Những năm trước, các thầy, cô giáo nhiều trường học ở miền núi tỉnh Quảng Bình phải phân công nhau vào tận bản, lên rẫy tìm học sinh, vận động các em trở lại trường sau kỳ nghỉ Tết. Nhờ nỗ lực của thầy, cô giáo, sự phối hợp của các đoàn thể, năm nay, một trường học ở xã miền núi Lâm Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, tất cả học sinh tự giác trở lại trường, không còn chuyện thầy cô đi tìm học sinh như những năm trước.
Học sinh đến trường đầy đủ sau Tết |
Trước đây, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Lâm Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình thường xảy ra tình trạng học sinh “lười” đến trường do mải vui chơi hoặc vào rừng hái măng, làm rẫy giúp gia đình. Giáo viên phải đến từng nhà vận động, thậm chí lên tận nương rẫy, vào rừng tìm đưa các em trở lại trường. Năm nay, vừa nghỉ Tết xong, các thầy, cô giáo ở xã Lâm Thủy không phải mất thời gian đi tìm học sinh mà tập trung vào chuyên môn, chuẩn bị kỹ các bài giảng trên lớp.
Thầy giáo Ngô Mậu Tình, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Lâm Thủy cho biết, chuyện vận động học sinh ở miền núi, vùng dân tộc thiểu số đến trường sau mỗi kỳ nghỉ là điều rất bình thường. Năm nay, nhờ nỗ lực của đội ngũ giáo viên, sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, các đoàn thể Thanh niên, Phụ nữ ở địa phương nên tất cả học sinh của trường đi học đầy đủ sau Tết: “Chúng tôi làm việc với chính quyền địa phương, già làng, trưởng bản ở khu dân cư.
Ở các bản thì có 1 người làm trong Hội Phụ huynh, thông qua trưởng bản và người đại diện Hội Phụ huynh ở các bản thì thông tin của nhà trường đến phụ huynh thường xuyên hơn và rất kịp thời. Sau này không còn chuyện thầy, cô về các bản để tổ chức họp phụ huynh, không còn câu chuyện giáo viên phải về tận nhà chở học sinh tới trường như mọi năm nữa, khi có chuyện gì ở trường thì sẽ báo cho gia đình học sinh biết, đã có những thay đổi trong quản lý”.
Thầy giáo động viên, giúp đỡ các học sinh hoàn cảnh khó khăn |
Những ngày đầu xuân, mưa như rây hạt, con đường từ trung tâm xã Lâm Thủy dẫn vào các bản khá trơn trượt. Trời rét nhưng học sinh đồng bào Vân Kiều ở đây đến trường từ sớm. Năm nay không còn chuyện thầy, cô đi vào bản, lên rẫy tìm học trò sau Tết. Đến ngày đi học, các em đến trường đầy đủ, không phải theo bố mẹ lên rừng, lên rẫy, bỏ bê học hành. Hiện nay, học sinh của trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Lâm Thủy được hỗ trợ chế độ ăn bán trú.
Em Hồ Thị Lý, học sinh lớp 6, nhà ở bản Bạch Đàn, xã Lâm Thủy, huyện Lệ Thủy tâm sự, trước buổi học đầu tiên sau Tết, em được bố mẹ chở lên khu nội trú, mang theo bánh kẹo, bánh chưng, bánh tét để ăn cùng các bạn. Ở trong bản Bạch Đàn, ăn Tết xong là trưởng bản thông báo trên loa truyền thanh nhắc nhở học sinh đến trường: “Năm nay, sau khi ăn Tết xong, chúng em đi học đúng theo lịch của nhà trường. Không chỉ ở bản Bạch Đàn của chúng em mà các bạn học sinh ở bản khác cũng vậy, cũng có mặt ở trường đầy đủ. Theo em đó là nhờ sự nhắc nhở của thầy, cô giáo, các trưởng bản, các chú Bộ đội Biên phòng”.
Trước đây, giáo viên ở xã Lâm Thủy phải lặn lội vào bản tìm học sinh sau mỗi kỳ nghỉ |
Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Lâm Thủy có 40 cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường nuôi dạy 339 học sinh tại 4 điểm trường. Gần 95% học sinh của trường là con em đồng bào Bru - Vân Kiều. Từ năm 2024, tại trường học miền núi Lâm Thủy luôn duy trì các cuộc họp của Hội Phụ huynh học sinh tại điểm trường chính thay vì tổ chức các cuộc họp nhỏ ở bản, điểm trường lẻ. Tại đây, đại diện Nhà trường trao đổi nhiều vấn đề về việc học, vận động phụ huynh tạo điều kiện cho con em đến trường đều đặn.
Đầu năm học, phụ huynh ký cam kết không để học sinh nghỉ học mà không có lý do chính đáng. Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Lâm Thủy cũng kết nối với Chi hội Phụ nữ cơ sở, các trưởng bản, Đoàn Thanh niên để làm công tác vận động. Khi có học sinh nghỉ học, các trưởng bản, Hội viên phụ nữ sẽ đến nhắc nhở các em và báo với gia đình học sinh. Tại các bản làng cũng có hệ thống loa truyền thanh, kẻng báo hiệu để trưởng bản thông báo việc đi học, nghỉ học theo lịch của nhà trường, thậm chí nhắc nhở trên loa về các trường hợp học sinh nghỉ học không lý do.
Nhiều học sinh ở lại nội trú để đảm bảo việc học |
Bà Hoàng Thị Xay, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Lâm Thủy, huyện Lệ Thủy cho biết, các thành viên Hội Phụ nữ tại bản làng đến từng nhà để nhắc nhở bố, mẹ tạo điều kiện cho con cái đến trường. Tới đây, Hội sẽ thành lập Câu lạc bộ thủ lĩnh với sự tham gia của 30 thành viên gồm các Hội viên Phụ nữ, học sinh, đoàn viên, chính quyền thôn bản, giáo viên cùng giúp đỡ các em đến trường đều đặn: “Phối hợp với Đoàn Thanh niên tuyên truyền, vận động con em đến trường, không để con em bỏ học, đi vận động các hộ gia đình luôn tạo điều kiện cho con em đến trường đầy đủ thông qua các cuộc họp, tuyên truyền bằng loa đài hoặc thành lập câu lạc bộ thủ lĩnh đảm nhiệm vai trò vận động học sinh, trẻ em có ý thức học tập, trong cộng đồng, quan tâm tuổi vị thành niên chống bạo lực học đường”.
Tác giả: Thanh Hiếu
Nguồn tin: Báo VOV