Giáo dục

Tuyển sinh đại học 2024: Xuất hiện những ngành mới trong trường top đầu

Các trường: Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội), Trường Đại học Y Hà Nội, Học viện Ngân hàng, Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông vừa thông tin mở ngành mới.

Sinh viên trường Đại học Công nghệ tham quan và học tập tại phòng thí nghiệm ở cơ sở Hoà Lạc. Ảnh: VNU

Năm 2024, trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội dự kiến tuyển 2.960 sinh viên. Trường mở thêm ngành mới là Thiết kế công nghiệp và đồ họa. Điểm mới nữa trong tuyển sinh của trường nwam nay là tặng laptop và miễn phí ký túc xá cho những tân sinh viên ở Hòa Lạc.

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Công nghệ cho biết số chỉ tiêu tăng hơn 1.100 so với năm ngoái, do các ngành trường đào tạo liên quan đến Công nghệ thông tin, Điển tử - Viễn thông, STEM, đều thuộc diện ưu tiên của nhà nước.

Chỉ tiêu, tổ hợp xét tuyển từng ngành của Trường Đại học Công nghệ năm 2024.

Các phương thức xét tuyển của Trường Đại học Công nghệ tương tự năm ngoái, gồm: Xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Đại học Quốc gia Hà Nội; dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT; xét theo chứng chỉ tiếng Anh quốc tế kết hợp điểm thi tốt nghiệp hai môn Toán và Lý; dựa vào chứng chỉ SAT, A-Level hoặc ACT; dựa vào kết quả thi đánh giá năng lực (HSA) do Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức.

Ngành học của Trường Đại học Công nghệ theo hai cơ sở.

Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội là một trong các cơ sở đào tạo hàng đầu của cả nước trong lĩnh vực khoa học công nghệ và kỹ thuật. Hiện, trường có hai địa điểm học tập chính ở Cầu Giấy và Hòa Lạc. Trong đó, cơ sở Hòa Lạc dành cho sinh viên năm thứ nhất của một số ngành. Tất cả được bố trí chỗ ở trong ký túc xá và được nhận một laptop trị giá không quá 15 triệu đồng. Còn lại, sinh viên chủ yếu học tập tại Cầu Giấy.

Được biết, Nhà trường có thể điều chỉnh học phí cho các năm học sau, nhưng không tăng quá 15% mỗi năm.

Năm 2024, Trường Đại học Y Hà Nội dự kiến mở 4 ngành mới, tăng chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế. Thông tin này được PGS.TS Lê Đình Tùng, Trưởng phòng Quản lý đào tạo trường Đại học Y Hà Nội nêu ra tại chương trình tư vấn tuyển sinh cuối tuần qua.

Bốn ngành Trường Đại học Y Hà Nội dự kiến mở mới gồm Hộ sinh, Kỹ thuật phục hình răng, Công tác xã hội và Tâm lý. Ngoài ra, trường dự kiến đào tạo ngành Kỹ thuật xét nghiệm y học và Kỹ thuật phục hồi chức năng tại phân hiệu Thanh Hóa.

Trường Đại học Y Hà Nội giữ nguyên các phương thức tuyển sinh như năm ngoái, gồm xét tuyển thẳng, xét điểm thi tốt nghiệp THPT và xét điểm thi tốt nghiệp với chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế. Phương thức xét kết hợp áp dụng với các ngành Y khoa, Răng Hàm Mặt và ngành Điều dưỡng chương trình tiên tiến. Với thí sinh có chứng chỉ quốc tế tiếng Anh hoặc tiếng Pháp, trường sẽ áp mức điểm chuẩn của ba môn thi tốt nghiệp THPT thấp hơn so với thí sinh chỉ xét bằng điểm thi.

Một điểm mới trong năm 2024 là Trường Đại học Y Hà Nội dự kiến dành 40% chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển kết hợp. Trong khi đó, năm 2023, chỉ tiêu tuyển bằng phương thức này chưa tới 20%.

Cả nước có gần 70 trường đào tạo các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe, trong đó có khoảng 30 trường đào tạo ngành Y khoa. Trường Đại học Y Hà Nội luôn có điểm chuẩn cao nhất cả nước.

Năm 2024, Học viện Ngân hàng tăng 200 chỉ tiêu khi mở mới hai ngành là Marketing và Kiểm toán và 5 chương trình đào tạo mới gồm các chương trình chất lượng cao ngành Ngân hàng và Tài chính quốc tế, Kinh doanh quốc tế, Kinh tế đầu tư và Marketing số, cùng chương trình chuẩn ngành Kiểm toán.

Học viện Ngân hàng sử dụng năm phương thức, gồm xét tuyển thẳng, dựa vào học bạ (20% tổng chỉ tiêu), xét chứng chỉ quốc tế (15%), xét điểm thi đánh giá năng lực (15%) và xét điểm thi tốt nghiệp THPT (50%).

Với phương thức xét tuyển học bạ, thí sinh nộp hồ sơ phải có học lực giỏi năm lớp 12 và điểm trung bình cộng ba năm THPT của từng môn trong tổ hợp đạt từ 8 trở lên. Điểm xét tuyển là tổng điểm trung bình cộng các năm của ba môn trong tổ hợp, cộng điểm ưu tiên, khuyến khích. Riêng các chương trình chất lượng cao, điểm được tính trên thang 40 với môn Toán nhân hệ số hai.

Ở phương thức xét tuyển bằng chứng chỉ quốc tế, Học viện Ngân hàng xét thí sinh đạt học lực giỏi lớp 12 và có một trong các chứng chỉ: IELTS 6.0, TOEFL iBT từ 72/120, SAT 1200/1600 trở lên.

Trường quy đổi điểm IELTS và các chứng chỉ khác theo công thức: (Điểm chứng chỉ/Thang điểm tối đa của chứng chỉ đó) x 10. Sau đó, điểm quy đổi này cũng được cộng với điểm ưu tiên và khuyến khích.

Với cách xét tuyển dựa vào các kỳ thi đánh giá năng lực, ngoài xét bằng điểm kỳ thi HSA của Đại học Quốc gia Hà Nội, lần đầu tiên Học viện Ngân hàng xét dựa vào kết quả V-SAT. Đây là kỳ thi do Học viện Ngân hàng phối hợp với Trung tâm Khảo thí quốc gia và 5 đại học khác tổ chức. Trường dành 7,5% tổng chỉ tiêu cho thí sinh ở mỗi bài thi này. Nếu xét bằng điểm HSA, thí sinh cần có học lực giỏi lớp 12 và kết quả thi từ 85/120 điểm trở lên. Nếu sử dụng bài thi V-SAT, điểm xét tuyển là điểm bài thi ba môn theo tổ hợp. Thí sinh cũng được cộng điểm ưu tiên và khuyến khích nhưng các điểm này sẽ được quy đổi để phù hợp với thang điểm của hai bài thi.

Năm 2024, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông tăng 920 chỉ tiêu, dự kiến tuyển mới ba ngành và chương trình gồm Quan hệ công chúng, Thiết kế và phát triển game, Công nghệ thông tin Việt - Nhật.

Trong đó, chương trình Thiết kế và phát triển game vốn được Học viện chuẩn bị từ năm ngoái bởi nhận thấy thị trường đang thiếu hụt nhân lực ngành game trình độ cao. Trong khi đó, không nhiều trường có chương trình đào tạo riêng về ngành này, chủ yếu lồng ghép trong chương trình ngành Công nghệ thông tin.

Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông sử dụng 4 phương thức xét tuyển, gồm: Xét tuyển thẳng; dựa vào điểm thi đánh giá năng lực của hai đại học quốc gia và đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội (20% tổng chỉ tiêu); xét kết hợp (30%); xét dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT (50%).

Với phương thức xét tuyển kết hợp, thí sinh cần có chứng chỉ SAT 1130/1600 hoặc ACT 25/36 điểm trở lên, cùng điểm trung bình chung ba năm THPT từ 7,5, hạnh kiểm khá trở lên. Nếu dùng chứng chỉ tiếng Anh IELTS 5.5, TOEFL iBT 65 hoặc TOEFL ITP từ 513 điểm trở lên hay có từng tham gia kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, đạt giải ba cấp tỉnh trở lên ở môn Toán, Lý, Hóa, Tin, thí sinh cũng được xét tuyển kết hợp. Điều kiện về học lực và hạnh kiểm tương tự như trên. Trường hợp chỉ là học sinh chuyên Toán, Lý, Hóa, Tin, thí sinh cần đạt điểm học bạ trên 8.

Với phương thức xét điểm các kỳ thi riêng, thí sinh phải đạt từ 75/150 hoặc 600/1200 điểm, lần lượt với kỳ thi của Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh trở lên. Còn nếu dùng điểm thi đánh giá tư duy của Bách khoa Hà Nội, điểm sàn là 50/100 trở lên.

Tác giả: Lê Vân

Nguồn tin: Báo Tin tức

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP