiêm trọng đã bị điều tra, phát hiện, các vụ việc này chủ yếu liên quan đến hàng hóa có nguồn gốc nước ngoài thẩm lậu vào thị trường nội địa tiêu thụ điển hình như vụ sản xuất của Công ty Thuận Phong, Vụ sản xuất kinh doanh mỹ phẩm và thực phẩm chức năng của Công ty TS, vụ kinh doanh lụa tơ tằm của Công ty Tập đoàn Khải Silk. Qua đó cho thấy việc giả nguồn gốc xuất xứ các sản phẩm lưu thông trên thị trường rất đáng báo động.

Theo đánh giá của Cục Quản lý thị trường, trong thời gian qua công tác phối hợp giữa lực lượng chức năng và DN đã bước đầu mang lại những chuyển biến tích cực trong công tác chống hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ. Lực lượng chức năng đã kiểm tra, phát hiện và xử lý nhiều vụ việc sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ bảo vệ quyền lợi hợp pháp của DN.

Tuy đã đạt được những kết quả tích cực, song theo ông Trịnh Văn Ngọc, Cục trưởng Cục Quản lý Thị trường, trong công tác chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn còn nhiều khó khăn như: Nhiều DN chưa quan tâm tới việc bảo vệ tài sản trí tuệ của mình. Một số DN bị làm giả còn né tránh không phối hợp với cơ quan chức năng vì sợ ảnh hưởng tới uy tín. Một số DN chưa có đại diện tại Việt Nam gây khó khăn cho lực lượng chức năng khi xác minh hàng hóa. Các đối tượng buôn bán hàng giả ngày càng tinh vi hiện đại trong khi trang thiết bị, phương tiện cho lực lượng thực thi còn thiếu, lạc hậu chưa theo theo kịp trình độ phát triển của khoa học công nghệ...

Phản ánh về những khó khăn trong công tác chống hàng giả, các DN cho rằng, khó khăn lớn nhất là chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe dẫn đến hiện tượng các đối tượng làm hàng giả thường xuyên tái phạm. Việc xử lí vi phạm của các cơ quan thực thi đôi khi còn chậm gây ảnh hưởng tới hiệu quả của công tác chống hàng giả. Nhiều đơn vị chức năng còn chưa phối hợp tích cực với DN trong công tác chống hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ...

Theo Cục Quản lý thị trường TP.HCM, trong năm 2017, đơn vị đã phối hợp với các lực lượng chức năng, Hiệp hội, DN tiến hành kiểm tra và xử lý trên 19.000 vụ vi phạm về hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ, xử phạt hành chính gần 73,8 tỷ đồng, trị giá hàng vi phạm trên 518 tỷ đồng.

Tác giả: Nguyễn Huế

Nguồn tin: Báo Hải quan

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP