Khu vệ sinh ở trường học nông thôn hầu hết nằm tách biệt với dãy nhà học, một số trường mới xây thì có thêm khu phụ nằm trong dãy nhà học. Tại Hà Tĩnh, gần 74% trong số hơn 3.310 nhà vệ sinh từ mầm non đến THPT được xây kiên cố. Tuy nhiên, cũng giống như trường ở thành phố, những công trình này đang trong tình trạng quá tải, xuống cấp và bẩn thỉu.
Tại Trường Tiểu học Sông Trí (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh), khu vệ sinh đặt phía sau dãy nhà hai tầng. Công trình cao 4 m, rộng 5 m với hai nhà vệ sinh, 9 hố đại tiện và 2 dãy tiểu tiện. Phía trên mái đặt bể nước, có ống dẫn xuống dưới để rửa tay, xả hố tự hoại. Tuy nhiên, bể liên tục thiếu nước. Các bồn rửa tay cũng như tự hoại chỉ đựng rác và lá khô, giấy vệ sinh lúc có lúc không.
Bồn rửa trong nhà vệ sinh trường Tiểu học Sông Trí khi chưa dọn dẹp. Ảnh: Đức Hùng |
Phụ huynh tên Hải chia sẻ nhiều lần nghe con gái kể không dám đi vệ sinh vì trong phòng tiểu tiện và đại tiện thiếu người dọn dẹp. "Tôi rất lo lắng khi việc tế nhị của các cháu không được chăm lo chu đáo", anh nói.
Ban giám hiệu nhà trường lý giải đã có kế hoạch phân công học sinh dọn, thuê người dội rửa hàng ngày, song do số học sinh đông (1.180) nên dọn không kịp. Sau khi phụ huynh kiến nghị, trường Sông Trí đã dọn dẹp, riêng công trình xuống cấp chưa được sửa chữa.
Nằm ở khu vực miền núi của huyện Kỳ Anh, Trường Tiểu học Kỳ Sơn thiếu thốn nhiều thứ. Nhà vệ sinh được xây năm 2007, do một dự án tài trợ. Công trình cao 4 m, rộng 3,2 m, bên trên lợp tôn, xung quanh xây bao, có phòng tách biệt hai dãy cho nam và nữ, một bể nước dội chung.
Học sinh tên Bảo cho hay, đến mùa mưa bão, nhà vệ sinh thường bị gió tốc mái, em và các bạn sợ, không dám đi. Ngày thường, việc "giải quyết nỗi buồn" cũng hạn chế, bởi tường ẩm, nước ngấm vào, đứng từ xa 3 m đã phải ngửi mùi khai.
"Em hiểu nhịn vệ sinh sẽ không tốt cho sức khỏe, song thú thật khi vào đó em không chịu được mùi hôi. Mong trường nâng cấp công trình sạch sẽ hơn, các bạn có ý thức khi đi vệ sinh, giữ gìn môi trường chung", Bảo nói.
Nhà vệ sinh của trường Tiểu học Kỳ Sơn. Ảnh: Đức Hùng |
Theo Hiệu trưởng Nguyễn Công Trãi, trường vừa xây mới nhà vệ sinh cho giáo viên, hết 180 triệu đồng. Nhà vệ sinh cho học sinh thì "chỉ có xây mới là hợp lý, còn mỗi năm bỏ ra vài chục triệu để nâng cấp không ăn thua".
Tại nhiều trường nông thôn như Tiểu học Thạch Thanh (huyện Thạch Hà), Tiểu học Kỳ Thịnh (thị xã Kỳ Anh), THCS Đại Thành (huyện Cẩm Xuyên)..., công trình vệ sinh được xây từ lâu, đa số từ nguồn tài trợ, huy động xã hội hóa.
Các trường bố trí hai dãy nhà vệ sinh dành riêng cho giáo viên và học sinh. Công trình cao hơn 3 m, rộng 3-5 m, cửa phòng làm bằng sắt, bên ngoài tường ẩm mốc, cũ kỹ. Phía trong nhà tự hoại ốp gạch, giấy vệ sinh được bố trí mỗi phòng một cuộn, bể nước xây bên ngoài phòng tiểu tiện để dùng chung.
Việc dọn dẹp do bảo vệ kiêm nhiệm, một số đơn vị hợp đồng thời vụ với lao động địa phương, kinh phí khoảng 2 triệu đồng mỗi tháng. Giáo viên và Ban giám hiệu sẽ giám sát vào giữa giờ ra chơi hoặc khi kết thúc buổi học, có thiếu sót sẽ góp ý lại với người phục vụ.
"Trường thuộc vùng lấy đất quy hoạch cho khu công nghiệp, tạm thời không thể sửa chữa hay xây mới, khi nào có chỉ thị sẽ chuyển đi nơi khác. Khu vệ sinh chỉ đáp ứng được thiểu số, còn nếu so sánh với những trường ở thành thị thì không thể bằng", lãnh đạo trưởng Tiểu học Kỳ Thịnh nói.
Nhà vệ sinh của Trường Tiểu học Thạch Thanh. Ảnh: Đức Hùng |
Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh cho biết, nhà vệ sinh của các trường nông thôn chưa đáp ứng được đa số nhu cầu của học sinh, do ở quê huy động nguồn xã hội hóa khó khăn.
"Tỉnh đang chỉ đạo các địa phương soát xét, đề nghị khi làm trường phải xem nhà vệ sinh là hạng mục ưu tiên thi công. Việc xây dựng sẽ huy động nhiều nguồn, vừa ngân sách và xã hội hóa. Ở nông thôn, sẽ gắn liền với chương trình xây dựng nông thôn mới", ông Quốc Anh nói.
Tác giả: Đức Hùng
Nguồn tin: Báo VnExpress