Ngày 22/11, Bộ Công Thương phối hợp tỉnh Quảng Trị tổ chức Hội nghị ngành Công Thương, các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung – Tây Nguyên, lần thứ X năm 2024. Trình bày tham luận tại hội nghị, ông Phan Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Bình báo cáo tham luận, có một số kiến nghị, đề xuất về công tác quản lý nhà nước trong Quản lý cụm công nghiệp và hoạt động kinh doanh xăng dầu.
Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Bình, Phan Hoài Nam trình bày tham luận tại hội nghị |
Hoạt động công tác quản lý cụm công nghiệp
Theo Phương án phát triển cụm công nghiệp (CCN) được tích hợp vào Quy hoạch tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì tỉnh Quảng Bình có 38 CCN với tổng diện tích khoảng 57ha.
Hiện nay, toàn tỉnh đã phát triển được 10 CCN, trong đó 6 CCN đã được thành lập với tổng diện tích 75,4ha và 4 CCN đã được quy hoạch chi tiết vừa cho thuê vừa tiếp tục đầu tư hạ tầng nhưng chưa được thành lập theo quy định với tổng diện tích 25,5ha. Việc xây dựng phát triển các CCN trên địa bàn tỉnh Quảng Bình bước đầu đã hình thành mạng lưới sản xuất công nghiệp, giúp cho sản xuất công nghiệp phát triển theo hướng tập trung, hạn chế tình trạng phân tán không theo quy hoạch và tình trạng ô nhiễm môi trường. Với 10 CCN hiện có, đã thu hút được 130 dự án đầu tư, tỷ lệ lấp đẩy bình quân đạt 73%, với tổng số vốn đăng ký hơn 550 tỷ đồng, doanh thu đạt gần 480 tỷ đồng, nộp ngân sách gần 20 tỷ đồng và tạo việc làm cho trên 2.000 lao động.
Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 32/NĐ-CP về quản lý, phát triển cụm công nghiệp có hiệu lực thi hành từ ngày 01/05/2024; đây là cơ sở pháp lý quan trọng để các địa phương tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và phát triển các cụm công nghiệp. Nghị định đã thể chế hóa tinh thần chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và tăng cường phân cấp quản lý cho chính quyền địa phương theo Nghị quyết số 04 ngày 10/01/2022 của Chính phủ về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý Nhà nước.
Cụ thể, đã phân cấp cơ bản cho chính quyền địa phương từ công tác xây dựng phương án phát triển cụm công nghiệp đến thành lập, mở rộng, quản lý quy hoạch chi tiết cụm công nghiệp, quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng và dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh trong cụm công nghiệp. Ban hành quy chế, quy định theo thẩm quyền và tổ chức thực thi các chính sách, pháp luật về cụm công nghiệp, bảo đảm cho chính quyền địa phương có đủ công cụ, điều kiện cần thiết để thực hiện vai trò, chức năng quản lý Nhà nước về cụm công nghiệp trên địa bàn.
Cảng tổng hợp quốc tế Hòn La |
Tăng cường công tác quản lý trong kinh doanh xăng dầu
Hiện nay, toàn tỉnh có 125 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu; có 06 doanh nghiệp là thương nhân phân phối, có 222 cửa hàng bán lẻ xăng dầu được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện cửa hàng bán lẻ xăng dầu, gồm có 190 cửa hàng xăng dầu trên bờ và 32 tàu dầu. Đa số các cửa hàng xăng dầu đều nằm trên các tuyến quốc lộ chính đi qua địa bàn tỉnh như: Quốc lộ 1A, Quốc lộ 12A, đường Hồ Chí Minh nhánh Đông và tập trung ở trung tâm Thành phố Đồng Hới, huyện Bố Trạch, huyện Quảng Trạch. Sản lượng xăng dầu tiêu thụ trên địa bàn tỉnh khoảng 230.000 -250.000m3/năm (trong đó xăng chiếm khoảng 35% và dầu 65%).
Thời gian qua, Sở Công Thương tỉnh Quảng Bình đã tham mưu UBND tỉnh ban hành và trực tiếp ban hành nhiều văn bản đôn đốc việc chấp hành các quy định về kinh doanh xăng dầu và tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn toàn tỉnh.
Tăng cường quản lý chặt chẽ các khâu thẩm định hồ sơ, điều kiện, tiêu chuẩn thực tế khi cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, đảm bảo đúng quy trình, thủ tục hành chính và tạo điều kiện thuận lợi, nhanh chóng cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh. 100% hồ sơ cấp giấy chứng nhận được thực hiện trên hệ thống một cửa liên thông.
Thường xuyên phối hợp với các Sở, Ngành, đơn vị liên quan theo dõi, kiểm tra giám sát hoạt động cung ứng xăng dầu trên địa bàn tỉnh để kịp thời phát hiện các hành vi găm hàng, tung tin thất thiệt, tạo khan hiếm nguồn cung xăng dầu. Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp cửa hàng bán lẻ xăng dầu dừng bán hàng không đúng quy định và các hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh xăng dầu.
Các hoạt động quản lý nhà nước được tăng cường triển khai, nhờ đó hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh được duy trì ổn định, đảm bảo nguồn cung xăng dầu phục vụ cho sản xuất doanh nghiệp và người dân.
Đối với thương nhân phân phối, chủ động nguồn cung, dự trữ lượng xăng dầu đáp ứng đầy đủ cho nhu cầu tiêu dùng trong tỉnh, không để xảy ra tình trạng khan hiếm ảnh hưởng đến thị trường xăng dẫu.
Đối với các đại lý, cửa hàng bán lẻ xăng dầu: 100% đều đảm bảo cung ứng đủ, kịp thời xăng dầu, phục vụ tốt cho nhu cầu sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của nhân dân; Duy trì mở cửa hàng bán lẻ xăng dầu, không có tình trạng đóng cửa khi không có lý do chính đáng và chưa được chấp thuận bằng văn bản của Sở Công Thương theo quy định.
Hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh duy trì ổn định, đảm bảo nguồn cung xăng dầu |
Những đề xuất nhằm hoàn thiện công tác quản lý kinh doanh xăng dầu
Tại buổi tham luận, Sở Công Thương tỉnh Quảng Bình đề nghị Bộ Công Thương phối hợp với các Bộ, ngành liên quan sớm đề xuất Chính phủ xem xét ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, các cơ chế, chính sách về kinh doanh xăng dầu, đảm bảo thực hiện khả thi, hiệu quả nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, góp phần phát triển kinh tế xã hội của địa phương và đảm bảo an ninh năng lượng.
Hướng dẫn và phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong việc triển khai kế hoạch thực hiện Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 theo Quyết định 343/QĐ-TTg ngày 25/4/2024 của Thủ tướng Chính phủ.
Chỉ đạo giám sát chặt chẽ các thương nhân đầu mối trong việc cung ứng hàng hóa cho các thương nhân phân phối ở các địa phương. Yêu cầu thương nhân đầu mối cam kết đảm bảo đủ nguồn cung cho thương nhân phân phối để cung ứng cho các cửa hàng bán lẻ xăng dầu.
Xem xét phân quyền cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện thương nhân phân phối xăng dầu cho Sở Công Thương các tỉnh, thành phố nơi thương nhân đóng trụ sở chính để có cơ sở, công cụ quản lý, kiểm tra giám sát việc hoạt động kinh doanh và sử dụng kho xăng dầu của thương nhân phân phối xăng dầu.
Tác giả: Việt Hoàng
Nguồn tin: tapchicongthuong.vn