Giáo dục

Nên kéo dài thời gian đào tạo sư phạm lên 5 năm?

Đây là một đề xuất được nêu ra trong hội thảo quốc tế về đào tạo, bồi dưỡng giáo viên phổ thông, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông và giảng viên sư phạm do Bộ GD-ĐT phối hợp với Trường ĐH Sư phạm TPHCM, Ngân hàng Thế giới tổ chức vào ngày 16/12.

Trên cơ sở so sánh chương trình đào tạo giáo viên giữa các quốc gia phát triển, PGS.TS Nguyễn Kim Hồng, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cho rằng chương trình đào tạo sư phạm trong nước cần thay đổi mà cụ thể là thay đổi thời gian đào tạo.

PGS.TS Nguyễn Kim Hồng, nguyên Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm TP.HCM

Hiện nay, thay vì đào tạo cử nhân sư phạm 4 năm như hiện nay, thời gian đào tạo giáo viên sắp tới nên là 5 năm với 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 là đào tạo bậc cử nhân khoa học trong thời gian 3 năm trong các khoa khoa học chuyên ngành của các đại học. Còn giai đoạn 2, đào tạo thạc sĩ giáo dục 2 năm trong các Khoa/Trung tâm đào tạo giáo viên của các đại học.

Theo ông Hồng, “thời gian đào tạo này hoàn toàn có thể thực hiện trong điều kiện Việt Nam sắp triển khai Hệ thống giáo dục quốc dân mới, trong đó qui định, thời gian đào tạo bậc đại học từ 3 - 5 năm, thạc sĩ 1 - 2 năm. Đây đây là cơ hội thực sự nếu muốn giáo viên ra trường sau vài năm tới hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu đổi mới toàn diện giáo dục đặc biệt là chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới”.

Tuy nhiên, thời gian đào tạo 5 năm không áp dụng cho chương trình đào tạo giáo viên mầm non vì đào tạo mầm non là đặc thù. Giáo viên mầm non nên được đào tạo theo một chương trình thống nhất ngay từ khi bắt đầu học đại học. Cũng có thể xem xét một vài chuyên ngành đào tạo giáo viên khác nếu cảm thấy có đầy đủ cơ sở khoa học vững chải cũng như mô hình đào tạo thực hành.

Thay đổi chương trình đào tạo giáo viên hiện có bằng đào tạo thạc sĩ giáo dục trước mắt là đối với việc đào tạo giáo viên THCS và THPT và sau đó là giáo viên Tiểu học và Mầm non khi có điều kiện. Sinh viên sau khi nhận bằng cử nhân khoa học ở các trường đại học Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội và Nhân văn, Nông nghiệp… mới được dự tuyển các khóa học thạc sĩ giáo dục.

Cũng theo ông Hồng, chương trình đào tạo thạc sĩ giáo dục sẽ được thiết kế các học phần Tâm lí học, Giáo dục học, Lí luận và phương pháp dạy học chung, Lí luận và phương pháp dạy học bộ môn, Kĩ thuật dạy học, Thực tập sư phạm. Những sinh viên học chương trình thạc sĩ giáo dục phải có thời gian làm việc thực tế trong các trường phổ thông không ít hơn 1 năm vừa thực hành nghề nghiệp vừa học các môn học về phương pháp tổ chức dạy học và kỹ thuật dạy học. Lẽ đương nhiên, các học phần chi tiết cần được cân nhắc và xem xét trong yêu cầu khoa học của việc phát triển chương trình đào tạo.

Tương tự, trong tham luận của mình, TS Vũ Thị Thu Hoài và Ths Nguyễn Đức Nguyên, Phòng đào tạo Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) cũng có đề xuất tăng thời gian đào tạo giáo viên liên tục từ 4 lên 5 năm. Trong đó, tăng thời gian thực tập, trải nghiệm thực tiễn đáp ứng yêu cầu chương trình phổ thông mới.

Trong 5 năm này thì quá trình đào tạo khoa học cơ bản thực hiện trong 6 học kỳ tại các trường ĐH đa ngành, đa lĩnh vực về khoa học cơ bản. Giai đoạn đào tạo giáo viên sẽ tổ chức cho sinh viên đăng ký và thi vào các ngành đào tạo giáo viên. Nếu trúng tuyển sinh viên phải học thêm 4 học kỳ về các môn khoa học giáo dục, thực tập giảng dạy tại trường phổ thông. Sinh viên không trúng tuyển có thể học tiếp 2 học kỳ để lấy bằng cử nhân khoa học.

Tác giả: Lê Phương

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP