Giáo dục

Học sinh cứ vô tư chơi, điểm số đã có thầy cô lo?!

Mấy ngày đi coi thi và chấm thi học sinh khối 9 về, tôi cảm thấy buồn vô cùng. Chưa bao giờ tôi thấy mình phải “sợ” học trò như bây giờ. Các em ỷ lại, không có sự phấn đấu, cố gắng. Phải chăng căn bệnh thành tích đã khiến ngành Giáo dục thành ra như vậy?

Có lẽ chưa bao giờ tôi gặp nhiều trường hợp tréo ngoe như năm nay. Nhiều em học sinh lớp 9 đi thi mà không cần học bài. Những em đăng kí thi tuyển 10 thì còn lo học hành, chứ những em không thi cấp 3 thì thôi rồi. Các em không chịu ngó ngàng gì đến bài học. Thậm chí đến ngày thi các em còn không chịu đi. Phải đến khi thầy cô "năn nỉ", các em mới miễn cưỡng vô trường. Suốt giờ thi các em chỉ ngồi chơi. Ngay cả khi thầy cô ngó lơ những phút cuối, các em cũng không thèm làm bài. Nhiều em còn vui vẻ lên nộp bài với… tờ giấy trắng.

Bây giờ nhiều học sinh còn biết nếu mình không học vẫn được lên lớp. Điểm số đã có thầy cô lo rồi. Đến ngày thi còn không thèm đi. Cuối cùng ban giám hiệu phải điện cho các giáo viên chủ nhiệm đến nhà chở các em đến trường. Khi coi thi thì thầy cô cũng ngó lơ để "nâng cao chất lượng". Vậy mà khi chấm vẫn rất nhiều bài giấy trắng toàn tập. Thật là buồn biết bao cho học sinh thời bây giờ.

Gần cuối năm, giáo viên lúc nào cũng nơm nớp với điểm số. Các em thì không chịu học bài rồi làm bài. Thế nhưng chỉ tiêu giao thì luôn cao ngất ngưởng. 100% học sinh lớp 9 phải tốt nghiệp. Nếu không đủ thì trường bị cắt thi đua, thầy cô bị cắt thi đua. Cuối cùng, giáo viên đành phải cho điểm khống vậy. Dẫu buồn nhưng chẳng biết làm sao.

Là một giáo viên trực tiếp giảng dạy, bản thân tôi cảm thấy lo ngại cho cả một thế hệ về cách học của học sinh bây giờ. Các em đi học nhưng không chịu học bài. Dường như các em đến trường chỉ vì bị bắt buộc. Các em luôn nghĩ rằng: Thầy cô đang sợ mình và cần mình. Mình không làm bài thì vẫn có điểm. Vậy thì học làm gì cho cực cái thân.

Mấy hôm nay chấm thi mà tôi thật buồn cho ngành của mình. Nhiều em còn dám viết vào giấy thi rằng “Cô tự cho điểm em đi nhé”. Thế nhưng cuối cùng thì ai dám cho các em ở lại lớp. Chỉ tiêu đã giao rồi, chúng tôi phải hoàn thành. Dẫu buồn và tức đến đâu cũng nhắm mắt cho qua. Nhiều học sinh biết vậy nên ngày càng được thể. Các em cứ vô tư chơi và nói chuyện, còn điểm số đã có thầy cô lo.

Nhớ ngày xưa khi đi học, chúng tôi rất sợ thầy cô. Lúc nào cũng cố gắng học vì sợ phải ở lại lớp. Ngày ấy học thật thi thật mà lại hay. Thầy cô không bị áp lực chỉ tiêu. Cuối năm cả lớp chỉ có vài học sinh được khen thưởng.

Còn bây giờ, học sinh giỏi và tiên tiến rất nhiều. Nhiều trường 50% học sinh được khen thưởng. Tỉ lệ lên lớp thẳng thường 98%. Những con số báo cáo cuối năm luôn cao ngất ngưởng. Thế nhưng thử hỏi chất lượng đó bao nhiêu phần trăm là thực, bao nhiêu phần trăm là ảo. Một học sinh lớp 6 mà viết tên mình cũng không đúng. Một học sinh lớp 8 chưa thành thạo cộng, trừ, nhân, chia. Thế mà em vẫn được lên lớp.

Thực ra khi coi thi, chấm thi, nhiều thầy cô muốn làm đúng nguyên tắc lắm. Thế nhưng ai cho. Trước mỗi kì thi, lãnh đạo trường thường quán triệt giáo viên rằng vì công tác phổ cập nên thầy cô đừng khó khăn với các em. Rồi chỉ tiêu trên đã giao, chúng ta phải hoàn thành. Thôi thì thầy cô cần cố gắng.

Tôi nhớ năm ngoái có một cô giáo dạy trường điểm vì quá bức xúc với chuyện học sinh làm biếng học trên lớp nên coi thi rất nghiêm túc. Mục đích của cô là học sinh sợ để còn cố gắng. Thế nhưng sau đó một nửa phòng thi nộp giấy trắng (môn Lịch sử). Năm sau cô không được ban giám hiệu phân công coi thi nữa. Cô được “ưu tiên” làm thư kí hội đồng thi.

Thế mới thấy sức ép của bệnh thành tích là nguyên nhân gây ra biết bao hệ lụy. Để đạt được thành tích tốt sẽ sinh ra giả dối, giả tạo. Điều này ai làm trong ngành giáo dục thì thấy rất rõ.

Như vậy để xóa bỏ căn bệnh thành tích trong giáo dục thì ngành nhất định không được tạo áp lực chỉ tiêu. Các thầy cô phải đánh giá đúng với việc học của học sinh. Khi không còn áp lực chỉ tiêu 100% thì sẽ không còn tình trạng nâng điểm cho học sinh.

Tác giả: LT

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP