Bộ GD&ĐT mới đây đã đề nghị miễn học phí cho học sinh cấp THCS từ năm 2020 và miễn học phí đối với giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi ở các vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn ngay từ năm 2018, thay vì từ năm 2019 như dự kiến.
Theo Bộ GD&ĐT, đối với đề xuất miễn học phí đối với giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi ở các vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn ngay từ năm 2018, Chính phủ đã đồng ý với chủ trương này. Bên hành lang Quốc hội sáng 23/11, các ĐBQH đã có những trao đổi về các đề xuất này.
Theo đại biểu Nguyễn Văn Hiển (đoàn Lâm Đồng), đứng ở góc độ bất cứ người dân nào, việc được hưởng chính sách miễn học phí cho con em họ là quá tốt. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là liệu rằng nhà nước có đủ năng lực làm việc này hay không.
“Hiến pháp của chúng ta trước đây cũng đã quy định rất rõ, đó là quyền của nhân dân khi không phải đóng học phí, nhưng cuối cùng chúng ta không thực hiện được. Vấn đề là cái gì cũng phải trong thực lực, muốn chính sách này có đi vào đời sống cần đảm bảo những vấn đề cụ thể như nguồn lực có đảm bảo không, năng lực nhà nước có đáp ứng được hay không”, Đại biểu Nguyễn Văn Hiển nói.
Theo Đại biểu Chu Lê Chinh (đoàn Lai Châu), chính sách hỗ trợ là không thể cào bằng. Đối với lĩnh vực giáo dục, cần tính toán tạo cơ chế tốt, thúc đẩy xã hội hóa giáo dục ở những nơi có điều kiện kinh tế phát triển. Còn việc miễn giảm học phí chỉ nên thực hiện ở những nơi điều kiện kinh tế xã hội khó khăn như vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
“Ở những nơi điều kiện kinh tế xã hội khó khăn như vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, học sinh đến lớp còn rất khó khăn. Do đó chúng ta không chỉ miễn giảm học phí mà còn hỗ trợ về ngân sách để học sinh có điều kiện đến lớp, thậm chí phải nuôi học sinh từ bậc học mầm non đến THPT”, Đại biểu Chu Lê Chinh nói.
Học sinh mầm non ở huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên. |
Tại Kỳ họp Quốc hội này, nhiều ý kiến ĐBQH cho rằng cần quan tâm hơn đến thu nhập của giáo viên. Trao đổi về câu chuyện lương của giáo viên, ông Nguyễn Văn Hiển cho rằng đội ngũ công chức nói chung và giáo viên nói riêng là khá đông, trong khi nguồn ngân sách có hạn, tuy nhiên trong tương lai vẫn cần phải tiếp tục cải cách tiền lương giáo viên cho phù hợp.
“Giáo dục là quốc sách hàng đầu, nhưng chính sách để giáo dục phát triển không chỉ là lương mà đòi hỏi rất nhiều những chính sách tổng thể. Tôi cho rằng nhà nước nên tạo ra một khung chuẩn để thị trường giáo dục phát triển”, ông Hiển nói.
Thị trường giáo dục hiện nay, theo ông Hiển, đã có nhiều sự tham gia của khu vực ngoài nhà nước nhờ xã hội hóa và cơ chế tự chủ. Điều quan trọng là nhà nước phải tạo ra sân chơi thực sự bình đẳng giữa công lập và ngoài công lập để các cơ sở giáo dục tự chủ và phát triển.
Trong khi đó, theo quan điểm của Đại biểu Chu Lê Chinh, phải xem xét cụ thể nơi nào cần xã hội hóa, nơi nào cần miễn học phí, cũng như đối tượng nào cần miễn học phí. Cũng theo ông Chinh, tự chủ trong giáo dục là phải tự chủ về tài chính, nhân sự, đồng thời cũng phải tự chịu trách nhiệm.
Tác giả: Hiền Anh
Nguồn tin: Báo Infonet