Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi (quận Gò Vấp, TP HCM) vừa đưa ra hình thức xử lý kỷ luật đối với nhóm nữ sinh đánh bạn túi bụi trong nhà vệ sinh trường học. Hình thức hạ hạnh kiểm đi kèm phạt đọc sách đạo đức với tất cả những em học sinh (HS) vi phạm được các chuyên gia giáo dục và dư luận đồng tình.
Đình chỉ học thì quá dễ!
Liên tiếp trong thời gian gần đây, nhiều sự việc bạo lực học đường xảy ra ở nhiều địa phương. Điều dư luận quan tâm là sau mỗi sự việc, các nhà trường đã áp dụng những hình thức xử lý kỷ luật HS ra sao hay cứ bạo lực học đường là lập tức… đình chỉ học tập.
Môi trường giáo dục tích cực sẽ thay đổi nhận thức, hành vi của học sinh, hướng các em tới những điều tốt đẹp .Ảnh: HOÀNG TRIỀU |
Hiệu trưởng một trường THPT tại quận 4, TP HCM cho biết thực tế nếu chọn tạm dừng học HS thì đó là biện pháp dễ nhất, bởi cứ căn cứ theo mức độ vi phạm và đình chỉ thì quá dễ cho nhà trường. Lựa chọn hình thức khác mới khó, đó là làm sao để các em nhận ra sai lầm, sửa chữa, để nhà trường thực sự là nơi HS muốn đến mỗi ngày chứ không phải oán ghét để được nghỉ thì càng thích. "Muốn vậy, việc kỷ luật HS cần xác định là đang vì chính HS hay vì nhà trường, vì để trấn an dư luận. Không thể cứ bạo lực học đường xảy ra là đình chỉ học tập, hình thức này khiến việc học của HS bị gián đoạn" - vị này cho biết.
Sự việc nữ sinh bị nhóm bạn đánh trong nhà vệ sinh tại Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi (quận Gò Vấp), ông Trịnh Vĩnh Thanh, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận, cho biết trường không áp dụng hình thức đình chỉ học bởi đây là hình thức không phù hợp, các chuyên gia giáo dục cũng không khuyến khích. Sau thời gian đình chỉ, nhà trường cũng phải giúp các em bồi dưỡng lại kiến thức thời điểm bị dừng học.
Ông Thanh cho biết thêm các em HS đang có tâm lý muốn thể hiện mình trước mọi người. Ngay cả việc đánh nhau quay clip tung lên mạng cũng nhằm muốn mọi người biết mình, dù cách này là tiêu cực. "Vậy tại sao nhà trường chúng ta không tạo điều kiện để các em được thể hiện mình một cách tích cực? Đó cũng là cách giúp các em tự điều chỉnh hành vi" - ông Thanh nói.
Hình thức xử lý kỷ luật mà Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi áp dụng bên cạnh việc hạ hạnh kiểm là phạt những HS vi phạm đọc sách đạo đức trong 2 tuần, ghi lại cảm nhận từng cuốn sách, sau đó kể lại cho các bạn trong trường cùng nghe.
Không lấy lỗi sai để chì chiết học sinh
TS tâm lý Bùi Hồng Quân, giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP HCM, cho rằng trong bất cứ môi trường nào thì khen thưởng cũng đi kèm với kỷ luật. Mục đích của kỷ luật là giúp HS nhận thức cái không đúng và sửa đổi để tốt hơn. Tuy nhiên, nếu các hình thức kỷ luật không phù hợp thì sẽ xảy ra những hệ lụy.
TS Bùi Hồng Quân cũng phân tích trước khi muốn kỷ luật HS, chúng ta cần đặt câu hỏi mục tiêu có giúp HS nhận ra sai lầm hay không? Xu hướng của giáo dục hiện nay là kỷ luật tích cực. Trong khi với HS, ở bất kỳ lứa tuổi nào các em cũng có sự nhạy cảm riêng. Thiếu kỷ luật cũng không được nhưng kỷ luật phải hợp tình hợp lý và quan trọng là phải có tính giáo dục, giúp HS sửa sai và tiến bộ.
Trong nhà trường hiện nay, thầy cô cũng gặp nhiều áp lực, sẽ có nhiều giáo viên (GV) không lường hết được những hệ lụy sau đó nhưng trước hết, mỗi thầy cô hãy kiên nhẫn, bao dung với học trò, giúp các em hiểu những sai lầm để thay đổi.
Nhiều chuyên gia giáo dục nhận định mọi hình thức xử lý phải hướng đến mong muốn HS nhìn ra lỗi sai, chứ không nên lấy lỗi sai để chì chiết hay xúc phạm nhân phẩm HS. Trước hành vi sai trái của HS, thầy cô cần phân tích tác hại, chỉ rõ lý do cần phải nghiêm cấm hành vi đó. Và quan trọng là không nên chỉ lấy cái lý để cân đo; thầy cô cần xử sự bằng cái tình, để HS đón nhận với sự kính trọng.
Thầy Lâm Vũ Công Chính, GV Trường THPT Nguyễn Du (quận 10), cho biết kỷ luật khác với trừng phạt, kỷ luật trong môi trường giáo dục càng phải hết sức thận trọng vì có thể vực dậy hoặc dập tắt tương lai của một đứa trẻ. Trong các clip bạo lực học đường lan truyền, những em HS đánh nhau rõ ràng là sai và phải có hình thức xử phạt phù hợp. Nhưng với HS quay clip, cần nhận diện các em quay để làm gì hay chỉ để mua vui. Sự thờ ơ của những HS trong lớp cũng rất đáng lên án. Tuy nhiên, thật ra đây cũng là tâm lý chung của nhiều người, không muốn can dự để liên lụy đến bản thân.
Thầy Chính đề xuất việc đầu tiên là mỗi trường học phải thực hiện giáo dục đạo đức cho HS ngay trong lớp. Nếu có mâu thuẫn thì HS không một mình giải quyết mà nên thông báo cho gia đình và GV. Trường hợp thấy bạn đánh nhau, nếu mình đủ nghị lực thì đứng ra ngăn cản, còn sợ thì tìm cách rời khỏi hiện trường và thông báo cho người lớn.
Thầy Chính cho biết thực tế, việc xử lý kỷ luật không khó vì có quy định về mức độ hành vi vi phạm. Nhưng mục đích của việc kỷ luật là để răn đe và giáo dục nên việc đầu tiên cần thiết là kết nối giữa GV chủ nhiệm và các HS để nắm bắt thông tin trước khi sự việc xảy ra. GV chủ nhiệm cần có những nhắc nhở và trao trách nhiệm đối với ban cán sự lớp. Khi sự việc đã xảy ra thì GV chủ nhiệm cần hàn gắn mối quan hệ rạn nứt, cần giám sát chặt chẽ hơn với các trường hợp, dù 2 HS này tiếp tục học cùng hay chuyển lớp... "Dù không thể đổ hết trách nhiệm nhưng vai trò của GV chủ nhiệm là cực kỳ quan trọng. Các thầy cô làm công tác giám thị, quản lý HS cũng cần nắm bắt sớm thông tin để phối hợp với GV chủ nhiệm cùng xử lý" - thầy Chính nói.
Phụ huynh uốn nắn Thầy Lâm Vũ Công Chính cũng nhận định bên cạnh vai trò GV, vai trò giáo dục của gia đình cũng rất quan trọng. Trong trường hợp HS nào bị xử lý kỷ luật thì phụ huynh những em này đều phải uốn nắn, nhắc nhở và thường xuyên giám sát hành vi các em, ít nhất là trong một thời gian. Hành vi hành xử bạo lực của HS một phần là ảnh hưởng từ môi trường, từ các phim ảnh bạo lực, từ sự thiếu quan tâm, sự thay đổi tâm lý của các em trong độ tuổi dậy thì. |
Tác giả: Đặng Trinh
Nguồn tin: Báo Người Lao động