Tuy nhiên, tôi thấy 5 giải pháp mà tác giả đưa ra không mới, “thuốc” chữa căn bệnh bạo lực ấy đã kê đơn nhiều rồi.
Vấn đề là chúng ta chưa thực hành một cách rốt ráo. “Thuốc” chưa đủ liều, nhiều người lại quên trước quên sau thời gian, tần suất cho trẻ “uống” vậy nên mới xảy ra nhiều chuyện đau lòng. Tôi xin nêu một số ý kiến của mình về vấn nạn này như sau:
Thứ nhất, cần quan tâm nhiều hơn đến việc giáo dục đạo đức, nhân cách và tâm hồn cho học sinh. Đề nghị này không mới nhưng những chuyển biến tích cực của nó vẫn còn khá mơ hồ. Thay vì chú trọng bồi dưỡng một khối lượng kiến thức khổng lồ, hãy xây dựng một môi trường học tập năng động, đầy hứng thú với các hoạt động ngoại khóa, thể thao, văn nghệ.
Nâng cao vị thế, vai trò của các môn Đạo đức ở tiểu học và Giáo dục công dân ở trung học là một yêu cầu cấp bách nhưng đã thực hiện được chưa? Có lẽ là chưa! Đừng cứ mãi rập khuôn các bài dạy toàn lý thuyết hàn lâm ở sách giáo khoa, hãy đưa các con vào tình huống thực tế! Đừng nhất nhất tuân thủ trình tự tìm hiểu tình huống rồi rút ra bài học đã in sẵn ở sách, hãy để các con tự bộc lộ chính kiến của mình về các chuẩn mực xã hội, từ đó phát hiện lệch lạc và uốn nắn kịp thời!
Thứ hai, phong trào “Trường học thân thiện” đã được triển khai nhưng chưa đi sâu vào việc phát huy vai trò là cầu nối sợi dây tình cảm giữa thầy và trò, giữa trò và trò. Các trường học cần tổ chức thực hiện một cách sâu rộng bằng nhiều hoạt động tích cực chứ không chỉ dừng lại ở việc hô hào khẩu hiệu như hiện nay. Các cấp quản lý cũng nên thay đổi hình thức thanh kiểm tra các hoạt động trường học thân thiện, đừng đặt nặng các báo cáo hành chính trên giấy tờ!
Thứ ba, cần chú trọng hơn nữa việc giáo dục kĩ năng sống cho học sinh để các em chủ động xây dựng các mối quan hệ tốt đẹp, điều tiết tình cảm, chấn chỉnh hành vi. Việc giáo dục kĩ năng sống cần thiết cho học sinh cần được tổ chức thực hiện thiết thực, hiệu quả trong nhà trường thông qua các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, lồng ghép và tích hợp qua các bài học, qua việc xử lí các tình huống thực tiễn và sự tư vấn, tham vấn trực tiếp.
Thứ tư, cần tạo lập một trung tâm tư vấn cho học sinh, một đường dây nóng để hỗ trợ các em giải quyết các vấn đề cuộc sống. Đội ngũ giáo viên tâm lí trường học từng đề xuất đã được Bộ GD&ĐT triển khai tuyển sinh, đào tạo và tuyển dụng đến đâu? Tôi mong rằng đội ngũ giáo viên tâm lý học đường sẽ phát huy hiệu quả trong việc “gỡ rối” những mâu thuẫn, xích mích trong trường học.
“Gỡ rối” mâu thuẫn giữa trò và trò - điều này cần được thực hiện một cách bài bản, khoa học, có định hướng thiết thực với đội ngũ chuyên trách là giáo viên tâm lý. Nhân đây tôi bỗng nhớ đến Thông tư 31 thành lập Tổ tư vấn tâm lý học đường mà Bộ GD&ĐT vừa ban hành. Và ngay trên báo Dân trí cũng có bài phân tích rất sâu sắc về việc Tổ tư vấn tâm lý học đường nhưng lại hoàn toàn thiếu vắng bóng dáng của chuyên gia, chuyên viên tâm lý. Những người tham gia Tổ tư vấn theo Thông tư 31 lâu nay vẫn gánh trách nhiệm giáo dục đạo đức học sinh, chỉ có điều toàn là công tác kiêm nhiệm, công tác “ẩn danh”. Thiết nghĩ Tổ tư vấn tâm lý học đường ấy rồi sẽ hoạt động thế nào, hay cũng chỉ là “cưỡi ngựa xem hoa”?
Thứ năm, cần siết chặt hơn sợi dây kết nối giữa nhà trường - gia đình - xã hội trong việc giáo dục trẻ. Nhà trường chỉ có nhiệm vụ định hướng đạo đức, nhân cách học sinh. Gia đình mới là cái nôi giáo dục đạo đức con trẻ. Vai trò của bố mẹ với con đã được đánh động từ rất lâu, nhưng thật sự nhiều phụ huynh vẫn mải mê công việc bỏ bê con cái, ít quan tâm, săn sóc, hỏi han về đời sống tinh thần của con mà cứ chăm chăm vào việc con được mấy điểm, đã làm bài tập chưa…
Nếu phụ huynh nào cũng có thể làm bạn với con, đồng hành cùng con trên con đường gập ghềnh của nhận thức, thái độ, hành vi ở lứa tuổi vị thành niên thì có lẽ sẽ bớt đi nhiều hình ảnh xấu xí, ám ảnh của vấn nạn bạo lực học đường.
Sự chung tay từ nhiều phía sẽ góp phần tích cực đẩy lùi các mầm mống suy thoái đạo đức trong học sinh. Tôi thiết nghĩ đã đến lúc chúng ta cần nhanh tay hành động để chấn chỉnh “vấn nạn” bạo lực học đường thay vì cứ mãi sững sờ, thảng thốt mỗi khi clip học sinh đánh nhau xuất hiện trên mạng.
Tác giả: Nguyễn Thùy
Nguồn tin: Báo Dân trí