Giáo dục

Tình trạng thừa, thiếu giáo viên sẽ được giải quyết như thế nào?

Theo đại biểu Quốc hội, Luật Giáo dục sửa đổi cần nói rõ hơn trách nhiệm của Hội đồng trường, UBND các cấp trong giải quyết thừa, thiếu giáo viên.

Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, Bộ GD-ĐT sẽ trình lên Quốc hội xem xét, đóng góp ý kiến sửa đổi toàn diện Luật Giáo dục.

Trả lời phỏng vấn VOV.VN, bà Ngô Thị Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa-Giáo dục-Thanh niên-Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết, qua quá trình khảo sát, giám sát, làm việc với các Bộ ngành, đội ngũ chuyên gia về Luật Giáo dục, Ủy ban đã có một báo cáo thẩm tra gửi tới các đại biểu Quốc hội.

Bà Ngô Thị Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa-Giáo dục-Thanh niên-Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội

Tuy nhiên, Ủy ban Văn hóa-Giáo dục-Thanh niên-Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nhận thấy, trong Luật Giáo dục sửa đổi còn một số vấn đề mà Bộ GD-ĐT cần quan tâm sâu sắc hơn. Trong nhiều nội dung, có nội dung liên quan đến chất lượng và chuẩn đầu ra cho giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông phải được xem xét từ chất lượng giáo viên, bảo mẫu, sĩ số trẻ em, học sinh/lớp, cơ sở vật chất trường lớp...

Trong khi hiện nay, sĩ số trẻ em, học sinh/lớp ở nhiều khu đô thị của các tỉnh, thành phố rất đông (60-70 học sinh/lớp); ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, nhiều địa phương đang thực hiện việc dồn ghép các điểm trường, đang ảnh hưởng đến điều kiện đi lại, đảm bảo môi trường an toàn của trẻ em, học sinh..đang là vấn đề mà dư luận xã hội quan tâm.

Mặt khác, hiện nay, chính sách xã hội hóa còn nhiều bất cập, chưa đảm bảo tính khả thi để thu hút nhiều nhà đầu tư và thu hút nhiều gia đình cho con em của họ theo học ở các trường ngoài công lập chất lượng cao. Khi lấy ý kiến đóng góp cho Luật Giáo dục sửa đổi, chúng ta rất cần các đại biểu Quốc hội đưa ra những giải pháp thiết thực, hiệu quả và khả thi hơn.

Ngoài ra, vấn đề đầu tư ngân sách cho đối tượng là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em thiệt thòi, yếu thế, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng cần được bàn luận sâu hơn. Sau phân loại, những học sinh nào đủ điều kiện để học hòa nhập thì việc học hòa nhập cho nhóm trẻ em này cũng cần được tính toán thấu đáo; những em chưa đủ điều kiện học hòa nhập thì việc giáo dục, phục hồi chức năng cho các em ở các trường chuyên biệt sao cho đảm bảo chất lượng và đảm bảo quyền trẻ em cũng cần được làm rõ. Theo Ủy ban Văn hóa-Giáo dục-Thanh niên-Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, vấn đề này cần được tiếp cận trên quyền của người học và Hiến pháp sửa đổi năm 2013.

Làm rõ trách nhiệm trước tình trạng thừa, thiếu giáo viên

Trong Luật Giáo dục sửa đổi có hẳn một chương đề cập về nhà giáo. Theo bà Ngô Thị Minh, chúng ta phải có sự quan tâm sâu sát, có chính sách tốt hơn nữa cho nhà giáo để phát huy năng lực, tâm huyết của họ cho sự nghiệp “trồng người”. Bên cạnh đó, vị thế và đặc thù của nhà giáo cũng cần được làm rõ hơn trong luật.

Luật Giáo dục sửa đổi chú trọng tới vị thế, chính sách cho nhà giáo (ảnh minh họa)

Theo Ủy ban Văn hóa-Giáo dục-Thanh niên-Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Chính phủ cần làm rõ hơn thẩm quyền, trách nhiệm của Hội đồng trường, của Hiệu trưởng nhà trường, trách nhiệm của UBND các cấp trong việc giải quyết tình trạng thừa thiếu giáo viên hiện nay. Việc quy hoạch đội ngũ giáo viên trong ngành Giáo dục cần phải rõ ràng, cụ thể hơn.

Trong Luật Giáo dục sửa đổi cũng cần làm rõ hơn trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác tuyển dụng, bố trí, sắp xếp, sử dụng, đãi ngộ, tôn vinh và nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên (cả công lập và ngoài công lập). Việc tuyển dụng giáo viên như tuyển viên chức đơn thuần, không tính đến đặc thù nghề nhà giáo đang nảy sinh nhiều bất cập, Luật Giáo dục sử đổi có góp phần tháo gỡ được việc này hay không… đang là những vấn đề đặt ra.

Mặt khác, thực tế hiện nay, có hơn 90% giáo viên, giảng viên đang giảng dạy, làm việc ở các trường công lập. Chúng ta cần nghiên cứu chính sách hợp lý hơn để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của giáo viên giảng dạy ở các trường ngoài công lập (yêu cầu nhà đầu tư giải quyết chế độ chính sách cho họ) sao cho để họ yên tâm công tác và tình nguyện chuyển ra làm việc tại các cơ sở dân lập, tư thục khi học sinh dịch chuyển ra.

Ủy ban Văn hóa-Giáo dục-Thanh niên-Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nhận thấy, những vấn đề về vị thế, chính sách cho nhà giáo cần được các đại biểu Quốc hội đóng góp ý kiến sát thực hơn để Luật Giáo dục sửa đổi khi được thông qua sẽ dễ dàng triển khai vào thực tiễn.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa

Góp ý về vấn đề nhà giáo, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa (đoàn Đồng Tháp) quan tâm đến chính sách thu hút người giỏi vào ngành sư phạm cũng như quy định về nâng chuẩn trình độ đào tạo giáo viên được đưa vào Luật Giáo dục sửa đổi, nhằm góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, đáp ứng yêu cầu giảng dạy theo chương trình, sách giáo khoa mới; đồng thời động viên tinh thần để các nhà giáo yên tâm giảng dạy, cống hiến cho sự nghiệp “trồng người”.

Ngoài những chính sách về lương bổng, đào tạo, bồi dưỡng nâng chuẩn đào tạo, theo đại biểu Mai Hoa, Luật Giáo dục sửa đổi cần quy định rõ thêm về điều kiện và môi trường làm việc để giáo viên có thể phát huy tốt nhất năng lực chuyên môn của mình. Chẳng hạn như quy định về đổi mới trong lĩnh vực quản lý nhà nước và quản trị nhà trường, về mối quan hệ giữa cộng đồng, gia đình và người học đối với nhà giáo; tăng cường tính dân chủ trong nhà trường.

Về tình trạng thừa thiếu giáo viên, theo đại biểu Mai Hoa, đây là vấn đề mà thực tiễn đang đặt ra, đòi hỏi cần phải giải quyết. Dù rằng việc thừa thiếu cục bộ diễn ra trong từng địa phương, ở từng cấp học, từng môn học (thiếu nhiều nhất là giáo viên mầm non, giáo viên ở địa bàn miền núi), nhưng điều này ảnh hưởng rất lớn tới chất lượng giáo dục thời gian qua. Tuy nhiên, để giải quyết vấn đề này đòi hỏi phải có thời gian, có lộ trình.

Về mặt pháp lý, ngay trong dự án Luật này cần quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là cần trao thêm quyền hạn cho ngành giáo dục trong việc quy hoạch đội ngũ nhà giáo gắn với quy hoạch hệ thống các trường sư phạm.

Bên cạnh đó là rà soát, dự báo nhu cầu từng giai đoạn, từng địa bàn, từng cấp học; chủ động tuyển dụng, điều chuyển để tránh được tình trạng thừa thiếu cục bộ; đồng thời có chính sách hợp lý để tạo điều kiện cho những giáo viên chưa đủ chuẩn và tự nguyện được nghỉ trước tuổi, dành cơ hội tuyển dụng số giáo viên trẻ, đào tạo chuẩn, phù hợp chuyên môn đào tạo./.

Tác giả: Bích Lan

Nguồn tin: Báo VOV

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP