Giáo dục

Giáo viên nhiều môn không có... tiết dạy

Năm học 2024-2025, tình trạng giáo viên thừa thiếu cục bộ dự báo sẽ bộc lộ rõ hơn. Trong đó, nhiều giáo viên không có tiết dạy do học sinh được chọn tổ hợp môn

Ngay từ khi triển khai chương trình Giáo dục phổ thông 2018, tình trạng thừa thiếu giáo viên (GV) đã được dự báo. Dù vậy, đến nay, không ít cơ sở giáo dục tại TP HCM vẫn lúng túng, bị động trong việc sắp xếp giờ dạy, cân đối nguồn GV.

"Bù qua bù lại"

Theo ông Đỗ Đình Đảo, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (quận 4), nếu như trước đây, với chương trình cũ, trường có 15 lớp 10 thì tương đương 15 lớp có môn vật lý nhưng hiện nay chỉ còn khoảng 3-4 lớp dạy môn này.

Các môn công nghệ công nghiệp, công nghệ nông nghiệp hầu như không học sinh (HS) nào chọn. Môn sinh học cũng rất ít, chỉ một số em có định hướng thi các ngành liên quan y, dược mới chọn học. Số lớp ít đi xuất phát từ việc chọn tổ hợp môn tự chọn của HS từ lớp 10.

Ông Đảo thừa nhận việc dôi dư GV là điều đã được dự báo từ trước. Song hiện nay, để bảo đảm cân đối giờ dạy của GV các bộ môn, Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ thực hiện theo phương án "bù qua bù lại". Những GV không đủ tiết sẽ chuyển sang dạy môn giáo dục địa phương và môn trải nghiệm hướng nghiệp.

Học sinh Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (quận 4, TP HCM) trong giờ sinh hoạt trải nghiệm, hướng nghiệp Ảnh: BẢO LÂM

Khi chương trình Giáo dục phổ thông 2018 được triển khai, nhiều GV hoàn toàn không có lớp dạy. Đơn cử trước đây, trường có GV dạy môn kỹ thuật dạy nghề, cụ thể là dạy nghề dinh dưỡng, với thời lượng 3 tiết/tuần. Hiện nay, theo chương trình mới thì không còn môn học này nữa, GV cũng không còn tiết dạy dù có trong biên chế.

"Trường sẽ xây dựng những tiết học thuộc môn giáo dục địa phương và hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp phù hợp để bố trí những GV thiếu tiết giảng dạy, bảo đảm tối thiểu số tiết cần đáp ứng" - ông Đảo nêu giải pháp.

Thừa thiếu GV cục bộ là tình trạng chung hiện nay ở nhiều cơ sở giáo dục phổ thông. Tại Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1), Hiệu trưởng Huỳnh Thanh Phú cho biết chỉ tính riêng môn hóa học, số GV biên chế trong trường trước đây dạy cho 15 lớp thì nay chỉ còn 4 lớp. Theo ông Phú, có GV thuộc tổ công nghệ không còn giờ dạy nào. Bản thân ông là hiệu trưởng, theo quy định vẫn phải đứng lớp dạy một số tiết nhưng GV còn thiếu giờ dạy nên không thể "giành giật" với họ được.

"Chuyên môn của tôi là GV hóa học nhưng không thể dạy do GV dư quá nhiều. Tôi phải chuyển sang nghiên cứu môn giáo dục địa phương để dạy cho đủ số tiết theo quy định" - ông Phú băn khoăn.

Bị động sắp xếp giáo viên

Hiệu trưởng một trường THPT tại quận 10 cho biết hiện nay, đa số các trường đều áp dụng phương án chuyển số GV còn thiếu giờ dạy sang dạy các môn giáo dục địa phương, trải nghiệm hướng nghiệp.

Tuy nhiên, đây chỉ là kiểu làm đối phó, chắp vá bởi những GV này không có chuyên môn. Trong khi 2 môn học trên cần thời gian nghiên cứu, xây dựng tiết học bài bản, chuyên nghiệp thì đội ngũ giảng dạy lại chỉ mang tính kiêm nhiệm, dạy bù cho đủ tiết là chính. Ông nhận xét: "Việc này về lâu dài không ổn nhưng hiện nay, các trường khó có phương án nào khác".

Theo hiệu trưởng một trường THPT tại quận Tân Bình, ngoài các môn bắt buộc theo chương trình, ở các tổ hợp môn tự chọn, các trường cũng bị động bởi phụ thuộc việc lựa chọn của HS lớp 10. "Năm nay, HS vào trường có xu hướng chọn tổ hợp các môn tự nhiên nhiều hơn nhưng năm sau không biết các em mới sẽ thay đổi thế nào" - ông lo ngại.

Theo Hiệu trưởng Huỳnh Thanh Phú, một vấn đề cần đặt ra nữa là sẽ có tình trạng tại một số trường, HS chỉ chọn các môn tự nhiên; ngược lại có trường thì HS chỉ chọn các môn xã hội, dẫn đến mất cân bằng, việc thừa thiếu GV càng nghiêm trọng.

"Sở Giáo dục và Đào tạo nên giữ vai trò điều tiết, luân chuyển GV giữa các trường. Làm sao để tránh tình trạng trường này dư GV, GV không có tiết dạy nhưng trường khác lại thiếu người dạy. Có thể tính toán ngưng tuyển GV nếu việc điều tiết hiệu quả" - ông Phú đề xuất.

Chắp vá các môn thiếu GV

Trong chương trình Giáo dục phổ thông 2018, môn nghệ thuật, gồm âm nhạc và mỹ thuật, lần đầu xuất hiện ở lớp 10. Điều đó gây nên tình trạng thiếu GV trầm trọng bởi trước đây môn này không dạy, các trường cũng không có biên chế. Thực tế này đã xảy ra khi chương trình mới triển khai. Có trường đành thông báo không tổ chức tổ hợp tự chọn bao gồm 2 môn nêu trên bởi không thể tuyển GV; có trường cố gắng tổ chức vì HS thích và lựa chọn thì phải chắp vá từ nguồn bên ngoài.

Theo ông Đỗ Đình Đảo, Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ tổ chức được tổ hợp có môn tự chọn âm nhạc và mỹ thuật nhờ mời được 2 GV là... phụ huynh HS của trường, đang giảng dạy ĐH. "Họ dạy vì đam mê, vì chia sẻ với chúng tôi là chính bởi thù lao ở trường không phải là yếu tố níu giữ họ. Họ còn nhiều cơ hội dạy bên ngoài" - ông Đảo nhấn mạnh.

Tác giả: Đặng Trinh

Nguồn tin: Báo Người Lao động

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP