Giáo dục

Sự cố thi Hà Giang, Sơn La: Quy chế đã bị người thực thi công vụ vô hiệu hóa

Quy chế thi THPT quốc gia vẫn còn có kẽ hở, chưa lường hết được các tình huống phát sinh trong thực tế. Quy chế quá tập trung và quản chặt đối tượng thí sinh, nhưng còn lỏng lẻo đối với những người thực thi công vụ.

Đó là ý kiến của Giáo sư Nguyễn Hữu Đức – ĐHQGHN nói về nguyên nhân sự cố thi THPT quốc gia 2018 ở Hà Giang, Sơn La.

Giáo sư Nguyễn Hữu Đức – ĐHQGHN

Trung thực là yêu cầu tối thượng

Thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo Nghị quyết 29, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chọn thi cử làm khâu đột phá là đúng và đã đầu tư vào nhiệm vụ này rất nhiều.

Các phương án đổi mới tuyển sinh trong mấy chục năm qua, nhất là các kỳ thi “3 chung” và gần đây là kỳ thi THPT quốc gia hay “2 trong 1” không phải là ý chí cá nhân đường đột của một ai cả, mà là phương án được nghiên cứu rất có trách nhiệm và tâm huyết, được cộng đồng tham gia trao đổi, đóng góp; được phản biện và thông qua nhiều cấp.

Tại thời điểm triển khai được cộng đồng rất kỳ vọng. Chúng ta không kỳ vọng chọn được phương án đúng tuyệt đối, mà là chọn được phương án có nhiều ưu điểm nhất, ít hạn chế nhất.

Tôi cho rằng phương án hiện nay cơ bản đã thực hiện được yêu cầu của Nghị quyết 29 với 3 ưu điểm: Đây là phương án thể hiện được tinh thần kiến tạo (kiến tạo sự thuận lợi cho thí sinh, gia đình và xã hội).

Thể hiện được tinh thần đổi mới tư duy về quản lý (Bộ GD&ĐT từng bước sẽ lui ra, không trực tiếp công việc tác nghiệp cụ thể, mà sẽ tập trung làm nhiệm vụ quản lý nhà nước, xây dựng quy chuẩn, quy chế và kiểm tra, giám sát việc thực hiện). Đồng thời thể hiện tính chuẩn hóa và hiện đại (tiếp cận được cách làm của một số nước và được các trường đại học tin tưởng sử dụng kết quả để tuyển sinh).

Tuy nhiên, thực tiễn rất phức tạp và chúng ta chưa lường hết được các tình huống phát sinh trong thực tế, nhất

Trong một cuộc trao đổi với các chuyên gia giáo dục, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã cảm ơn các ý kiến góp ý và thấy có trách nhiệm đối với các hạn chế về chất lượng đề thi và vấn đề bảo mật của phần mềm chấm thi THPT năm nay.

Đó là sự cầu thị chân thành, đồng thời là giải pháp khắc phục cho kỳ thi sắp tới.

là các tiêu cực. Đây là vấn đề mà ngay cả các nước tiên tiến trên thế giới cũng thường gặp phải, muôn thủa. Nhưng phải thừa nhận sự cố ở Hà Giang và Sơn La của Việt Nam là quá nghiêm trọng.

Do đó, vấn đề trung thực là yêu cầu tối thượng, cần quan tâm và giải quyết triệt để trong thời gian tới.

Quy chế thi có phần lỏng lẻo đối với những người thực thi công vụ

Hạn chế của Ban chỉ đạo kỳ thi PTTH quốc gia vừa qua chủ yếu nằm ở “hậu” kỳ thi. Trong thời gian này chúng ta quá tập trung vào việc xử lý sự cố.

Chúng tôi đánh giá cao về tinh thần khẩn trương, quyết liệt, không có vùng cấm trong việc lấy lại công bằng cho kỳ thi của Bộ GD&ĐT, đặc biệt là của bản thân Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ. Nhưng nếu Bộ quan tâm đầy đủ hơn về công tác truyền thông, thông tin toàn diện về kỳ thi, chỉ rõ những mặt được, mặt chưa được của kỳ thi... thì dư luận an tâm và hài lòng hơn.

Rõ ràng là có nhiều cái được như đã nêu ở trên. Đành rằng sự cố là quá nghiêm trọng, nhưng không thể đưa sự cố 114 em để phủ nhận nỗ lực và kết quả của gần 900 nghìn thí sinh dự thi trong cả nước dự thi năm nay.

Nhưng cũng cần rút kinh nghiệm là Quy chế thi THPT quốc gia vẫn còn có kẽ hở, chưa lường hết được các tình huống phát sinh trong thực tế. Quy chế quá tập trung và quản chặt đối tượng thí sinh, nhưng lại tin tưởng và có phần lỏng lẻo đối với người thực thi công vụ.

Phần mềm chấm thi trắc nghiệm còn bộc lộ một số điểm yếu về bảo mật. Quy trình chấm thi giao cho địa phương, tuy có giám sát nhưng bị một số người thực thi công vụ vô hiệu hóa, gian lận.

Cộng đồng về cơ bản cũng rất chia sẻ, nhưng cũng rất muốn được biết sự nhận lỗi của Ngành.

Trong một cuộc trao đổi với các chuyên gia giáo dục, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã cảm ơn các ý kiến góp ý và thấy có trách nhiệm đối với các hạn chế về chất lượng đề thi và vấn đề bảo mật của phần mềm chấm thi THPT năm nay. Đó là sự cầu thị chân thành, đồng thời là giải pháp khắc phục cho kỳ thi sắp tới.

Tổ công tác của Bộ GD-ĐT tiến hành rà soát công tác chấm thi tại Hội đồng thi Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang. (Ảnh: Bộ Công an)

Đừng để tiêu cực người lớn ảnh hưởng tới học sinh

Về lãnh đạo các địa phương, nhất là trưởng Ban chỉ đạo kỳ thi THPT quốc gia (thường là các Phó chủ tịch UBND) của một số tỉnh chưa nhận thấy hết trách nhiệm trong tổ chức kỳ thi, thậm chí còn có dấu hiệu chủ quan; không nắm, không báo cáo trung thực tình hình của địa phương. Nhưng thực chất lại có nhiều sai phạm. Điều này làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới kỳ thi, tới niềm tin vào đổi mới thi cử và đổi mới giáo dục.

Nếu Bộ GD&ĐT có lỗi kỹ thuật thì trong vụ việc ở Hà Giang, Sơn La một số cán bộ ở địa phương đã có tội. Cần xử lý nghiêm với tất cả mọi cá nhân vi phạm, thiếu trách nhiệm, nhưng không để ảnh hưởng tới các cháu học sinh vì tiêu cực của người lớn.

Cần thực hiện đúng tinh thần và tránh gọi kỳ thi “2 trong 1”

Về lâu dài sau khi đổi mới chương trình và SGK phổ thông thì sẽ xem xét cải tiến kỳ thi, xem xét hình thức thi nên được tiến hành cho hoàn thiện hơn. Tuy nhiên, từ nay đến lúc đó về cơ bản cần giữ ổn định phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT như mấy năm qua nhưng tiếp tục rà soát, hoàn thiện quy trình kỹ thuật bảo đảm giám sát chặt chẽ, khách quan, minh bạch đối với tất cả các khâu của kỳ thi. Trong đó cần tập trung vào:

Thứ nhất, quán triệt và thực hiện đúng tinh thần của kỳ thi THPT

Tinh thần kỳ thi “2 trong 1” chỉ là cách nói tắt. Từ nay tránh gọi “2 trong 1”. Thực chất là kỳ thi này là “1 vận dụng cho 2” hay nói chính xác hơn là kỳ thi “1++”.

Một “1” ở đây phải được hiểu là gốc, là chủ yếu, chính là kỳ thi tốt nghiệp THPT sử dụng để đánh giá sản phẩm của một quá trình đào tạo và cấp bằng tốt nghiệp, làm cơ sở để học sinh có điều kiện đi học tiếp hoặc đi làm trong bối cảnh hội nhập… Đây là kỳ thi dành cho học sinh học xong lớp 12 được qui định trong Luật GD.

Việc vận dụng cho “2” hay “1++”, tức là vận dụng để ghi danh vào một số trường đại học (mà không cần phải thi bổ sung). Đây cũng là lẽ thường tình và là thông lệ chung cho phép người đã tốt nghiệp cấp dưới thì được ghi danh vào học cấp học tiếp theo ở các trường không có cạnh tranh cao. Thêm vào đó, hiện nay năng lực tự tổ chức tuyển sinh của một số trường đại học cũng còn yếu nên có thể kết hợp vào kỳ thi này cũng hợp lý.

Ở CH Pháp, tốt nghiệp tú tài là được ghi danh vào đa số các trường đại học, trừ một số đại học có uy tín, tinh hoa.

Việc vận dụng cho “1++” không phải là bắt buộc. Luật GD ĐH đã giao quyền cho các trường đại học tự quyết định cách tuyển sinh của mình, nhưng trên thực tế các trường đều muốn đơn giản nên đều chọn cách áp dụng kết quả của phương án thi này. Trách nhiệm của kỳ thi PTTH vì vậy càng thêm nặng nề và thách thức, nhiều lúc không gánh nổi.

Thứ hai, Rà soát sửa đổi, bổ sung quy trình, quy chế thi tốt nghiệp THPT để đảm bảo trung thực, khách quan, công bằng, tránh gian lận.

Bộ chỉ nên tập trung tổ chức xây dựng, tích hợp và quản lý ngân hàng đề thi và việc kiểm tra giám sát; tăng cường quy mô ngân hàng đề thi, chất lượng đề thi. Giao trách nhiệm cho các địa phương tổ chức. Phấn đấu sau một số năm có thể tổ chức thi trực tiếp trên máy tính tương tự thi lấy chứng chỉ ngoại ngữ hiện nay. Xa hơn nữa, có thể nghiên cứu để hình thành một số trung tâm khảo thí chuyên nghiệp.

Thứ ba, Các trường đại học có cạnh tranh cao cần phát huy tính tự chủ và trách nhiệm xã hội, chủ động xây dựng và thực hiện phương án tuyển sinh đại học phù hợp với mục đích và chuẩn chất lượng của trường mình. Thi và tuyển sinh một năm hai kỳ, áp dụng đồng bộ với phương thức đào tạo tín chỉ.

Thứ tư, Tăng cường công tác thông tin, truyền thông để dư luận, xã hội hiểu đúng, đầy đủ và chia sẻ về kỳ thi và chia sẻ với những người làm giáo dục.

Trước hết là sự chia sẻ của các đồng nghiệp trong ngành, các nhà khoa học. Rất cần có kênh thông tin để các nhà giáo dục tâm huyết trao đổi và đóng góp ý kiến kịp thời, hiệu quả và đúng địa chỉ. Hạn chế các trao đổi trong các phạm vi không cần thiết, gây hoang mang trong dư luận.

Công tác quản lý và giám sát cũng vậy, chừng nào còn có những nhóm người có chủ đích gây ra sai phạm, không có đạo đức thì một mình ngành giáo dục cũng không thể nào hạn chế được triệt để. Công tác cán bộ và quản lý giáo dục ở địa phương ở nhiều điểm cũng nằm ngoài tầm của Ngành. Bất cập có nhiều. Giáo dục phải là nhiệm vụ của cả hệ thống/.

Tác giả: Hồng Hạnh

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP