Sáng 14/11, Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc đã gặp gỡ 48 giáo viên tiêu biểu dạy học sinh khuyết tật trong chương trình Chia sẻ cùng thầy cô, tại văn phòng Bộ. Trong 30 phút trao đổi, nhiều giáo viên bày tỏ mong muốn được Bộ Giáo dục hỗ trợ chính sách, chương trình... để khắc phục những khó khăn khi dạy trẻ khuyết tật.
Ngôn ngữ sơ khai của người khiếm thính là ký hiệu, ngôn ngữ tiếng Việt nói - viết chỉ là thứ yếu, do đó phương pháp dạy học cho trẻ mắc khuyết tật này rất đặc thù. Tuy nhiên, chương trình giáo dục phổ thông hiện nay không được thiết kế để phù hợp với việc dạy và học của người khiếm thính. Các em không có sách giáo khoa riêng nên việc học gặp nhiều trở ngại, giáo viên Võ Duy Quang (trường Nuôi dạy trẻ khiếm thính Lâm Đồng) cho biết.
Thầy giáo 30 tuổi bị khiếm thính cho biết, số người câm điếc ở Việt Nam hiện nay khá lớn, khoảng 2,6 triệu. Tuy nhiên, họ đang bị tách biệt với xã hội, chưa được tạo điều kiện để hòa nhập. Các trường dạy học sinh khuyết tật dạng này chủ yếu dừng ở cấp tiểu học, các em không có cơ hội học cao lên và theo đuổi ước mơ của bản thân. Thầy Quang mong muốn Bộ Giáo dục có những chính sách thúc đẩy giáo dục cho trẻ khiếm thính, đồng thời biên soạn chương trình, sách giáo khoa riêng, phù hợp với học sinh sử dụng ngôn ngữ ký hiệu.
Cô giáo Phạm Thu Thanh (31 tuổi, trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu TP HCM) kiến nghị có chương trình sách giáo khoa riêng cho trẻ khuyết tật. Ảnh: Quỳnh Trang. |
Giáo viên Phạm Thu Thanh (31 tuổi, trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu TP HCM) kiến nghị Bộ hỗ trợ bộ sách giáo khoa riêng cho học sinh khiếm thị. Hiện nay, để có sách cho các em khuyết tật dạng này học, giáo viên trường Nguyễn Đình Chiểu TP HCM phải tự đánh chữ nổi lên sách giáo khoa phổ thông. Công việc tốn nhiều thời gian, công sức do số lượng đầu sách lớn. "Việc thay sách giáo khoa mới tới đây sẽ là thách thức lớn với giáo viên và học sinh khiếm thị", cô Thanh nói.
Xuất phát là sinh viên ngành Sư phạm Địa lý, khi ra trường và được phân công về trường Nguyễn Đình Chiểu, cô Thanh ban đầu sốc, "cảm giác như bầu trời bị sụp đổ" vì không được đào tạo kiến thức, kỹ năng dạy trẻ khuyết tật. Rất nhiều giáo viên không học chuyên ngành giáo dục đặc biệt như cô, chỉ 2-3 năm về trường lại rời đi. Nữ giáo viên 10 năm dạy trẻ khuyết tật kiến nghị, chương trình đào tạo của các trường sư phạm nên đưa bộ môn giáo dục hòa nhập vào dạy cho tất cả sinh viên, giúp các nhà giáo tương lai ít nhiều được chuẩn bị tâm lý, kiến thức cơ bản để khi cần dạy trẻ khuyết tật thì biết phải làm gì.
Cô Thanh đồng thời đề xuất Bộ Giáo dục có lộ trình đào tạo giáo viên chuyên biệt dạy trẻ đa khuyết tật (vừa mù vừa điếc, vừa mù vừa tự kỷ...) do số lượng trẻ mắc dạng này có xu hướng tăng nhanh, giáo viên dạy chuyên về học sinh khiếm thính hay khiếm thị... hiện nay không có đủ kỹ năng cần thiết để giảng dạy.
Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc trao bằng khen cho thầy cô giáo dạy trẻ khuyết tật tiêu biểu năm 2018. |
Việc tạo điều kiện cho học sinh khuyết tật sau khi rời trường về gia đình có thể hòa nhập với xã hội, có công ăn việc làm, cũng là điều nhiều giáo viên trăn trở. Ví dụ được giáo viên Phạm Thu Thanh nêu ra là không một ngân hàng nào đồng ý cấp thẻ ATM cho học sinh khiếm thị bởi các em không biết ký tên. Mãi đến khi thầy hiệu trưởng trường Nguyễn Đình Chiểu TP HCM ký bản bảo lãnh, một ngân hàng mới đồng ý hỗ trợ.
"Học sinh khiếm thị cũng như sáng mắt đều có nhu cầu sử dụng tài khoản ngân hàng để giữ tiền và học cách chi tiêu. Tôi mong Bộ Giáo dục tác động đến các đơn vị liên quan để hỗ trợ học sinh học tập, sinh sống tốt", cô Thanh nói.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cảm ơn, đánh giá cao những hy sinh, cống hiến của thầy cô dạy trẻ khuyết tật và tiếp thu các góp ý của thầy cô để giáo dục trẻ khuyết tật được thuận lợi.
Tác giả: Quỳnh Trang
Nguồn tin: Báo VnExpress