Dòng máu nóng trong cơ thể của thầy giáo Nguyễn Quý Hùng, công tác tại Trường THCS Cao Quảng, Tuyên Hóa (Quảng Bình) và anh Nguyễn Văn Quân, trú tại Lệ Thuỷ (Quảng Bình) mang đi cứu bệnh nhân Hồ Thị Thi (70 tuổi), trú tại xã Thạch Lâm, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) thuộc nhóm máu A, Rh -. Đây là một nhóm máu được xếp vào loại cực hiếm, tỷ lệ Rh- của cả 4 nhóm máu O, A, B, AB ở người Việt Nam chỉ có 0,08%.
Theo số liệu tại khoa xét nghiệm của Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh, toàn Tỉnh chỉ 1 người có nhóm máu này nhưng người đó hiện đang ở nước ngoài.
Thầy Hùng và anh Quân đang hiến máu |
Lý giải vì sao đây là nhóm máu cực hiếm, Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh cho biết, đối với máu người, người ta dựa vào sự hiện diện của 2 loại kháng nguyên A và B để phân máu thành 4 nhóm chính là A, B, AB và O (còn gọi là hệ thống nhóm máu ABO). Người có nhóm máu A có kháng nguyên A và có kháng thể b (chống B) trong máu. Người có nhóm máu B có kháng nguyên B và có kháng thể a (chống A) trong máu. Người có nhóm máu AB có kháng nguyên A và B và không có kháng thể a và b trong máu. Người có nhóm máu O không có kháng nguyên A và B nhưng trong máu có kháng thể a và b.
Ngoài hai loại kháng nguyên A và B, người ta còn phát hiện trong máu có những kháng nguyên khác, trong đó đáng chú ý là kháng nguyên Rhesus (ký hiệu Rh). Kháng nguyên hệ Rh phân bố thưa thớt trên bề mặt hồng cầu. Khi cơ thể có kháng nguyên Rh thì được gọi là Rh+ (dương tính). Còn nếu cơ thể không có kháng nguyên Rh thì được xem là Rh- (âm tính). Theo thống kê, tỷ lệ Rh+ của người da trắng là 85%, người Mỹ da đen là 95%, người Phi da đen là 100%, người Việt là 99,92%. Nói cách khác, tỷ lệ Rh- của người Việt là 0,08% (rất hiếm).
Kháng nguyên hệ thống nhóm máu Rh là di truyền. Khi người có Rh- trong máu được truyền bằng máu có kháng nguyên Rh+ thì sẽ xuất hiện kháng thể chống Rh, gây ngưng kết hồng cầu, sinh ra tai biến. Nếu người cần được truyền máu là Rh+ thì truyền máu Rh+ hoặc Rh- đều được, nhưng nếu người cần được truyền máu là máu Rh- thì nhất thiết phải được truyền máu Rh-.
Tóm lại, nhóm máu hiếm Rh- là một đặc tính di truyền, giống như màu da, màu tóc… không gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Tuy nhiên, những người có nhóm máu hiếm chỉ có thể truyền máu cho nhau; nếu truyền nhầm nhóm máu Rh+ sang Rh- sẽ xảy ra hiện tượng tan máu, gây sốc, suy thận, trụy tim mạch và tử vong; bất đồng nhóm máu mẹ con là tai biến sản khoa thường gặp nếu người mẹ có Rh- và bố có Rh+.
Do chiếm một tỷ lệ rất thấp trong cộng đồng nên những người có nhóm máu Rh- cần được sinh hoạt trong các câu lạc bộ hiến máu tình nguyện (do Hội Chữ thập đỏ hoặc Trung tâm Huyết học-Truyền máu thành lập và quản lý) để được tư vấn về sức khỏe và có cơ hội giúp đỡ nhau trong các trường hợp cần phải truyền máu.
Trước đó, đêm 3/3, bệnh nhân Hồ Thị Thi (70 tuổi), trú tại xã Thạch Lâm, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) nhập viện trong tình trạng mệt mỏi, da xanh, đi ngoài phân đen. Sau khi được thăm khám, làm các xét nghiệm lâm sàng và nội soi dạ dày tá tràng được chẩn đoán thiếu máu nặng do xuất huyết dạ dày cần phải được truyền máu cấp cứu ngay trong đêm. Tuy nhiên, sau khi xét nghiệm, nhóm máu của bệnh nhân là loại cực hiếm, nhóm máu A, Rh -. Theo số liệu tại khoa xét nghiệm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh, toà tỉnh chỉ có 1 người có nhóm máu này nhưng người đó hiện đang ở nước ngoài. Khoa xét nghiệm tại bệnh viện đã liên hệ với câu lạc bộ nhóm máu hiếm khu vực miền Trung để xin giúp đỡ và được biết Quảng Bình có 5 người cùng nhóm máu với bệnh nhân. Sau khi nhận được liên hệ, thầy giáo Nguyễn Quý Hùng và Anh Nguyễn Văn Quân đã lập tức di chuyển trong đêm ra Hà Tĩnh hiến máu cứu người. Hành động kịp thời của thầy Hùng và anh Quân đã cứu sống bệnh nhân Thi. |
Tác giả: Linh Nhi
Nguồn tin: antt.vn