Bé P.T.K.H vào viện Tam Đảo để chụp xương và bó bột sau tai nạn. |
Câu chuyện tai nạn xảy ra ở trường tiểu học Tam Quan I (Tam Đảo, Vĩnh Phúc) với bé gái lớp 1 P.T.K.H đang khiến mạng xã hội xôn xao. Chiều 12/10, khi tan học, cánh cổng có bản lề hoen rỉ đã đổ, đè lên người cháu bé khiến gãy xương quai xanh phải bó bột. Tuy nhiên, điều đáng buồn hơn là ứng xử sau đó của nhà trường.
Phụ huynh bé cho biết, không thấy nhà trường đến hỏi thăm nên sáng 14/10, anh đến gặp thầy hiệu trưởng ông Trần Xuân Ngọc - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tam Quan 1, Vĩnh Phúc để hỏi ý kiến/động thái của nhà trường đối với trường hợp gặp tai nạn ở trường học của con gái mình.
Theo lời phụ huynh này kể, ông Trần Xuân Ngọc đặt câu hỏi lại rằng: "Bây giờ các thầy cô giáo ốm thì phụ huynh có đến hỏi thăm hỏi chưa? Hiện chúng tôi có hơn 800 học sinh. Giáo viên chỉ có trách nhiệm quan tâm dạy dỗ, nếu các cháu ốm đau thì nhà trường cho nghỉ. Còn nhà trường không có quỹ gì để đến thăm hỏi cháu được.
Có chăng, lớp có quỹ lớp thì mua cân đường hay hộp sữa đến hỏi thăm, còn nhà trường không có trách nhiệm đến thăm hỏi. Chúng tôi không đi được cả xã”.
Than ôi, đó là câu trả lời mà một thầy hiệu trưởng có thể nói ra được với phụ huynh có con bị tai nạn do cánh cổng sắt nhà trường đè đến gãy xương hay sao? Sao lại có thể vô cảm đến thế với nỗi đau của một bé gái mới 7 tuổi, là học sinh trong chính trường mình, bị tai nạn do chính cánh cổng trường mình gây ra?
Xin hỏi, thầy hiệu trưởng Ngọc có con hay không? Nếu đặt mình vào địa vị bố bé gái, được thầy hiệu trưởng trả lời như vậy, ông có thấy đắng lòng và cạn lời?
Một câu hỏi thăm, một sự có mặt bên gia đình trong lúc con nhỏ của người ta bị thương, phải đi viện bó bột (may mà chưa ảnh hưởng đến tính mạng) như cách đối xử giữa người với người thông thường, mà cũng khó đến vậy sao?
Lại nhớ đến vụ cô hiệu trưởng trường Nam Trung Yên ở Hà Nội, ngồi trên chiếc taxi đụng gẫy chân bé lớp 2, quanh co dối trá phủ nhận và đã trở thành một “scandal” khủng hoảng về đạo đức trong nhà trường. Thầy hiệu trưởng trường Tam Quan I có lẽ cũng không kém cạnh.
Thật lạ, trường học là nơi dạy học trò phải trưởng thành trở thành người có nghĩa có nhân, phải biết ứng xử theo đạo lý, phải biết yêu thương, trân trọng và giúp đỡ đồng loại. Nhưng tại sao lại vẫn có những thầy cô giáo, thân làm hiệu trưởng, đứng đầu trường lại có cách hành xử “quái gở” đến thế?
Ai sẽ dạy các con phải biết yêu thương nhau, phải biết câu “chị ngã em nâng” khi thấy đồng loại mình gặp điều không may mắn, phải biết “lá lành đùm lá rách” với những người khó khăn hơn mình khi một đứa bé bị cổng đè ngã gãy xương nhưng hiệu trưởng trả lời ráo hoảnh: Không có quỹ nào dành cho việc đi thăm.
Đồng tiền to đến mức thế sao? Không có quỹ dành cho việc đi thăm học trò, nên thầy hiệu trưởng xem như không có chuyện đó xảy ra. Hóa ra tiền mới quyết định tất cả. Vậy thì nên trách hội cha mẹ học sinh mới phải, ai bảo các ông bà không đóng tiền, phải đóng tiền thì nhỡ may con cái bị gãy tay gãy chân trong trường, thầy hiệu trưởng mới có cái để đến thăm.
Càng ngẫm càng buồn cho sự học ngày nay. Có phải tất cả đã trở thành một nơi bán mua đổi chác? Không còn nữa tình nghĩa thầy trò, không còn đạo lý, không còn tình thương. Chỉ vì không có tiền, không có quỹ, nên sống chết mặc bay.
Thật đáng sợ nếu những câu chuyện này lan rộng ra, trở thành bình thường, có thể “thông cảm được”, “chấp nhận được”. Nếu như thế, chúng ta đang dạy cho lũ trẻ những bài học khốn nạn nhất về tình người đấy, thưa thầy hiệu trưởng.
Tác giả: Mi An
Nguồn tin: Báo Đất Việt