Tin địa phương

2 động lực tăng trưởng và 4 trụ cột kinh tế mới của Quảng Bình

Với 2 động lực tăng trưởng, 4 trụ cột phát triển kinh tế, 3 trung tâm đô thị và 3 hành lang kinh tế sẽ giúp Quảng Bình từng bước khai phá tiềm năng để bứt phá trong thời gian tới

Khu Kinh tế Hòn La sẽ là trung tâm động lực tăng trưởng của tỉnh Quảng Bình trong thời gian tới.

Khu Kinh tế Hòn La sẽ là trung tâm động lực tăng trưởng của tỉnh Quảng Bình trong thời gian tới.

Theo Quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050. Tỉnh Quảng Bình định hướng gồm 3 trung tâm đô thị gồm: Trung tâm đô thị TP. Đồng Hới và vùng phụ cận, lấy Đồng Hới làm hạt nhân và các đô thị vệ tinh, đô thị cửa ngõ kết nối gồm; Quán Hàu, Hoàn Lão, Việt Trung, Dinh Mười.

Trung tâm đô thị phía Bắc với hạt nhân là TX. Ba Đồn gắn với trung tâm huyện lỵ Quảng Trạch, các khu kinh tế Hòn La, Tiến Hóa và Trung tâm đô thị phía Nam với hạt nhân là đô thị Kiến Giang, đô thị vệ tinh gồm Lệ Ninh và Áng Sơn.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và lãnh đạo tỉnh Quảng Bình bấm nút thực hiện nghi lễ khởi công các dự án trọng điểm tại Quảng Bình ngày 8/1/2023.

Theo đó, Quảng Bình sẽ hình thành 4 trụ cột trong phát triển kinh tế là: Đưa ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là khâu đột phá để tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế: Kêu gọi đầu tư vào sản xuất điện, năng lượng tái tạo, chế biến, chế tạo để sớm đưa công nghiệp trở thành ngành kinh tế trọng điểm; Phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng sản xuất hàng hóa, giá trị gia tăng cao, ưu tiên ứng dụng công nghệ cao, coi đây là bệ đỡ nền kinh tế, cùng với đó là tận dụng lợi thế để phát triển hiệu quả, bền vững kinh tế biển.

Điểm nhấn quan trọng của 2 trung tâm động lực tăng trưởng cho Quảng Bình bao gồm; Khu du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng trở thành trung tâm du lịch đẳng cấp khu vực Đông Nam Á và Khu Kinh tế Hòn La trở thành khu kinh tế động lực góp phần cho tăng trưởng kinh tế.

Khu du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng là nơi hội tụ đủ các điều kiện cần để phát triển thành trung tâm du lịch lớn của Việt Nam và Đông Nam Á.

Đồng thời với 3 hành lang kinh tế gồm; Hành lang kinh tế đồng bằng ven biển cùng với Quốc lộ 1A, đường ven biển; Hành lang kinh tế Đông - Tây dọc Quốc lộ 12 nối Cửa khẩu quốc tế Cha Lo - TX. Ba Đồn - cảng biển Hòn La; Hành lang kinh tế trung du và miền núi gắn với đường Hồ Chí Minh và cao tốc Bắc - Nam phía Đông sẽ là một trong những rường cột để Quảng Bình trở thành một trong những tỉnh phát triển khá ở khu vực Bắc miền Trung trong thời gian tới.

Theo ông Trần Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Để hiện thực hóa các mục tiêu trên, tỉnh Quảng Bình xác định sẽ tạo đột phá từ cải cách hành chính, chuyển từ nền hành chính quản trị sang nền hành chính phục vụ, đồng thời tạo môi trường an toàn, thuận lợi nhất cho nhà đầu tư.

Ông Trần Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình kiểm tra thi công dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam, đoạn cầu Long Đại ngày 1/3/2023.

“Với mục tiêu “Đưa Quảng Bình đến gần nhà đầu tư, chúng tôi cam kết sẽ sát cánh, đồng hành, làm cầu nối tích cực, hiệu quả, sẵn sàng tạo mọi điều kiện để nhà đầu tư tiếp cận các nguồn lực của tỉnh, nhằm hiện thực hóa các mục tiêu Quy hoạch tỉnh Quảng Bình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt”, ông Thắng nói.

Tác giả: Minh Phương

Nguồn tin: baophapluat.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP