Giáo dục

Đào tạo thêm 9000 tiến sĩ: Cần kiểm soát chặt, tránh chạy theo hư danh

Với Đề án đào tạo thêm 9000 tiến sĩ mà Bộ GD&ĐT dự thảo xây dựng, nhiều ý kiến chuyên gia lo ngại cho rằng là một chủ trương tốt nhưng cần phải có kiểm soát nghiêm túc, chặt chẽ chất lượng đầu ra, không khoan nhượng với luận án chất lượng thấp.

Nên có sự ràng buộc khi cử đi học nước ngoài

Bộ GD&ĐT xây dựng Đề án nâng cao năng lực đội ngũ GV&CBQL các cơ sở giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2018-2025, tầm nhìn 2030, dự kiến kinh phí là 12.000 tỷ đồng.

Đề án có thuận lợi lớn là kế thừa các kết quả, kinh nghiệm và nguồn lực từ các đề án, dự án liên quan đang triển khai như Đề án 732, Đề án 911, Đề án 2020 và Chương trình POHE.

Bộ GD&ĐT hy vọng sau khi triển khai đề án, các cơ sở giáo dục đại học sẽ nâng cao năng lực và trình độ của đội ngũ giảng viên, qua đó đáp ứng được yêu cầu về điều kiện đảm bảo chất lượng trong quá trình quy hoạch lại và phát triển các ngành, chuyên ngành đào tạo mới theo nhu cầu xã hội.

Theo đó, phấn đấu, nâng tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ lên 35% (khoảng 9000 tiến sĩ) tổng số giảng viên các CSGDĐH, trong đó: Đào tạo khoảng 5.000 tiến sĩ ở nước ngoài tại các trường đại học có uy tín trên thế giới. Từ 2018 đến 2025 mỗi năm tuyển chọn khoảng từ 600 - 700 nghiên cứu sinh đi đào tạo ở nước ngoài; Đào tạo khoảng 2.000 tiến sĩ tại các cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam...

Để tuyển chọn ứng viên đi đào tạo trình độ tiến sĩ này, Bộ GD&ĐT sẽ tiến hành rà soát đánh giá nhu cầu đào tạo tiến sĩ của các cơ sở đào tạo về số lượng, cơ cấu (theo lĩnh vực, ngành, chuyên ngành), xác định các lĩnh vực, ngành, chuyên ngành trọng tâm cần ưu tiên đầu tư đào tạo sớm với số lượng đảm bảo theo nhu cầu thực tế của công tác đào tạo nhân lực.

Đồng thời, tuyển chọn, cử giảng viên đủ điều kiện để đào tạo đạt trình độ tiến sĩ theo các phương thức: Đào tạo toàn thời gian ở nước ngoài; đào tạo theo hình thức liên kết, phối hợp với các cơ sở đại học nước ngoài và đào tạo tiến sĩ ở trong nước.

GS.TS Hà Huy Bằng cho rằng, nên có ràng buộc tiến sĩ sau khi bảo vệ trở lại cơ sở. Đồng thời phải có một chính sách đồng bộ, bao gồm cả chế độ đãi ngộ cán bộ khoa học và giảng viên, sử dụng đúng ngành nghề, khuyến khích và hỗ trợ phát triển chuyên môn...của cơ sở khoa học hay giáo dục.

Ngoài ra nên có định hướng sắp xếp công việc cho nghiên cứu sinh sau khi bảo vệ luận án tiến sĩ để các bạn trẻ chưa có cơ quan công tác yên tâm và có định hướng cho mình.

Đối với việc nâng cao chất lượng đội ngũ tiến sĩ hiện nay, theo GS Bằng cần phải tăng cường các trao đổi chuyên môn thông qua các hội nghị, hội thảo... trong nước và quốc tế. Trả lương theo sản phẩm khoa học, ưu tiên tăng lương trước hạn cho các cá nhân nếu có sản phẩm khoa học tốt, ví dụ như nhiều bài báo khoa học ISI hoặc SCOPUS... Đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức khoa học quốc tế, xây dựng các nhóm khoa học liên quốc gia, giữa các tỉnh thành rộng khắp trong toàn quốc.

Tránh chạy theo hư danh

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng, hiện nay, tỷ lệ CBGD có trình độ tiến sĩ/giảng viên trong toàn ngành giáo dục đại học mới đạt khoảng 22%. Vì vậy, cần khẩn trương đào tạo đội ngũ TS để bổ sung nguồn nhân lực trình độ cao cho các trường đại học, viện nghiên cứu để nâng cao chất lượng đào tạo bậc đại học và sau đại học của Việt Nam là hết sức cần thiết.

Điều mà cả xã hội mong đợi là tiến sĩ phải thực sự có chất lượng?, theo GS Đức, vấn đề cốt lõi là chúng ta phải tuyển chọn chặt chẽ, để đào tạo hoặc cử đi đào tạo ở nước ngoài ở bậc tiến sĩ những người có sự chuẩn bị đầy đủ kiến thức và năng lực chuyên môn, ngoại ngữ để có thể làm tốt nghiên cứu ở bậc đào tạo nghiên cứu sinh; sau khi tuyển chọn, cần đào tạo một cách bài bản và kiểm soát nghiêm túc, chặt chẽ chất lượng đầu ra, không khoan nhượng với luận án chất lượng thấp.

"Có bột mới gột nên hồ” - muốn có chất lượng cũng phải có đầu tư, tạo điều kiện làm việc và nghiên cứu khoa học cho đội ngũ cán bộ hướng dẫn và nghiên cứu sinh - GS Đức nhấn mạnh.

Theo GS Đức, cần chú trọng đội ngũ cán bộ khoa học trình độ cao trong lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ. Bởi, tỷ lệ NCS khối KHTN-CN so với các ngành khối XHNV, Kinh tế Luật và các ngành khác cộng lại khoảng 1:5. "Chúng ta phải quy hoạch lại và thay đổi tỷ lệ này trong thời gian tới cho phù hợp hơn".

Bên cạnh đó, cũng cần nâng cao chuẩn đầu ra tiến sỹ từng bước tiếp cận với trình độ và chuẩn mực như ở các nước tiên tiến phát triển, có như vậy sẽ không còn chỗ cho các tiến sĩ kém chất lượng, chạy theo hư danh.

Một trong những điều quan trọng mà GS Đức nhấn mạnh là phải có chính sách trọng dụng và đãi ngộ nhân tài cho tương xứng, không cào bằng.

"Tôi cho rằng nếu tiến sĩ có thực tài, có năng lực và có đóng góp thiết thực cho nhà trường và xã hội được sử dụng công bằng và đãi ngộ thỏa đáng, cũng sẽ là động lực để người học hoặc phải tập trung nghiên cứu, học tập thật giỏi để có thể giành được học bổng, hoặc sẵn sàng đầu tư cho việc học và đào tạo nâng cao trình độ của chính mình, giảm bớt gánh nặng cho ngân sách Nhà nước".

Tác giả: Hồng Hạnh

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP