Việc dạy trẻ kỹ năng phòng chống XHTD là cần thiết, nhưng trách nhiệm bảo vệ trẻ em trước hết vẫn thuộc về người lớn. (ảnh minh họa). |
Biết tự thoát thân, biết từ chối, biết gọi người lớn
Chiều 14/3/2017, tại Trường Tiểu học An Hưng (Hà Đông, Hà Nội) đã diễn ra chương trình “Giáo dục kỹ năng phòng chống bạo lực và xâm hại trẻ em” với người chủ giảng là TS. Vũ Thu Hương – Giảng viên khoa Giáo dục tiểu học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
Tại buổi chia sẻ, TS. Thu Hương đặt tình huống một em học sinh bị một người lớn lạ mặt đến gần rồi bất ngờ ôm vào bụng rồi bế thốc đứa trẻ lên để chạy, TS. Thu Hương đặt câu hỏi cho các em: “Khi các em bị một người lạ mặt tiếp cận và ôm vào bụng cả từ phía trước và phía sau, các em sẽ làm gì? Cố gắng giãy giụa liệu có thoát thân được không các em? Không được, khi đó các em cần bình tĩnh và dùng hai chân đá thật mạnh vào đùi, bụng của kẻ xấu. Đồng thời cố gắng dùng hai bàn tay đấm hết sức vào hai bên mắt của kẻ xấu. Chỉ khi đó, kẻ xấu đau mắt không nhìn thấy gì thì mình mới vùng vẫy chạy khỏi đó để nhanh chóng thoát thân”.
“Nếu một ngày trên đường đi học về nhà một mình, các em gặp một người lạ mặt và cho em một đồ ăn như gói bánh, kẹo hay bất cứ thứ gì các em có được cầm không?
Câu trả lời là tuyệt đối không các em nhé, bởi món đồ đó rất có thể là cái bẫy để dụ dỗ các em đi theo kẻ xấu đó. Hoặc giả định có một người lạ nói là bạn thân của bố mẹ cháu đến để đón cháu về, các em cũng tuyệt đối không được đi theo mà cần phải tìm đến sự trợ giúp từ những người lớn xung quanh như bác bảo vệ, chú công an…” - TS Vũ Thu Hương dặn dò các em học sinh…
Thờ ơ và nhiệt tình thái quá đều gây hại
Chương trình giáo dục kỹ năng của TS. Vũ Thu Hương là một trong rất nhiều chương trình đã và đang được mở ra sau một loạt vụ việc XHTDTE. Thực tế này cho thấy, đây là một nhu cầu chính đáng và cần thiết.
Tuy nhiên, vì trước nay Việt Nam chưa có hệ thống tiêu chuẩn cho kiểu chương trình này nên nội dung giáo dục kỹ năng phòng chống XHTDTE đang tồn tại nhiều vấn đề cần nói.
Thống kê của nhiều tổ chức xã hội cho thấy, có đến hai phần ba số trẻ bị xâm hại tình dục không dám chia sẻ nỗi đau của mình với gia đình, người thân.
Việc giữ im lặng không những khiến nạn nhân rơi vào trạng thái tâm lý nặng nề kéo dài, mà còn khiến quá trình tố cáo các hành vi xâm hại tình dục ra ánh sáng gặp nhiều khó khăn.
Theo các chuyên gia tâm lý, chính việc chưa hiểu rõ giá trị của bản thân cũng như chưa được đào tạo đến nơi đến chốn các kỹ năng phòng vệ đã khiến không ít trẻ trở nên hoảng loạn khi rơi vào tình huống có khả năng bị xâm hại. Điều này là có thật và một phần lỗi thuộc về công tác giáo dục.
Thế nhưng thờ ơ, đó là những gì mà chuyên gia giảng dạy kỹ năng sống nhận thức được trước thái độ của một số cơ sở giáo dục về công tác giáo dục kỹ năng phòng chống xâm hại.
Trao đổi với báo chí, PGS. TS. Trần Thị Kim Xuyến - Phó Trưởng khoa Khoa Xã hội và Nhân văn, Trường Đại học Văn Hiến nhận xét: “Dường như các cơ quan, các tổ chức xã hội vẫn chưa nhìn nhận một cách nghiêm túc về vấn đề giáo dục kỹ năng sống cho trẻ em, nhất là những kỹ năng bảo vệ, những kiến thức về giới tính và sức khỏe sinh sản, tình dục… Và trong các trường phổ thông, nếu như nơi nào được học các môn đó, nó giống như kiểu học để trả bài vậy”.
Là người khởi xướng và đem chương trình giáo dục trẻ cách phòng chống xâm hại tình dục đến rất nhiều trường tiểu học trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh hơn 3 năm qua, TS. Tâm lý Lê Thị Linh Trang - Trưởng Khoa Đại cương, Học viện Cán bộ thành phố Hồ Chí Minh cho biết, bên cạnh vấn đề nhận thức, áp lực sợ cấp trên khiển trách nếu chẳng may xảy ra sự cố khiến không ít trường “nói không” với chương trình hoàn toàn miễn phí này.
Nhiều trường sợ trách nhiệm không dám thay đổi, nhưng cũng có trường thay đổi vì “bệnh thành tích” chứ chưa quan tâm mấy đến hiệu quả của các chương trình giáo dục kỹ năng phòng chống xâm hại cho học sinh…
Ngược với thờ ơ, nhiệt tình thái quá dễ gây hại, đó là cảm xúc của bà Nguyễn Vân Anh – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA).
Theo bà Vân Anh, hiện nay có rất nhiều chương trình giáo dục kỹ năng chống xâm hại tình dục cho trẻ em nhưng các bậc phụ huynh cần tỉnh táo, xem trước chương trình trước khi cho con học.
Vì có những lớp học có thể gây nguy hiểm cho trẻ em. “Cha mẹ nên trả lời các câu hỏi sau để tìm ra nội dung học phù hợp: Thủ phạm xâm hại tình dục trẻ em phần lớn là người quen hay lạ với trẻ em? Thủ đoạn kẻ xâm hại tình dục trẻ em là gì? Trong trường hợp nào thì trẻ em - nạn nhân bị xâm hại tình dục bị giết chết?” – bà Vân Anh lưu ý.
Cách đặt vấn đề của bà Vân Anh hoàn toàn có lý bởi thực tế cho thấy phần lớn thủ phạm của những vụ xâm hại tình dục trẻ em lại là người quen, đây cũng chính là nguyên nhân khiến hành vi phạm tội diễn ra trong một thời gian dài mới bị phát hiện.
Và thủ đoạn của thủ phạm thường là dụ dỗ trẻ em bằng quà, kẹo, tiền… Trong một số trường hợp, nạn nhân đã bị thủ phạm sát hạt khi có hành động chống cự hoặc nói ra ý định sẽ tố cáo với người thân.
Đồng quan điểm TS. Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội (ISDS) cho rằng, cách dạy trẻ em sử dụng vũ lực để đối phó với thủ phạm XHTD có thể đẩy các em vào nguy cơ bị bạo hành nghiêm trọng, bị đánh đập, thậm chí bị thủ tiêu. Ngay cả đối với người lớn, cách đối phó như vậy cũng không được khuyến khích.
Tác giả: Hồng Minh
Nguồn tin: Báo Pháp luật Việt Nam