Giáo dục

Mừng vì học sinh được quyền… lưu ban!

Đọc các bài viết về tâm tư của thầy cô giáo khi bị tước đoạt đi quyền “cho học sinh lưu ban”, tôi càng thêm hiểu nỗi khổ khó nói của các thầy cô và càng thấy con mình may mắn vì đang được học ở một ngôi trường mà học sinh có quyền được lưu ban.

Phải hiểu được nỗi khổ của các phụ huynh và thầy cô khi con mình, trò mình học kém nhưng cứ bị đẩy lên lớp trên mới cảm nhận được sự hạnh phúc khi các em học sinh được là chính mình: khá thì lên lớp, yếu thì được ở lại để học cho tốt hơn.

Con tôi hiện đang học lớp 2. Trong khi nhiều phụ huynh lo chạy cho con vào những ngôi trường có tiếng, trường đạt chuẩn quốc gia thì tôi chọn trường cho con với một tiêu chí khá đơn giản: đúng tuyến. Trong gần 20 đứa nhỏ ở cùng một khu phố thì chỉ có 4 đứa học trường đúng tuyến trong đó có con tôi. Những đứa trẻ còn lại đều được phù phép để đúng tuyến ở những ngôi trường khác có tiếng tăm hơn.

Năm ngoái, khi con tôi vào học lớp 1, tôi đã chủ động xin cho con vào học ở lớp của một cô giáo già nổi tiếng khó tính. Con kể với tôi, trong lớp có 1 bạn đang học lớp 1 năm thứ 2. Hầu như tuần nào đi đón con, tôi cũng cố gắng gặp cô một vài phút để hỏi han tình hình học của bé. Thỉnh thoảng tôi bận quá không gặp được cô nhưng bé nghịch ngợm, mất tập trung, hay nói chuyện, học không chú ý là cô gọi điện cho tôi nhắc phải quan tâm đến cháu hơn và sửa lỗi này lỗi kia. Lần đầu tiên nhận điện thoại của cô, tôi giật mình tưởng có chuyện gì nhưng hóa ra là vì cô đợi nhưng không gặp tôi nên mới gọi để trao đổi về việc bé viết bài rất ẩu. Nghe những lời dặn dò của cô, tôi hiểu cô là một cô giáo có tâm với nghề.

Cuối năm đó, trong buổi họp phụ huynh cô nói một cách chân tình rằng: Cả lớp có 3 em phải thi lại. Hai em nếu cố gắng có thể lên lớp được nhưng sang năm sẽ rất vất vả vì lớp 2 là bắt đầu học chương trình VNEN; em còn lại nếu có được lên lớp cũng khó theo kịp các bạn, không thể theo nổi chương trình vì đọc viết còn quá kém. Hồ sơ của em này cô vẫn chưa viết vì đợi ý kiến của phụ huynh. Nếu phụ huynh đồng ý thì cô sẽ để em được ở lại lớp 1 để học cho tốt hơn còn nếu phụ huynh vẫn muốn con được lên lớp cô sẽ cho em được thi lại để có cơ hội lên lớp. Cuối cùng, em học sinh đó đã học lại lớp 1 thêm 1 năm nữa. Còn hai em thi lại đã được lên lớp như dự đoán của cô.

Trong tình hình chung của ngành giáo dục hiện nay, có không ít trường dù phụ huynh và thầy cô có muốn học trò cũng không được quyền lưu ban do sức ép thành tích thì ngôi trường mà con tôi đang học có lẽ là thuộc dạng quý hiếm. Tôi vui mừng vì con mình được lớn lên một cách bình thường, học hành nhẹ nhàng, không bị áp lực vì điểm số, vì thành tích đẹp của nhà trường hay vì những lý do cao cả nào khác. Dù vậy, tôi vẫn thấy rằng các thầy cô ở đây đang chịu một sức ép không hề nhỏ trong việc làm cho thành tích của học trò phải chạy theo chỉ tiêu từ trên giao xuống và năm sau luôn phải cao hơn năm trước. Để phụ huynh chấp nhận cho con em được lưu ban, cô giáo đã phải khéo léo giải thích, thuyết phục sao cho phụ huynh hiểu được lợi ích của việc học 1 lớp 2 năm là như thế nào? Chỉ khi phụ huynh đã hiểu và đồng thuận thì cô mới để trò được ở lại lớp.

Giá như mỗi đầu năm học, thầy cô chủ nhiệm không phải đăng ký chỉ tiêu học sinh giỏi, khá theo kế hoạch của Phòng, Sở, không phải “đau đầu” vì việc phải làm sao để trò được có quyền lưu ban thì các em sẽ không bị ngồi nhầm lớp, cả phụ huynh và nhà trường sẽ không phải bị đẩy vào một cuộc đua kiệt sức từ năm này sang năm khác!

Thi đua hay các chỉ tiêu đặt ra là để chúng ta nỗ lực, cố gắng phấn đấu chứ không phải là cái khuôn buộc mọi người phải gò mình vào cho vừa nếu không sẽ bị “hành” cho tới số! Nếu đặt ra các chỉ tiêu kiểu đó thì chẳng thà đừng có còn hơn.

Tác giả: Lại Thị Ngọc Hạnh

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP