Giáo dục

Sáu lời khuyên giúp trẻ trở thành người lạc quan

Ngừng phàn nàn, không nói dối, luôn đặt kỳ vọng cao ở trẻ là những điều bạn có thể làm để giúp chúng lạc quan trong cuộc sống.

Sự lạc quan đem lại tác động tích cực lâu dài đến sức khỏe tâm thần và thể chất của trẻ. Dưới đây là sáu lời khuyên từ tạp chí Parents của Mỹ, phụ huynh có thể áp dụng để giúp con lạc quan hơn.

1. Ngừng phàn nàn

Trong mỗi bữa tối, Jenn McCreary, một bà mẹ ở Philadelphia, đều chơi trò "hoa hồng và gai" với hai người con song sinh 9 tuổi. Mỗi thành viên sẽ tiết lộ điều tốt nhất và tồi tệ nhất đã xảy ra với họ ngày hôm đó, đồng thời chia sẻ một hy vọng của từng người trong ngày hôm sau. Mục đích của Jenn McCreary là tập trung vào những điều tích cực.

Suy nghĩ tiêu cực là sự bi quan không cần thiết. Bạn càng rên rỉ về vấn đề tiền bạc hay những khó khăn trong việc, càng có nhiều khả năng con sẽ học và làm điều tương tự. Thay vào đó, hãy nói về những điều tốt đẹp đã thực hiện được.

Bố mẹ đóng vai trò quan trọng giúp trẻ lạc quan hơn. Ảnh: Mother Mag

2. Có kỳ vọng cao

Ngay trước khi con trai bắt đầu học mẫu giáo, Priscilla Baker đã bắt đầu dán một danh sách việc cần làm lên phía trên công tắc đèn ngủ để nhắc nhở con phải dọn giường, mặc quần áo, đánh răng và tự dọn dẹp phòng.

"Chúng sẽ không được ăn sáng cho đến khi hoàn thành công việc", bà mẹ đến từ Blacksburg (Virginia) nói và cho biết dù mục đích ban đầu là giảm khối lượng công việc của mình, cô đã nhanh chóng nhận ra các con cũng được hưởng lợi từ thói quen này. "Khi xuống ăn sáng, chúng đều vui mừng và tự hào về những gì đã làm được", Baker nói.

3. Khuyến khích việc chấp nhận rủi ro một cách hợp lý

Bạn sẽ rất xấu hổ nếu tham gia giải đấu khúc côn cầu trên băng trong khi không biết trượt băng. Vì vậy, theo một lẽ tự nhiên, bạn muốn bảo vệ con khỏi những tình huống tương tự. Tuy nhiên, ngăn cản con làm hoạt động nào đó chỉ vì chúng không có kỹ năng như những đứa trẻ khác vô tình làm giảm sự tự tin, khiến chúng trở nên bi quan hơn.

TS Michael Thompson, tác giả cuốn Homesick and Happy: How time away from parents can help a child grow, cho rằng cha mẹ nên cho phép trẻ ở độ tuổi mẫu giáo chơi một mình ở sân sau hoặc tham gia một chuyến đi thực địa mà không có bố mẹ đi kèm. "Đừng ngại cho con thử những điều mới. Hãy luôn mong muốn chúng trở về nhà và nói Mẹ, con đã làm được rồi".

4. Chờ đợi trước khi phản ứng

Một bà mẹ nghe nói con gái bị bạn bè chê béo, suy nghĩ ngay lập tức của cô ta là gọi điện cho phụ huynh của học sinh kia. Nhưng rồi, cô đã dừng lại và quay sang dạy con cách biện hộ cho chính mình. "Thứ nhất, tớ không béo. Thứ hai, thật không tốt khi nói với bạn bè như vậy", bé gái nói với bạn trong lần thứ hai bị xúc phạm và nhận được lời xin lỗi thỏa đáng.

Ví dụ trên cho thấy việc kiềm chế những phản ứng, suy nghĩ bộc phát là rất cần thiết. Đừng cố gắng can thiệp vào những việc con tự thực hiện được. Hãy để con cố gắng giải quyết mọi thứ mà không cần sự giúp đỡ của bố mẹ. Điều đó sẽ làm tăng cảm giác thích thú và cũng khiến chúng lạc quan hơn về những gì có thể làm trong tương lai.

5. Ngăn chặn những kết luận tiêu cực

"Con không giỏi Toán, không thông minh, không giỏi vẽ, không thể đá bóng..." là những kết luận mà trẻ thường đưa ra trong tâm trạng bực bội.

Để ngăn chặn những loại kết luận này, hãy cố gắng thay đổi quan điểm của con. Hãy giải thích để trẻ biết rằng bắt đầu làm một việc gì đó đều khó khăn và chúng không phải là người duy nhất gặp những vấn đề như vậy. Bạn cũng có thể đề cập về những kỹ năng khó mà con đã cố gắng làm chủ được, ví dụ học đọc hay học viết.

6. Luôn nói sự thật

Khi gia đình Tracy Reinert chuyển đến Florida, đứa con trai 6 tuổi Matt đã gặp rắc rối khi không có bạn bè. Cậu bé rên rỉ với mẹ. Để cổ vũ tinh thần con, Tracy định nói "Con có rất nhiều người bạn ở New Jersey và khi những đứa trẻ ở đây biết con là ai, chúng sẽ cầu xin để được làm bạn" nhưng rồi cô đã không nói vì không muốn con có những hy vọng sai lầm.

Việc trấn an rằng mọi thứ sẽ trở nên tuyệt vời thường đem đến tác dụng ngược lại. Sự lạc quan thực sự đòi hỏi phải có những suy nghĩ thực tế hơn là tích cực. Bằng cách đó, trẻ sẵn sàng đối mặt với bất kỳ điều gì.

Tác giả: Dương Tâm

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP