Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM đã bố trí 158 địa điểm thi lớp 10. Các điểm thi đa số đặt tại các trường THCS và một số trường THPT, trong đó có 11 điểm thi dành cho thí sinh thi chuyên. TP HCM cũng huy động 13.539 giáo viên (GV) làm cán bộ coi thi và 2.370 nhân viên, bảo vệ, công an... làm nhiệm vụ tại các điểm thi.
Không để xảy ra sai sót, tiêu cực
Để tổ chức các kỳ thi an toàn, không để xảy ra sai sót, tiêu cực, UBND TP HCM đã có chỉ thị giao trách nhiệm cụ thể cho các sở, ban, ngành, quận, huyện. Trong đó, giao Sở Giáo dục và Đào tạo là đầu mối theo dõi việc thực hiện nhiệm vụ phối hợp tổ chức các kỳ thi của các sở, ban, ngành…; chịu trách nhiệm chỉ đạo và triển khai thực hiện kế hoạch tổ chức các kỳ thi cho toàn ngành; chỉ đạo các trường, các điểm thi chuẩn bị tốt cho học sinh (HS) về kỹ năng làm bài thi và tâm lý trước, trong và sau kỳ thi; tổ chức tập huấn nghiệp vụ, thông báo công khai, đầy đủ, rõ ràng các quy định về kỳ thi và các biện pháp bảo đảm an toàn, phòng chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm cho cán bộ, GV và HS.
Học sinh lớp 9 Trường THCS Đoàn Thị Điểm (quận 3, TP HCM) ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm nay |
UBND TP HCM cũng yêu cầu trang bị đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh, phòng chống cháy nổ cho tất cả điểm thi, điểm in sao đề thi, điểm chấm thi, đồng thời phải tính toán đến phương án dự phòng bảo đảm cho mọi tình huống phát sinh; chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị, kinh phí để tổ chức kỳ thi; tổ chức thanh tra, kiểm tra công tác chuẩn bị và tổ chức các kỳ thi, bảo đảm tuyệt đối an toàn, trung thực, không xảy ra sai sót, tiêu cực, vi phạm quy chế thi; phối hợp Công an thành phố và các cơ quan liên quan phòng chống hiệu quả việc sử dụng công nghệ cao để gian lận trong kỳ thi... Đặc biệt, lưu ý thí sinh về việc chấp hành các quy định trong phòng thi, các vật dụng không được đem vào phòng thi và các vấn đề liên quan đến bảo mật đề thi…
Sở Y tế chỉ đạo các tuyến y tế cơ sở, các bệnh viện trên địa bàn sẵn sàng phối hợp với các điểm thi, tạo điều kiện ưu tiên cấp cứu và chăm sóc sức khỏe cho HS; chứng nhận bệnh, thương tích chính xác và nhanh chóng khi có những bất trắc xảy ra trong quá trình thi; phối hợp bảo đảm lưu thông các tuyến đường, không để xảy ra ách tắc, tạo điều kiện cho GV và HS đến các điểm thi thuận lợi, đúng giờ. Công an thành phố phối hợp bảo đảm tính bảo mật, an toàn tuyệt đối cho các kỳ thi từ khâu ra đề thi, in sao đề thi; bảo vệ các điểm thi, điểm in sao đề thi, điểm chấm thi; cùng tham gia áp tải, bảo vệ đề thi, bài thi theo đúng quy chế và kế hoạch…
Lưu ý tránh sai lầm khi làm bài
Trước giờ G, thầy Võ Kim Bảo, GV ngữ văn Trường THCS Nguyễn Du (quận 1), lưu ý thí sinh trong quá trình làm bài thi để tránh mắc sai lầm, đó là tuyệt đối không đoán đề. Năm nay đề thi tuyển sinh lớp 10 môn ngữ văn không ra một tác phẩm cụ thể mà ra chủ đề. Dựa vào đó, HS tự lựa chọn tác phẩm phù hợp với chủ đề đó. Tác phẩm được chọn cũng chỉ được lấy một phần nhỏ tương ứng với chủ đề chứ không thể phân tích toàn bộ tác phẩm. Chính vì vậy, trước thời điểm thi mà HS còn đoán đề chứng tỏ đã hoàn toàn ôn tập sai hướng, sai phương pháp và có thể sẽ không đủ thời gian để bắt đầu ôn tập lại.
Một sai lầm nữa cần tránh là viết đoạn văn không rõ chủ đề khiến cho bài văn bị điểm thấp. HS không có kỹ năng tạo câu chủ đề cho đoạn văn. Nếu chọn cách viết đoạn song hành (đoạn không cần câu chủ đề) thì cũng cần phải thể hiện thật rõ các từ ngữ chủ đề, cách lập luận hướng vào một nội dung nhất định.
"Trong bài thi, HS cần thể hiện được kỹ năng viết văn của mình. Thang điểm chấm cho kỹ năng khá cao. Thay vì chỉ tập trung viết cho bài văn thật dài, còn vài phút cuối mới viết kết bài thì HS nên tập trung rèn luyện các kỹ năng, phương pháp làm bài" - thầy Bảo lưu ý.
Ở môn toán, thầy Đặng Hữu Trí - Tổ trưởng chuyên môn toán, Trường THCS Nguyễn Du (quận 1) - cho hay đề có 8 câu, trong đó câu 1, 2 là dạng toán cơ bản thuần túy về hàm số, đồ thị, phương trình, các em cẩn thận nhìn đúng dấu, biến đổi từng bước, tính toán, vẽ đồ thị thật chính xác, vẽ đồ thị hàm số thì phải chỉ rõ trục tung, trục hoành, chia các khoảng đơn vị chính xác thì sẽ lấy được trọn điểm phần này. 5 câu tiếp theo (từ câu 3 đến câu 7) là dạng toán thực tế dàn trải ở các mức độ vẫn gắn với kiến thức của HS. Giải các dạng toán thực tế, cần phải đưa về phương trình dạng chuẩn mới được phép sử dụng máy tính để tìm ra nghiệm. Bài làm của thí sinh không đưa về phương trình dạng chuẩn, mà cho ra luôn nghiệm sẽ không được chấp nhận.
Với dạng toán giải phương trình, hệ phương trình phải có lý luận để đưa ra phương trình như: Gọi x là đơn vị, điều kiện thì mới có điểm. Đổi đơn vị cẩn thận, nhớ đúng cách đổi và cẩn thận trong việc làm tròn số cho đúng yêu cầu. Ở câu 8 là toán chứng minh hình học, gồm 3 câu hỏi nhỏ với 2 câu đầu là kiến thức thông hiểu, vận dụng, câu cuối là vận dụng cao. Khi vẽ hình, trừ hình tròn có thể sử dụng bút chì, các hình học còn lại thí sinh phải vẽ bằng bút mực. Nếu vẽ bằng bút chì trong những trường hợp này thì bị xem là phạm quy…
Viết đáp án phải cẩn thận Ở môn tiếng Anh, theo thầy Trần Nguyễn Hanh, Tổ trưởng Tổ tiếng Anh Trường THCS Lý Thánh Tông (quận 8), để làm bài tốt môn tiếng Anh, HS cần phân bố thời gian hợp lý: 90 phút với 40 câu hỏi, mỗi câu đều 0,25 điểm cho 7 phần trong đề thi. Ở phần trắc nghiệm, HS cần đọc, cố gắng hiểu đề và các đáp án để chọn đáp án đúng nhất. Ở phần từ loại, HS phải phân tích, đọc kỹ phần trước và sau của ô trống để xác định đúng từ loại và nghĩa của câu để điền đúng từ. Ở phần sắp xếp và biến đổi câu, các em cần xác định đúng dạng câu cần sắp xếp và biến đổi. Thời gian làm bài là 90 phút nên HS cần dành thời gian đọc kỹ để có thể hiểu đề và các lựa chọn. Viết các đáp án thật cẩn thận, đầy đủ, rõ ràng, chính xác; tránh bôi xóa, viết chồng lên các đáp án, từ và câu... |
Tác giả: Đặng Trinh
Nguồn tin: Báo Người Lao động