Theo Bộ GD&ĐT, mùa tuyển sinh năm nay có hơn 620.500 thí sinh nhập nguyện vọng xét tuyển và trên 300.000 thí sinh không đăng ký nguyện vọng xét tuyển. Cùng với đó, phổ điểm thi tốt nghiệp THPT đều và khá đẹp. Sự thay đổi rõ nét của kết quả thi tốt nghiệp THPT năm nay nằm ở phổ điểm 2 môn Lịch sử và tiếng Anh.
|
Số liệu cho thấy, năm 2020, số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển trên Hệ thống là 642.270; năm 2021 là 794.739. Như vậy, số thí sinh đăng ký xét tuyển năm 2022 giảm so với năm 2021 khoảng 20% và giảm 3,4% so với năm 2020.
PGS.TS Nguyễn Xuân Thạch, Trưởng ban Đào tạo, Học viện Tài chính nhận định, đối với Học viện, điểm chuẩn ở tổ hợp A00 (Toán, Lý, Hóa) có thể tương đương năm 2021. Các tổ hợp A01 (Toán, Lý, Anh), D01 (Toán, Văn, Anh), D07 (Toán, Hóa, Anh) nhiều khả năng thấp hơn năm ngoái do phổ điểm môn tiếng Anh thấp. Dự đoán điểm chuẩn các ngành của Học viện Tài chính có thể giảm từ 0,5 - 1 điểm (tuỳ ngành).
Theo TS Nguyễn Đào Tùng, Chủ tịch Hội đồng Học viện Tài chính, phân tích phổ điểm thi tốt nghiệp THPT cho thấy, số thí sinh có tổng 20 - 21 điểm rất nhiều. Do đó, những trường năm 2021 có mức điểm chuẩn trên 25 điểm, thì năm nay mức điểm này có thể giảm. Với những trường năm ngoái có mức điểm chuẩn thấp, ví dụ như 19 điểm, năm nay điểm chuẩn sẽ tăng.
Tuy số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển giảm, song PGS.TS Đỗ Văn Dũng, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học (ĐH) Sư phạm Kỹ thuật TPHCM cho rằng, điều này sẽ không tác động nhiều đến mức điểm trúng tuyển của các trường năm nay. Dự báo, điểm chuẩn các ngành xét tuyển môn tiếng Anh có thể giảm nhẹ, các ngành còn lại về cơ bản giữ ổn định như năm trước. Điểm chuẩn các trường top trên có thể giảm từ 0,25 – 0,5 điểm, các trường top giữa dự báo mức điểm chuẩn không biến động so với năm 2021.
PGS.TS Nguyễn Thanh Chương, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông Vận tải dự đoán điểm chuẩn xét tuyển ở các tổ hợp A00, A01, D01 sẽ thấp hơn năm 2021 và cao hơn năm 2020.
Trong các tổ hợp, số thí sinh có mức điểm từ 23 - 24 điểm thấp hơn năm 2021, nhưng số thí sinh từ 25 - 26 điểm lại nhiều hơn năm trước. Vì vậy, nếu thí sinh đạt từ 23 - 24 điểm có thể yên tâm khi đã đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào những ngành mà năm ngoái có mức điểm tương ứng. Với những thí sinh đạt từ 25 - 26 điểm sẽ gặp khó khăn hơn với những ngành mà năm ngoái có điểm trúng tuyển từ 25 – 26. Vì năm nay, nhóm ngành này điểm chuẩn có thể sẽ tăng khoảng 0,5 điểm.
Thông tin thêm, PGS Nguyễn Thanh Chương dự đoán tại Trường ĐH Giao thông Vận tải, phần lớn điểm chuẩn của các ngành sẽ giảm so với năm 2021. Trong đó có một số ngành giảm từ 0,5 điểm trở lên. Trong khi đó, TS Trần Khắc Thạc, Phó trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Thủy lợi dự báo điểm chuẩn của trường sẽ tăng từ 1 đến 3 điểm.
Qua phân tích phổ điểm thi tốt nghiệp THPT, đại diện Học viện Nông nghiệp Việt Nam dự báo điểm chuẩn năm 2022 của một số ngành vào Học viện sẽ tăng từ 1 đến 2 điểm. Năm 2021, điểm chuẩn vào Học viện dao động từ 15 đến 23 điểm. Ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng lấy cao nhất. Năm nay, với ngành này, thí sinh phải đạt từ 24-25 điểm trở lên mới có thể trúng tuyển vào Học viện. Ngoài ra, ngành Thú y cũng được dự đoán là ngành có điểm chuẩn tương đối cao, nhỉnh hơn 1 đến 2 điểm so với năm trước.
Cẩn trọng với các thao tác nộp lệ phí xét tuyển
Từ ngày 24 – 31/8, thí sinh trên toàn quốc thực hiện thanh toán trực tuyến lệ phí xét tuyển ĐH qua 15 kênh thanh toán được Bộ GD&ĐT quy định. Bên cạnh đó, để giảm tải cho hệ thống, Bộ GD&ĐT cũng chia thí sinh theo khu vực thành 6 luồng thanh toán.
Sau ngày mở cổng, Bộ GD&ĐT cho biết trong những ngày đầu tiên thực hiện thanh toán trực tuyến, hệ thống kết nối các nền tảng có một số thời điểm chưa ổn định, thí sinh phải truy cập lại nhiều lần. Phụ huynh, thí sinh cũng bỡ ngỡ khi lần đầu tham gia hình thức này. Bộ phận kỹ thuật của 15 ngân hàng và Cổng Dịch vụ công Quốc gia đã thường trực hỗ trợ 24/7 để đảm bảo kết nối thông suốt và hỗ trợ thí sinh kịp thời.
Hiện nay, hệ thống kết nối thanh toán trực tuyến đã hoạt động ổn định, thời điểm cao nhất, trong 1 giờ hệ thống thực hiện thành công gần 10.000 giao dịch thanh toán.
Bộ GD&ĐT cho hay, một số thí sinh có phản ánh đã thực hiện giao dịch nhưng chưa được ghi nhận thành công hay thực hiện thanh toán 2 lần…
“Những vấn đề này sẽ được hỗ trợ để đảm bảo tất cả thí sinh tham gia thanh toán trực tuyến đều hoàn thành và được ghi nhận giao dịch trên hệ thống. Các trường hợp thí sinh thanh toán 2 lần trở lên sẽ được hệ thống đối soát và hoàn trả tiền sau ngày 31/8”, Bộ GD&ĐT thông tin.
Từ nay đến khi kết thúc, trong quá trình làm thủ tục thanh toán, Bộ GD&ĐT lưu ý một số vấn đề như thí sinh có thể tự thanh toán bằng tài khoản ngân hàng, ví điện tử của bản thân hoặc nhờ người thân, thầy cô nộp hộ trên giao diện thanh toán của thí sinh. Thí sinh chỉ nộp lệ phí trên hệ thống xét tuyển, không làm trên bất kỳ kênh nào khác nếu không có thông báo về trường hợp phát sinh từ Bộ GD&ĐT.
Trường hợp không nhìn thấy nút "Thanh toán" trên giao diện có nghĩa là thời điểm đó không thuộc thời gian nộp lệ phí hoặc đang được tạm ẩn nhằm chống nghẽn hệ thống. Quá trình thanh toán trực tuyến phụ thuộc việc kết nối nhiều hệ thống khác nhau nên thí sinh có thể gặp tình huống tắc nghẽn hệ thống. Khi đó, các em không nên cố gắng truy cập lại ngay, chờ khoảng 30 phút sau thực hiện lại.
Bộ GD&ĐT cũng khuyến nghị thí sinh truy cập bằng máy tính cá nhân, máy tính bảng hoặc điện thoại thông minh để thanh toán. Sau khi thanh toán thành công, thí sinh được xác nhận hoàn thành nghĩa vụ nộp lệ phí. Trường hợp nhận được thông báo giao dịch thất bại, thí sinh có thể thực hiện lại trên kênh thanh toán đó hoặc chuyển sang kênh khác.
Tác giả: Nghiêm Huê
Nguồn tin: Báo Tiền phong