Ngày 6/3, bà Cao Thị Hồng Hạnh - Giám đốc Ban quản lý Khu chứng tích Sơn Mỹ (Quảng Ngãi) cho biết, các nghệ nhân làng đúc đồng Phước Kiều (Quảng Nam) đang đúc quả chuông đồng nặng hơn một tấn, cao hơn 2 mét, vành rộng một mét để chuẩn bị cho Lễ tưởng niệm 50 năm thảm sát Mỹ Lai (16/3/1968-16/3/2018).
"Quả chuông được chạm nổi những hình ảnh về quê hương Sơn Mỹ và các danh thắng tiêu biểu của Quảng Ngãi như: làng Tư Cung, sông Kinh, bãi biển Mỹ Khê, núi Ấn, sông Trà, đền thờ Trương Định", bà Hạnh nói và cho biết, chuông sẽ được đưa về Khu chứng tích trước ngày làm lễ.
Tưởng nhớ nạn nhân vụ thảm sát, một quả chuông đồng cao một mét, đường kính 0,6 mét đã được đặt trong Khu chứng tích nhiều năm qua. Mỗi ngày trước bình minh, nhân viên Khu chứng tích sẽ đánh 5 hồi và 4 tiếng chuông tượng trưng cho lời nguyện cầu gửi đến 504 nạn nhân vụ thảm sát. "Quả chuông đã cũ và nhỏ nên cần được thay thế", bà Hạnh cho biết.
Quả chuông đồng trong tháp chuông hòa bình Khu chứng tích Sơn Mỹ hiện nay sẽ được thay thế bằng quả chuông to hơn. Ảnh: T.T. |
Để chuẩn bị cho Lễ tưởng niệm vào ngày 16/3 tới, Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch tỉnh Quảng Ngãi đã lập website về Khu chứng tích Sơn Mỹ để thông tin về các hoạt động. Trong đó, tuần phim về Sơn Mỹ diễn ra ngày 10 - 20/3 với các phim như: Tiếng vĩ cầm Mỹ Lai, Thảm sát Mỹ Lai, Những bức thư từ Sơn Mỹ...
Theo lãnh đạo Khu chứng tích, ngoài lãnh đạo tỉnh, người dân và du khách, năm nay, 60 chiến binh thuộc tổ chức VFP - Veterans for peace (Cựu chiến binh vì hòa bình) sẽ đến Việt Nam tưởng niệm các nạn nhân. Mọi người sẽ dâng một bông huệ trắng ở tượng đài, thay vì thắp hương như mọi năm.
"Lễ tưởng niệm là dịp để nhìn lại những đau thương mất mát trong chiến tranh; qua đó có thêm bài học về cảnh giác, đừng để xảy ra những trường hợp tương tự", ông Nguyễn Minh Trí, Giám đốc Sở Văn hóa nói.
50 năm trước, đại đội Charlie thuộc Lục quân Mỹ đổ bộ vào làng Mỹ Lai thuộc xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi). Trong 4 giờ, các binh lính đã sát hại 504 người dân vô tội, đa số là phụ nữ và trẻ em.
Một năm sau, tin tức và hình ảnh về vụ thảm sát được đăng tải trên truyền thông đã gây chấn động, làm bùng nổ phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam trong lòng nước Mỹ và trên toàn thế giới.
Tác giả: Thạch Thảo
Nguồn tin: Báo VnExpress