Trường ĐH Sài Gòn đang tạm thu học phí đối với sinh viên sư phạm - Ảnh: TRẦN HUỲNH |
Nhưng đến nay nhiều trường vẫn tạm thu học phí và sinh viên vẫn chưa nhận được hỗ trợ sinh hoạt phí. Việc này gây nhiều khó khăn cho sinh viên nghèo, không ít sinh viên đang lo phải dang dở việc học vì không có tiền đóng học phí.
Cầu cứu
Nhiều tân sinh viên sư phạm khóa 2022 Trường ĐH Sài Gòn bất ngờ khi làm thủ tục nhập học nhà trường yêu cầu phải nộp học phí. N.T.T. (khoa Sư phạm khoa học xã hội) chia sẻ: "Tôi chọn học sư phạm một phần cũng vì chính sách miễn học phí và hỗ trợ chi phí sinh hoạt hằng tháng, do hoàn cảnh gia đình khó khăn.
Tuy nhiên, khi nhập học, nhà trường yêu cầu sinh viên sư phạm cũng phải nộp học phí. Tôi đã nộp đơn đề nghị hưởng và cam kết bồi hoàn học phí, chi phí sinh hoạt cho trường rồi nhưng chưa biết khi nào được hoàn lại học phí. Tôi có liên hệ địa phương nhưng vẫn chưa được, họ bảo chờ vì chưa có hướng dẫn".
Bà L.T. (phụ huynh ở TP.HCM có con theo học sư phạm tại Trường ĐH Sài Gòn) cũng đã gửi đơn đến trường để cầu cứu vì không thể tiếp tục ứng học phí cho con.
"Con tôi đang học năm thứ hai nhưng đến nay vẫn chưa nhận được khoản tiền hỗ trợ nào theo quy định của Chính phủ dành cho sinh viên sư phạm. Ở TP.HCM nhưng gia cảnh tôi hiện rất khó khăn, không thể xoay xở tiền bạc để lo tiền tạm ứng học phí cho con" - bà L. chia sẻ.
Nhiều sinh viên sư phạm năm thứ hai Trường ĐH Sư phạm TP.HCM có hộ khẩu thường trú tại TP.HCM cho hay hiện vẫn chưa nhận được hỗ trợ khoản sinh hoạt phí được theo quy định (3,63 triệu đồng/tháng).
Tương tự, hàng trăm sinh viên năm thứ hai các ngành sư phạm Trường ĐH Thủ đô Hà Nội cũng phản ánh không nhận được phí hỗ trợ sinh hoạt dù đã nộp đơn và ký cam kết bồi hoàn học phí, chi phí sinh hoạt.
3,63 triệu đồng Đó là mức hỗ trợ sinh hoạt phí hằng tháng cho sinh viên sư phạm trong thời gian học tập tại trường, bên cạnh tiền hỗ trợ đóng học phí bằng mức thu học phí của nhà trường, theo nghị định 116. Thời gian hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt theo số tháng thực tế học tập tại trường nhưng không quá 10 tháng/năm học. |
Chờ địa phương
Trường ĐH Sài Gòn hiện có hơn 1.500 sinh viên có hộ khẩu ở 43 tỉnh thành theo học các ngành đào tạo giáo viên khóa 2021 và khóa 2022. Nhưng đến nay chỉ có hai tỉnh Long An và Ninh Thuận ký quyết định đặt hàng nhà trường đào tạo với 34 sinh viên sư phạm khóa tuyển sinh 2021. Trong khi chờ đợi kinh phí từ các tỉnh, nhà trường không thu học phí số sinh viên này. Trong khi đó, tất cả sinh viên còn lại phải nộp học phí cho trường.
Theo ông La Thanh Hùng - trưởng phòng công tác sinh viên Trường ĐH Sài Gòn, từ năm học trước, nhà trường đã liên hệ với tất cả các tỉnh thành có sinh viên đang theo học các ngành sư phạm tại trường nhưng chỉ có vài địa phương phản hồi lại. Trong đó, có một số địa phương cho biết không có nhu cầu đặt hàng đào tạo giáo viên.
Nhà trường đã phối hợp, làm việc với Sở GD-ĐT TP.HCM xem xét giải ngân ngân sách cấp hỗ trợ cho số sinh viên đăng ký hưởng theo nghị định 116 theo chỉ tiêu giao nhiệm vụ của TP.HCM. "Trước mắt, nếu sinh viên nào gặp khó khăn trong việc đóng tạm ứng học phí cần làm đơn theo hướng dẫn của trường để được xem xét hỗ trợ. Riêng khoản hỗ trợ sinh hoạt phí, nhà trường cũng phải chờ được giải ngân từ các địa phương" - ông Hùng cho biết thêm.
Ông Lâm Thanh Minh - quyền trưởng phòng công tác chính trị và học sinh sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM - cho hay theo nghị định 116, sinh viên sư phạm muốn được miễn học phí và nhận chi phí sinh hoạt thì cần làm đơn gửi cho nhà trường. Sau đó, phải được địa phương xét duyệt mới được nhận hỗ trợ. Nếu không làm đơn, coi như sinh viên không có nhu cầu nhận hỗ trợ học phí và sinh hoạt phí thì sinh viên phải nộp học phí theo quy định.
"Nhà trường đang làm việc với các tỉnh để xác định nhu cầu đặt hàng đào tạo giáo viên và sau đó sẽ thông báo cho sinh viên đăng ký. Hiện mới chỉ có tỉnh Long An gửi thông tin lại cho trường. Nếu sinh viên có đơn đề nghị hỗ trợ học phí nhưng các địa phương không có nhu cầu đặt hàng đào tạo thì nhà trường sẽ lập danh sách gửi Bộ GD-ĐT để cấp học phí và sinh hoạt phí cho các đối tượng này.
Riêng đối với sinh viên sư phạm có hộ khẩu TP.HCM vẫn đang được giải quyết về học phí, còn sinh hoạt phí thì trường đang thực hiện các thủ tục và trao đổi bằng văn bản với sở và các cơ quan liên quan" - ông Minh nói.
Trường ĐH Thủ đô Hà Nội cho hay có 570 sinh viên sư phạm khóa 2021 của trường đăng ký hưởng và cam kết bồi hoàn học phí, chi phí sinh hoạt theo nghị định 116, nhưng đến nay chưa có địa phương nào thực hiện giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu với nhà trường. Do vậy, các sinh viên này sẽ thuộc đối tượng đào tạo theo nhu cầu xã hội.
Bà Nguyễn Vũ Bích Hiền - hiệu trưởng nhà trường - giải thích thêm: "Nhà trường đã có văn bản báo cáo UBND TP Hà Nội và các sở có liên quan đề xuất phê duyệt danh sách sinh viên đã cam kết và phê duyệt kinh phí để đào tạo và cấp chi phí sinh hoạt để chi trả cho sinh viên theo quy định. Nhưng đến thời điểm này vẫn chưa được phê duyệt bất kỳ khoản kinh phí nào".
Sinh viên phải nộp đơn đề nghị Theo quy định của nghị định 116, hằng năm, căn cứ vào chỉ tiêu được Bộ GD-ĐT giao, các trường sư phạm thông báo cho tân sinh viên sư phạm đăng ký theo đối tượng giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu hoặc đào tạo theo nhu cầu xã hội trong phạm vi chỉ tiêu được duyệt. Sinh viên sư phạm nộp đơn đề nghị hưởng và cam kết bồi hoàn học phí, chi phí sinh hoạt cho trường mình theo học. Sinh viên chỉ nộp một bộ hồ sơ cho lần đầu đề nghị hỗ trợ trong cả thời gian học tại trường. |
Tác giả: TRẦN HUỲNH
Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ