Vào năm học trước, do tiết dạy nhiều nên tôi thường ở lại trường vào buổi trưa. Tiết 5 buổi sáng kết thúc cũng là lúc tôi đi xe ra khỏi cổng trường đi tìm quán cơm bụi. Nhưng lúc này trước cổng trường đông nghịt học sinh, các em la hét vang trời và bỏ chạy tán loạn. Một cảnh tượng không tưởng tượng nổi diễn ra trước mắt tôi: Hai học sinh lớp 9 đang cầm những chiếc gậy sắt phang nhau tới tấp, quần áo xộc xệch, ánh mắt trợn ngược, hung dữ. Tôi lao ra và can ngăn nhưng hình lúc này lời nói và hành động của tôi không có nghĩa lí gì nữa vì máu “đại ca” của hai em này đang tăng cao. Bất chấp tất cả, chúng cứ lao vào nhau như hai con trâu húc để tranh chức vô địch trong lễ hội chọi trâu.
Tôi bất lực đứng như trời trồng và sau đó chạy đi gọi một giáo viên nam giúp đỡ. Tâm trạng tôi lúc đó thật đáng sợ vô cùng vì chưa bao giờ thấy bản thân mình vô nghĩa trước “trận chiến” đáng sợ của học sinh đến vậy.
Tôi loay hoay giữa đám đông học sinh của minh, bỗng nhìn thấy hai, ba người phụ nữ đang đạp xe trên đường về nhà. Họ buông những câu nói mà đến giờ nghĩ lại tôi thấy chạnh lòng vô cùng: “Cô thầy dạy dỗ học trò gì kì lạ vậy? Học trò gì mà cứ đánh nhau mãi thế? Cô với thầy, dạy với dỗ…”.
Sau đó, hai em học sinh này nhận kỉ luật của trường, những tiết sau tôi vào lớp có hai em này tôi luôn để ý và quan tâm, giáo dục các em nhiều hơn. Bây giờ hai em đã ra trường nhưng ấn tượng về hai em thì tôi nhớ mãi và càng nghĩ nhiều hơn nữa về những suy nghĩ nông cạn, thiếu trách nhiệm của đa phần cha mẹ các em hiện nay. Phụ huynh thường suy nghĩ rất giản đơn: Trách nhiệm giáo dục con em mình thuộc về nhà trường, mọi lỗi các em gây ra thường do thầy cô cả: “Thầy cô dạy dỗ kiểu gì mà về nhà đối xử với bố mẹ như thế.” Nghe mới nực cười làm sao. Theo tôi đây chính là nguyên nhân chính dẫn đến nạn bạo lực học đường ngày càng gia tăng.
Một điều mà chúng ta thường gặp đó là nạn bạo lực học đường thường xảy ra ngoài cổng trường nên sự can thiệp của thầy cô khó mà kịp thời, thậm chí không có sự can thiệp nào. Vậy trong những trường hợp như thế, ai sẽ chịu trách nhiệm? Thầy cô giáo ư?
Thử hỏi, một ngày 24 tiếng, thời gian các em học ở trường bao lâu? 4-5 tiếng là tối đa. Vậy còn 19-20 tiếng còn lại học sinh thuộc quyền quản lí của ai? Có phải thuộc về gia đình và xã hội không?
Nếu đúng là như vậy, thì tại sao mọi nguyên nhân của bạo lực học đường lại đổ lên đầu giáo viên?
Bác Hồ cũng từng nói rằng: “Hiền, dữ phải đâu là tính sẵn. Phần nhiều do giáo dục mà nên.” Như vậy, chúng ta nên hiểu rằng, mọi trẻ em sinh ra đều như tờ giấy trắng. Người lớn thích vẽ gì thì cứ vẽ. Và giáo dục ở đây được hiểu là giáo dục của gia đình, nhà trường, xã hội. Cả ba bộ phận trên hãy chung tay lại để nâng các em lên. Trong khi đó, vai trò của gia đình là nòng cốt vì bố mẹ là tấm gương gần nhất, sáng nhất để các em soi mình vào. Thế mà có mấy phụ huynh hiểu được điều này? Họ nghiễm nhiên nghĩ rằng, giáo dục con em mình thuộc về nhà trường, về thầy cô giáo.
Bạo lực học đường như một căn bệnh mà đã, đang “lờn thuốc”, mà hiện tượng “lờn thuốc” thì rất nguy hiểm. Chính vì vậy, chúng ta hãy hành động ngay hôm nay để giảm thiểu “vấn nạn” này.
Tác giả: Thanh Thanh
Nguồn tin: Báo Dân trí