Huyện Tây Trà là địa phương xa nhất, điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn nhất của tỉnh Quảng Ngãi. Toàn huyện hiện có 10 trường Mầm non, Mẫu giáo thì có đến 6 trường thiếu cán bộ quản lý nhiều năm liền.
Trường Mẫu giáo Trà Phong nằm ở trung tâm huyện Tây Trà là trường hạng 1 với 11 lớp và 216 trẻ đang theo học. Ngoài điểm chính, trường còn 7 điểm lẻ nằm rải rác ở các khu dân cư, trong đó điểm xa nhất cách trường chính gần 10 km.
Cô Đinh Thị Lệ Hiền - Hiệu trưởng trường Mẫu giáo Trà Phong cho biết: trường Mẫu giáo Trà Phong là trường hạng 1 nên phải có 1 Hiệu trưởng và 2 Phó hiệu trưởng để đảm bảo hoạt động dạy và học. Thế nhưng 2 năm qua, chức danh Phó hiệu trưởng của trường luôn trong tình trạng biến động. Có thời điểm, Phó hiệu trưởng của trường được điều động sang đảm nhiệm chức vụ quản lý ở các điểm trường khác cũng đang thiếu cán bộ trầm trọng.
Nhiều năm liền, trường Mẫu giáo Trà Phong chật vật tìm cán bộ quản lý cấp phó |
Không có cấp phó nên tất cả công việc đều do Hiệu trưởng nhà trường gánh vác. Tuy vậy, dù nỗ lực hết sức thì Hiệu trưởng cũng chỉ có thể điều hành, giám sát trực tiếp được hoạt động ở 1 điểm trường chính và 2 điểm trường lẻ. 5 điểm trường còn lại không thể thường xuyên đến kiểm tra, vì vậy trung bình 1 tháng mới có thể tổ chức dự giờ 1 lần tại các điểm lẻ.
Mãi đến tháng 1/2018, trường Mẫu giáo Trà Phong mới có 1 Phó hiệu trưởng để chia sẻ công việc với Hiệu trưởng nhà trường. Tuy nhiên, cán bộ cấp phó này cũng được bổ nhiệm theo kiểu "cho nợ" một số điều kiện theo quy định.
"Việc thiếu cán bộ cấp phó suốt thời gian dài ảnh hưởng rất lớn đến công tác chuyên môn của nhà trường. Một mình Hiệu trưởng chỉ giải quyết công việc hành chính đã hết thời gian nên không thể theo sát hoạt động chuyên môn của tất cả các điểm trường", cô Hiền chia sẻ.
Không riêng huyện Tây Trà, bậc học Mầm non ở huyện miền núi Sơn Tây cũng rơi vào tình cảnh "đốt đuốc" tìm cán bộ quản lý.
Huyện Sơn Tây hiện có 10 trường Mầm non thì có đến 9 trường thiếu cấp phó, duy nhất chỉ có Trường Mầm non xã Sơn Tân là đủ cán bộ quản lý theo quy định.
Cô Nguyễn Thị Kim Ý - Hiệu trưởng trường Mầm non Sơn Liên cho biết: trường có 1 điểm chính và 4 điểm lẻ. Tuy nhiên suốt 3 năm qua trường Mầm non Sơn Liên vẫn chưa có Phó hiệu trưởng.
"Việc tổ chức học bán trú và các hoạt động dạy học ở các điểm trường rất nặng. Vì vậy, tình trạng thiếu cấp phó kéo dài gây khó khăn trong công tác quản lý hoạt động chuyên môn ở các điểm trường. Hoạt động ở điểm lẻ phải nhờ đến cả sự giám sát của phụ huynh học sinh và trưởng thôn", cô Ý cho biết.
Việc thiếu cán bộ cấp phó kéo dài ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng giáo dục của bậc học Mầm non (ảnh minh họa) |
Tình trạng thiếu cán bộ quản lý bậc Mầm non tại các huyện miền núi đã diễn ra từ nhiều năm qua. Nguyên nhân là do số giáo viên bậc học này đều là nữ, còn khá trẻ và phần lớn là người ở các huyện đồng bằng. Vì vậy, sau khi công tác đủ số năm theo quy định, giáo viên luôn có nguyện vọng xin chuyển về các huyện đồng bằng công tác để ổn định cuộc sống gia đình.
"Số giáo viên đủ chuẩn về trình độ và các điều kiện để quy hoạch, bổ nhiệm hầu hết là giáo viên từ đồng bằng lên đây công tác. Vậy nên dù có quy hoạch, bổ nhiệm thì vài năm sau số cán bộ này lại xin chuyển công tác. Chính vì thế câu chuyện thiếu cán bộ quản lý bậc Mầm non cứ tiếp diễn", ông Nguyễn Hữu Duy - Phó trưởng phòng GD&ĐT huyện Tây Trà lý giải.
Cũng theo ông Duy, Phó hiệu trưởng là người phụ trách chuyên môn và các phong trào thi đua.Vì vậy, việc thiếu cấp phó kéo dài khiến chất lượng dạy và học ở các điểm trường này không cao.
Trong khi đó, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Sơn Tây, ông Bùi Thế Giới, cho biết: tình trạng thiếu cán bộ quản lý tại các điểm trường Mầm non sẽ kéo dài 3 năm nữa mới có nguồn cán bộ đủ chuẩn để bổ sung. Tuy vậy, nếu số giáo viên nằm trong quy hoạch lại tiếp tục xin chuyển công tác thì tình trạng thiếu cán bộ quản lý lại tiếp diễn mà chưa có giải pháp căn cơ nào.
Tác giả: Quốc Triều
Nguồn tin: Báo Dân trí