Trong số các trường có dự đoán điểm chuẩn, thì nhiều ngành hot của trường năm nay có thể giữ nguyên hoặc chỉ giảm nhẹ dù năm ngoái điểm chuẩn đã cao chót vót.
1. Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn- ĐH Quốc gia Hà Nội: sẽ không nhiều biến động?
Phân tích phổ điểm theo các khối thi, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn Hoàng Anh Tuấn – ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng, điểm thi tốt nghiệp THPT của các môn năm nay không có quá nhiều biến động.
Những ngành nào có điểm xét tuyển bằng phổ điểm môn tiếng Anh sẽ có điểm chuẩn giảm so với năm trước. Điểm tuyệt đối ở môn Ngoại ngữ giảm hơn 4.000. Môn Sinh học còn 5 thí sinh đạt điểm 10 thay vì gần 600. Các môn Toán, Địa lý, số điểm 10 cũng giảm.
“Phổ điểm về cơ bản đẹp và thuận lợi cho các em xét tuyển ở tất cả các tổ hợp. Trong đó có những môn có sự cải thiện hơn so với năm ngoái như môn tiếng Anh hay Lịch sử. Tổ hợp khối A hay khối C, tôi nghĩ sẽ có sự ổn định. Các tổ hợp khối D có các môn ngoại ngữ về căn bản sẽ tốt” - Hiệu trưởng Hoàng Anh Tuấn nói.
2. Trường ĐH Y Hà Nội: Y khoa Y Hà Nội sẽ nằm trong khoảng từ 27,25-28,0
Sau khi phân tích phổ điểm năm nay, thầy Nguyễn Thành Công, giáo viên môn Sinh học trường THPT chuyên Sư phạm Hà Nội cho rằng, số điểm 10 môn Sinh giảm hơn 100 lần so với năm 2021.
Cả nước chỉ có 11 thí sinh đạt điểm trên 29 điểm, con số này chỉ chiếm 4,7% so với năm 2021.
Nếu lấy mốc 28,85 là điểm chuẩn của Y khoa – Y Hà Nội năm 2021 với tổng số thí sinh đạt được vào khoảng 500 thí sinh thì với mốc 27,5 năm nay có tổng số thí sinh đạt là 465.
Năm nay, số lượng thí sinh trúng tuyển thẳng vào Y khoa của Y Hà Nội nhiều hơn năm trước, chỉ tiêu còn lại thấp hơn nên ngưỡng 27,5 là khá phù hợp.
Do đó, theo thầy Công, nhiều khả năng điểm chuẩn của Y khoa Y Hà Nội sẽ nằm trong khoảng từ 27,25-28,0. Với Y khoa phân hiệu Thanh Hóa có thể giảm 1,0 điểm so với Y khoa tại cơ sở chính. Năm nay, điểm trúng tuyển xét kết hợp với chứng chỉ IELTS có thể thấp hơn trong khoảng 1 điểm.
Theo nhận định của đại diện phòng đào tạo Trường Đại Học Y Hà Nội, các ngành Y khoa, Răng – Hàm – Mặt có ngưỡng điểm rất cao, trong khi số chỉ tiêu không biến động so với năm 2021. Phổ điểm khối B năm nay cho thấy, chỉ có trên 4 thí sinh đạt trên 29 điểm, 700 thí sinh đạt trên 27.5 điểm. Do đó, nhiều khả năng điểm trúng tuyển sẽ giảm một ít so với năm 2020 và 2021.
3. Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh: Có thể thấp hơn ĐH Y Hà Nội khoảng 0,5 điểm
Cũng theo thầy Nguyễn Thành Công, giáo viên môn Sinh học trường THPT chuyên Sư phạm Hà Nội cho rằng, về phía Y khoa của trường Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh, do vấn đề học phí cao hơn nên các thí sinh miền Trung, thậm chí là Nam bộ có thể chuyển hướng ra Hà Nội nên điểm trúng tuyển của Y dược TP HCM có thể thấp hơn Y Hà Nội khoảng 0,5 điểm.
“Điểm sàn trúng tuyển của Y Hà Nội và Y dược TP Hồ Chí Minh sẽ là nhân tố neo điểm cho các trường khác, tùy thuộc mức độ uy tín, độ “hot” của trường mà điểm sàn trúng tuyển của các trường này có thể hạ theo các bước từ 0,25 đến 2,5 điểm”- thầy Công đưa ra quan điểm.
4. ĐH Kinh tế Quốc dân: tương đối ổn định như năm 2021
PGS.TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Quản lý đào tạo của ĐH Kinh tế Quốc dân, dự đoán điểm chuẩn các ngành của trường năm 2022 tương đối ổn định như năm 2021.
Do đó, ông Triệu dự đoán đối với các trường, ngành hot, điểm chuẩn sẽ không giảm, có tăng cũng không nhiều. Vì thế, thí sinh có thể căn cứ mức điểm chuẩn năm ngoái để tham khảo.
“Đối với ĐH Kinh tế Quốc dân, mức điểm chuẩn như năm ngoái đã quá cao rồi. Ví dụ, năm 2021, ngành có mức điểm chuẩn thấp nhất ĐH Kinh tế Quốc dân là 26,8, tức trung bình mỗi môn đã gần 9 điểm; còn ngành cao nhất lên đến 28,3, tức trung bình mỗi môn trên 9,5 điểm. Như vậy, theo dự đoán của tôi, với những ngành điểm chuẩn năm ngoái đã cao rồi, năm nay, điểm chuẩn cũng không cao hơn được nhiều”, ông Triệu nói.
5. Điểm chuẩn ĐH Giao thông vận tải có thể giảm nhẹ
Phó hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải cho hay, thí sinh cần căn cứ vào kết quả thi THPT theo các tổ hợp và tham khảo điểm chuẩn của năm 2021 để lựa chọn ngành đăng ký cho phù hợp.
“Nếu như các em ở mức 23-24 điểm thì vẫn nên chọn những ngành ở mức 23-24 điểm năm trước. Còn những em có mức điểm khoảng 25-26 thì sẽ gặp khó khăn hơn với những ngành có điểm trúng tuyển khoảng 25-26 của năm ngoái vì năm nay có thể nhóm này sẽ tăng khoảng 0,5 điểm”.
Riêng với ĐH Giao thông vận tải, ông Chương dự đoán, năm nay điểm chuẩn phần lớn các ngành khả năng sẽ giảm so với năm 2021, một số ngành sẽ giảm từ 0,5 điểm trở lên.
Tuy nhiên, đây chỉ là những dự đoán theo kinh nghiệm, mang tính tham khảo và không có tính tuyệt đối.
6. ĐH Bách Khoa Hà Nội: Dự kiến tăng nhẹ?
Năm 2022, chỉ tiêu xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT tại ĐH Bách khoa Hà Nội giảm mạnh, phổ điểm lại cao hơn, do đó, dự báo điểm trúng tuyển vào các ngành sẽ tăng nhẹ.
Đại diện trưởng Phòng Tuyển sinh ĐH Bách khoa Hà Nội nhận định, nhìn chung phổ điểm các môn thi năm nay có phần “nhỉnh” hơn so với năm 2021. Năm 2022, chỉ tiêu xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT tại ĐH Bách khoa Hà Nội giảm mạnh, phổ điểm lại cao hơn, do đó, dự báo khả năng cao điểm trúng tuyển vào các ngành sẽ tăng nhẹ.
7. ĐH Thương Mại: Một số ngành hoặc có thể giảm khoảng 0,5 điểm
PGS.TS Nguyễn Viết Thái, Trưởng phòng Đối ngoại và Truyền thông Đại Học Thương Mại phân tích, phổ điểm điểm thi tốt nghiệp THPT theo các tổ hợp tập trung nhiều ở ngưỡng điểm 21-26 điểm. Điểm thi môn Ngữ văn cao hơn so với năm 2021, tuy nhiên các môn khác có xu hướng giảm nhẹ.
Năm 2022, ngoài việc bổ sung các phương thức khác như xét kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ kết hợp điểm học bạ, điểm thi Đánh giá năng lực…, trường còn giảm chỉ tiêu cho kết quả thi tốt nghiệp THPT từ 70% xuống còn 58%.
Do đó, theo thầy Thái, điểm chuẩn của trường khả năng sẽ giữ nguyên điểm chuẩn một số ngành hoặc có thể giảm khoảng 0,5 điểm.
8. Đại học Quốc tế – Đại học Quốc gia Hà Nội: Sẽ không biến động nhiều?
Ths Phạm Đỗ Hoài Nam, Phó trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Quốc Tế – Đại Học Quốc Gia Hà Nội nhận định, điểm chuẩn năm 2022 còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như số lượng đăng ký vào trường, vào ngành cũng như phổ điểm của thí sinh. Điểm chuẩn năm 2022 dự đoán sẽ không biến động nhiều so với năm ngoái.
Sẽ không vượt quá năm 2021 Phân tích phổ điểm, thầy Trần Mạnh Tùng, giáo viên dạy Toán ở Hà Nội cho rằng, điểm chuẩn nói chung không vượt quá năm 2021. Cụ thể, theo thầy Tùng, các ngành hot có điểm chuẩn tương đương 2021. Các ngành khác giảm. “Các tổ hợp có môn Tiếng Anh, Sinh điểm chuẩn sẽ giảm từ 1 - 1.5 điểm. Các tổ hợp có môn Sử, Địa, GDCD điểm sẽ tăng từ 1 - 1.5 điểm”- thầy Tùng nhận định Cũng theo thầy Tùng, điểm chuẩn của các trường top 1 (tầm 24 - 27 điểm) không có biến động so với 2021. Các trường top 2 (dưới 24 điểm): Điểm chuẩn tăng nhẹ từ 0.5 - 1 điểm. “Năm nay, theo tôi dự đoán điểm chuẩn chủ yếu nằm trong dải 19 - 26 điểm. Khó có chuyện 29, 30 điểm vẫn trượt đại học”- thầy Tùng nói. Dự đoán điểm chuẩn theo khối, thầy Tùng cho rằng, ở khối A00 (Toán- Lý-Hóa) sẽ tương tự năm ngoái. Khối A01 (Toán- Lý- Anh): điểm chuẩn giảm; dải trên 24 điểm: giảm 0.5 - 1 điểm Khối D01 ( Toán- Văn- Anh) sẽ giảm mạnh. Cụ thể: Dải trên 24 điểm: giảm 0.5 - 1 điểm; dải dưới 24 điểm: giảm 1 - 1.5 điểm Với khối B00 (Toán – Hóa- Sinh), thầy Tùng cho rằng điểm chuẩn sẽ giảm. Dải trên 24 điểm dự đoán giảm khoảng từ 0.25 - 0.75 điểm và dải dưới 24 điểm có thể giảm 0.75 - 1.25 điểm. Đỗ Hợp |
Tác giả: Đỗ Hợp
Nguồn tin: Báo Tiền phong