Tại giao ban trực tuyến về công tác tuyển sinh và đào tạo khối ĐH và cao đẳng sư phạm đối với các cơ sở giáo dục ĐH được tổ chức cuối năm 2022, Bộ GD&ĐT cho biết, thống kê số liệu từ các phương thức tuyển sinh được các trường ĐH đưa ra trong năm 2022 cho thấy: Phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp vẫn chiếm ưu thế với thí sinh nhập học chiếm 52,3% tổng số thí sinh nhập học; phương thức xét tuyển bằng kết quả học bạ đứng thứ hai với số thí sinh nhập học chiếm 36,2%.
|
Như báo Tiền Phong đã phản ánh, năm nay, phương thức xét tuyển bằng kết quả học bạ vẫn chiếm ưu thế trong kế hoạch tuyển sinh của các trường.
Ghi nhận cho thấy, trên mạng xã hội, một nhóm phụ huynh đã rỉ tai nhau chọn trường THPT nào ở Hà Nội cho con xét tuyển lớp 10 để sau này có học bạ đẹp.
Tình trạng làm đẹp học bạ đã được báo chí phản ánh nhiều trong thời gian vừa qua. Các phụ huynh cũng biết điều này và sẵn sàng chấp nhận để có lợi cho con em mình.
Một phụ huynh ở Hà Nội cho biết từ năm lớp 10, khi vào trường, cô giáo chủ nhiệm đã thống nhất đường đi nước bước với phụ huynh để có được kết quả học bạ như mong muốn. Tình trạng này xảy ra không phải chỉ ở một trường. Giáo viên, phụ huynh đều nhận thấy lợi thế của học bạ đẹp khi xét tuyển vào các trường ĐH, từ trường top thấp đến top cao.
Chính vì vậy, vừa qua, lo nảy sinh “làm đẹp” học bạ và “chạy điểm”, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa thay mặt cử tri tỉnh này gửi tới Bộ GD&ĐT trước kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV đề nghị Bộ nghiên cứu bỏ xét tuyển đại học bằng học bạ, bởi hiện nay đang nảy sinh nhiều tiêu cực trong việc “làm đẹp” học bạ và “chạy điểm” ở các nhà trường.
Trước đó, tháng 10/2022, tại Hội nghị tiếp xúc đại biểu Quốc hội Đoàn TPHCM với cử tri thuộc Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật TPHCM, cử tri cho rằng kỳ xét tuyển ĐH, cao đẳng vừa qua ghi nhận quá nhiều học sinh có học bạ giỏi và xuất sắc. Cử tri đặt câu hỏi phải chăng việc các trường đại học tăng cường tuyển sinh xét học bạ đã làm chất lượng học của học sinh "tăng lên", thể hiện qua điểm số tại trường phổ thông?
Mùa tuyển sinh năm 2022, bên cạnh xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT, đa số các trường đều đưa ra nhiều phương thức tuyển sinh riêng, trong đó dành nhiều chỉ tiêu bằng phương thức xét tuyển bằng học bạ.
Điểm chuẩn của phương thức tuyển sinh này của nhiều trường đại học tăng mạnh so với năm trước. Thậm chí, không ít thí sinh dù đạt đến 30 điểm bằng phương thức xét tuyển này nhưng vẫn trượt đại học.
Trả lời ý kiến của cử tri Thanh Hóa, Bộ GD&ĐT cho hay, theo Luật Giáo dục ĐH 2012; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH 2018 quy định phương thức tuyển sinh của các cơ sở đào tạo gồm: thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển. Cơ sở giáo dục ĐH tự chủ quyết định phương thức tuyển sinh và chịu trách nhiệm về công tác tuyển sinh.
Như vậy, theo Bộ GD&ĐT, Luật Giáo dục ĐH đã quy định các cơ sở giáo dục ĐH tự chủ được quyết định phương thức tuyển sinh.
Quy chế tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục mầm non năm 2022 của Bộ GD&ĐT đã cụ thể hóa quy định của Luật Giáo dục ĐH, trong đó cũng chỉ quy định về mặt nguyên tắc để đảm bảo công khai, minh bạch và bình đẳng giữa các cơ sở đào tạo; đồng thời để các cơ sở giáo dục ĐH thống nhất thực hiện trong việc tuyển sinh và quy định Bộ GD&ĐT chỉ đạo tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện Quy chế.
Bộ GD&ĐT cho rằng, dù điểm học bạ có được sử dụng cho việc xét tuyển ĐH hay không, trách nhiệm của các nhà trường là phải có biện pháp bảo đảm tin cậy, công bằng, đánh giá đúng kết quả học tập của người học.
Tác giả: Nghiêm Huê
Nguồn tin: Báo Tiền phong