Giáo dục

Nhớ mãi những đòn roi của thầy!

Những ngày qua, dư luận xã hội xôn xao bởi sự việc phụ huynh bắt cô giáo Trường tiểu học Bình Chánh (Bến Lức, Long An) phải quỳ để được “bỏ qua” khi phạt con của mình. Đã trải qua tuổi học trò và giờ đã là giáo viên, tôi nhớ sao những lời trách, những đòn roi mà thầy cô đã phạt lúc không ngoan.

Nhớ bởi lẽ thời chúng tôi đi học, khi học trò chưa ngoan, thầy cô đánh roi, “tặng” thêm cái giấy mời phụ huynh là chuyện hết sức bình thường. Vì vậy, người ta mới nói: “Không thầy đố mày làm nên” hay “Muốn sang thì bắc cầu Kiều. Muốn con hay chữ hãy yêu lấy thầy”. Người ta tôn trọng thầy nên coi nghề giáo là “nghề cao quý nhất”.

Thế nhưng, hiện nay, việc một bộ phận phụ huynh hung hăng thóa mạ, hành hung giáo viên không còn là chuyện xa lạ nữa. Dường như nghề giáo trở thành một nghề chứa đầy rủi ro.

Ai bị đánh đòn mà không đau? Cha mẹ nào thấy con mình bị phạt mà không xót?

Là một thầy giáo, tôi không đồng tình khi một giáo viên có thể dùng bạo lực xâm phạm đến thân thể của học sinh dù trong hoàn cảnh nào. Cũng như thế, việc phụ huynh phản ứng khi thầy cô phạt nặng con mình cũng là điều dễ hiểu và cũng cần được cảm thông. Thế nhưng phản ứng sao cho không vượt quá giới hạn của lẽ ứng xử để giáo viên còn đủ can đảm đứng thẳng mình trước học sinh, để học sinh không học theo lối hành xử thô bạo của mình là điều mà mỗi phụ huynh nên suy nghĩ.

Nhân cách của học sinh không chỉ được hình thành từ môi trường giáo dục của nhà trường, qua những bài giảng của thầy cô mà còn qua những hành động đẹp của những tấm gương ngoài đời sống, đặc biệt là cha mẹ. Vì vậy, giữa thầy cô và phụ huynh phải có sự phối hợp nhịp nhàng, cảm thông cho nhau trong việc giáo dục các em. Có như thế, trong kí ức của mỗi học sinh, những lời trách phạt, những đòn roi của thầy cô luôn xuất phát từ sự yêu thương, quan tâm và kì vọng với bản thân mình!

Tác giả: Tiêu Viết Hải

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP