“Đợt tiếp xúc cử tri vừa qua, có cô giáo bảo 18 năm công tác trong ngành giáo dục nhưng lúc nghỉ hưu chỉ được hưởng mức lương hơn 1 triệu đồng. Với mức lương này, họ không thể đảm bảo cuộc sống lúc về già. Như vậy, chính sách của chúng ta đối với đối tượng này mặc dù đã được đầu tư hơn các ngành khác nhưng vẫn không đảm bảo cuộc sống cho người lao động…”.
Đó là nhận định của đại biểu (ĐB) Trần Thị Diệu Thúy (TP.HCM) tại phiên thảo luận tổ về dự án Luật Giáo dục, diễn ra chiều 8-11.
Luật còn quy định chung chung về lương nhà giáo
Dẫn các báo cáo, ĐB Trần Thị Diệu Thúy cho biết các giáo viên (GV) mầm non, THCS, THPT khi được hỏi về chế độ tiền lương, 70% đều tỏ ra chưa hài lòng hoặc khẳng định mức lương không đủ sống.
Theo đó, bà Thúy đề xuất cần có chính sách tiền lương cao hơn đối với GV, đặc biệt các GV ở khu vực khó khăn và GV đang thực hiện nhiệm vụ giảng dạy được điều động lên làm quản lý trong ngành giáo dục.
Đồng tình, ĐB Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) khẳng định rất quan tâm đến mức tiền lương của bậc tiểu học vì đây là bậc học quan trọng, gắn với hình thành nhân cách, đạo đức của con người. Theo vị ĐB, chính những người thầy bậc tiểu học là khởi nguồn giảng dạy các em lòng yêu thương gia đình, bạn bè, quê hương, đất nước.
“Vì vậy, tôi cho rằng cần nâng lương cho các thầy cô bậc tiểu học để làm sao họ gắn được với trách nhiệm của mình mà không chịu ảnh hưởng phong bì, dạy thêm…” - ông Ngân nêu ý kiến.
Cùng với những ý kiến trên, ĐB Nguyễn Văn Chương (TP.HCM) khẳng định dự thảo về chính sách tiền lương còn chung chung, chưa cụ thể. Vì vậy, ĐB kiến nghị phải tính toán lại để làm sao các thầy, cô giáo yên tâm và yêu nghề.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân phát biểu tại phiên thảo luận tổ chiều 8-11. Ảnh: PV |
Sinh viên ra trường chọn đi làm… công nhân
Liên quan đến tình trạng một số nơi thiếu GV, ĐB Tăng Thị Ngọc Mai (Trà Vinh) cho rằng luật ra đời phải có cơ chế để giải quyết tình trạng thiếu GV trong khi địa phương vẫn phải mỏi mòn chờ Bộ Nội vụ duyệt biên chế. Tình trạng này đã kéo dài 2-3 năm nay. Nếu cứ thế này, trong tương lai ngành giáo dục còn “khổ dài” và tiếp tục bị phụ huynh phản ánh.
Theo vị ĐB, GV mầm non thiếu dẫn đến bao nhiêu trẻ không được đến trường hoặc phải bị học dồn ép.
Đồng thời, vị ĐB Trà Vinh nêu thực tế hiện một số địa phương chỉ dám hợp đồng với GV trong chín tháng, nhiều GV đã chọn con đường làm công nhân còn hơn làm GV chín tháng. Vì lương công nhân hơn 4 triệu đồng, GV chỉ 3 triệu đồng trong khi không biết sau chín tháng có được hợp đồng nữa hay không.
Trong khi đó, ĐB Cao Đình Thưởng (Phú Thọ) nêu lên thực tiễn giáo dục trong thời gian qua có chỉ số hạnh phúc của học sinh, sự hài lòng của phụ huynh học sinh không cao. Do đó, trước hết phải có một triết lý về giáo dục mà nhà trường là cái nôi để cả thầy, cả trò trở nên hạnh phúc.
“Bên cạnh đó, để có trò giỏi phải có thầy giỏi. Đặc biệt, phải thu hút được học sinh giỏi vào trường sư phạm nhưng hiện nay chúng ta đang thất bại” - ông Thưởng nói.
Việc miễn học phí hay có chính sách tín dụng với sinh viên sư phạm, theo ĐB, đó không phải là vấn đề quan trọng. “Các em nhìn thu nhập, cơ hội nghề nghiệp và vị thế của GV trong xã hội để chọn vào sư phạm hay không” - ĐB Thưởng nói.
Thực hiện chính sách học phí khi luật có hiệu lực Về chính sách không thu học phí đối với trẻ em mầm non năm tuổi, học sinh THCS công lập; hỗ trợ đóng học phí đối với trẻ em, học sinh diện phổ cập tại cơ sở giáo dục dân lập, tư thục, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng dự thảo quy định trước mắt ưu tiên thực hiện chính sách này đối với người học ở vùng miền núi, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn và giao Chính phủ quy định lộ trình thực hiện trên cơ sở cân đối ngân sách nhà nước. “Chính sách này sẽ được thực hiện ngay sau khi Luật Giáo dục có hiệu lực và miễn học phí trước năm 2020” - người đứng đầu ngành giáo dục cho hay. |
Tác giả: VIẾT LONG - TRỌNG PHÚ
Nguồn tin: Báo Pháp luật TPHCM