Đây là một nội dung trong kết luận của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp về học phí và sách giáo khoa, diễn ra ngày 12/10.
|
Theo kết luận này, sau khi nghe báo cáo của Bộ GD&ĐT, ý kiến phát biểu của các đại biểu dự họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kết luận Bộ GD&ĐT tiếp thu ý kiến của các đại biểu dự họp và phối hợp với các cơ quan có liên quan để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết về học phí đối với cơ sở giáo dục và đào tạo công lập năm học 2022 - 2023. Bên cạnh đó là thống nhất phương án mua sách giáo khoa trang bị cho các thư viện trường học để học sinh mượn sử dụng.
Trước đó, từ tháng 5, trong đề án tuyển sinh, hàng loạt các trường đại học (ĐH) từ công lập tự chủ đến chưa tự chủ đều điều chỉnh học phí lên theo khung của Nghị định 81. Trong đó, khối trường Y dược và trường tự chủ tăng mạnh từ 30% đến 70%. Mức tăng học phí này cũng khiến một số thí sinh có hoàn cảnh khó khăn chùn bước lựa chọn xét tuyển ĐH năm nay.
Tại Hội nghị tổng kết năm học 2021 – 2022 đối với giáo dục ĐH được tổ chức ngày 12/9, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết theo quy định, năm nay, các trường ĐH thu học phí theo Nghị định 81 (Chính phủ ban hành từ tháng 8/2021) quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo…
Bộ GD&ĐT đã trình một vài phương án. Tuy nhiên, Chính phủ muốn điều chỉnh nội dung Nghị định này cho phù hợp với điều kiện đất nước vừa trải qua 2 năm dịch COVID-19, tình hình kinh tế - xã hội chịu nhiều ảnh hưởng từ dịch bệnh.
“Bộ GD&ĐT lưu ý cả hệ thống giáo dục ĐH công lập là khả năng rất cao, về cơ bản không tăng học phí, giữ nguyên mức của năm 2021. Đó là chủ trương của Chính phủ”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói. Bộ trưởng chia sẻ thông tin này, như một “dự lệnh” để cơ sở giáo dục ĐH chuẩn bị trước tinh thần, bởi không tăng học phí có thể khiến cơ sở giáo dục ĐH công lập gặp khó khăn.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định với tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các trường phải có tinh thần chia sẻ với xã hội, với người dân, trong tình hình kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn.
“Chúng tôi mong muốn Chính phủ kịp ban hành nghị quyết này trong thời gian ngắn nhất, chẳng hạn như trong một vài ngày tới”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho hay.
Đến thời điểm hiện tại, một số trường ĐH đã có quyết định tạm dừng tăng học phí.
Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, học phí đợt 1 của học kỳ 1 năm học 2022 - 2023 sẽ tạm thu theo mức học phí cũ của năm học trước. Vì đợi quyết định của Chính phủ và Bộ GD&ĐT về việc điều chỉnh học phí của năm học.
Sau khi có quyết định mức học phí năm học 2022 - 2023, nhà trường sẽ tính toán đúng học phí phải nộp của từng sinh viên vào đợt 2.
Trường ĐH Giao thông vận tải TPHCM cũng ngừng kế hoạch tăng học phí năm học 2022 - 2023 nhằm chia sẻ khó khăn với người học sau 2 năm dịch COVID-19.
Trường ĐH Nha Trang tạm thời chưa áp dụng khung học phí mới theo Nghị định 81, giữ ổn định mức thu như năm 2021. Học phí được tính theo tín chỉ với mức 220.000 - 370.000 đồng/tín chỉ tùy theo môn học.
Trường ĐH Đà Lạt cũng tạm thời chưa tăng học phí năm nay. Hiện học phí của Trường phụ thuộc vào số tín chỉ sinh viên đăng ký trong học kỳ, trung bình khoảng 6 triệu đồng/học kỳ.
Tác giả: Nghiêm Huê
Nguồn tin: Báo Tiền phong