|
Cụ thể, tại các văn bản số 26 (ngày 21/8/2017) và số 18 (ngày 2/3/2018) do Trung tâm y tế và Phòng GD&ĐT huyện Yên Định cùng ký và ban hành ghi rõ, kế hoạch triển khai ký hợp đồng khám sức khỏe định kỳ năm học 2017-2018 với mục tiêu 100% học sinh các lớp của trường tiểu học, THCS và THPT trên địa bàn huyện được khám và phân loại sức khỏe 1 lần/năm để phát hiện sớm các bệnh lý học đường (cận, răng miệng, cong vẹo cột sống...) và có biện pháp xử lý kịp thời.
Văn bản ban hành ghi rõ: kinh phí trích từ quỹ BHYT (7%) học sinh để lại trường chi cho các hoạt động chuyên môn trong đó có: Tổ chức khám sức khỏe định kỳ và phân loại sức khỏe cho học sinh, sinh viên 1 lần/năm vào đầu năm học. Một phần kinh phí do phụ huynh học sinh đóng góp để phục vụ khám sức khỏe cho học sinh. Mức thu phí khám sức khỏe: 30.000 đồng/học sinh.
Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Văn Thăng – Hiệu trưởng Trường tiểu học và THCS Yên Phú, huyện Yên Định cho biết: Căn cứ vào văn bản ban hành, nhà trường đã triển khai chương trình khám sức khỏe định kỳ cho toàn trường tại buổi chào cờ. Dự kiến ngày 16/4/2018, ngành chức năng sẽ tổ chức khám bệnh cho học sinh tại trường.
Theo văn bản hướng dẫn, kinh phí ngoài nguồn 7% (khoảng hơn 34.000 đồng/học sinh) trích lại từ bảo hiểm y tế học sinh (mỗi học sinh đóng 491.400 đồng/năm bảo hiểm y tế), mỗi học sinh còn nộp thêm 30.000 đồng để được tham gia khám sức khỏe định kỳ, lập hồ sơ học sinh. Hiện nay, giáo viên chủ nhiệm các lớp đang triển khai, thu tiền nội dung trên.
Trong khi đó trao đổi về sự việc trên, bà Ngô Thị Đặng- giám đốc Trung tâm y tế huyện Yên Định cho biết: Theo quy định của Bộ Tài Chính và UBND tỉnh Thanh Hóa thì kinh phí khám sức khỏe định kỳ cho học sinh là từ 75.000- 105.000 đồng/học sinh. Tuy nhiên, tại huyện Yên Định, chúng tôi thực hiện hợp đồng với các trường, để chi trả cho hoạt động tổ chức khám, lập sổ sức khỏe định kỳ học sinh với tổng chi phí là 30.000 đồng/học sinh.
Về kinh phí, tại thông tư 13/2016 của Bộ GD&ĐT và Bộ Y tế quy định rõ, kinh phí khám sức khỏe định kỳ từ nguồn kinh phí sự nghiệp y tế, giáo dục và đào tạo hàng năm; nguồn bảo hiểm y tế học sinh và nguồn tài trợ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài theo quy định của pháp luật và các nguồn thu hợp pháp khác.
“Như vậy, nếu các trường trích từ nguồn có 7% từ bảo hiểm y tế của học sinh đóng để lại cho trường đã đủ để chi trả tiền khám sức khỏe theo định kỳ trong hợp đồng mà chúng tôi ký với nhà trường. Chúng tôi không nắm được thông tin nhà trường thu thêm 30.000 đồng/học sinh. Có thể, văn bản thể hiện không rõ khiến cho các trường hiểu, triển khai nhầm theo hướng ngoài nguồn 7% tiền bảo hiểm y tế được trích lại, phải thu thêm học sinh 30.000 đồng”- bà Đặng cho biết thêm.
Trong khi đó, Phòng GD-ĐT huyện Yên Định cho biết, việc khám sức khỏe ban đầu mà ngành chức năng đang triển khai toàn huyện không mang tính chất bắt buộc. Hiện các trường đang thực hiện thu từ 20.000-30.000 đồng/học sinh cùng với một phần kinh phí trích từ 7% quỹ bảo hiểm y tế trích lại của học sinh để chi trả cho hoạt động khám sức khỏe. Theo đánh giá của các trường đã thực hiện xong chương trình này thì ghi nhận chương trình có ý nghĩa, hiệu quả tốt trong việc kiểm tra sức khỏe ban đầu cho học sinh.
Được biết, đến thời điểm hiện tại, đã có 11 trường hoàn thành việc khám sức khỏe định kỳ, trong đó có 6 trường đã thanh lý hợp đồng. Trong đó có nhiều trường đã hoàn thành việc thu 30.000 đồng/học sinh.
Trao đổi với Tiền Phong, ông Lưu Vũ Lâm – chủ tịch UBND huyện Yên Định cho biết: Đây là chương trình, hoạt động có ý nghĩa thiết thực đối với học sinh. Tuy nhiên, căn cứ vào các quy định, nguồn kinh phí thực hiện phải được công bố rõ ràng. Việc thu tiền khám của học sinh cần phải làm rõ là bắt buộc hay vận động tự nguyện để phụ huynh nắm rõ tránh gây ức chế, bức xúc, làm giảm ý nghĩa của chương trình. Tôi sẽ chỉ đạo cho kiểm tra, nếu khoản thu là sai quy định thì cần phải dừng lại ngay.
Tác giả: HOÀNG LAM
Nguồn tin: Báo Tiền phong