Sau vụ việc chiếc xe ô tô chở cô hiệu trưởng trường Tiểu học Nam Trung Yên, Hà Nội đâm vào 1 học sinh khiến em này bị gãy chân thì mới đây lại xảy ra vụ một giáo viên trường Tiểu học Vân Hồ, tỉnh Sơn La lùi xe trong khuôn viên của trường đã đâm phải 2 học sinh. Vụ việc khiến một học sinh tử vong, một em khác bị gãy tay và chân.
Chiếc xe 4 chỗ do cô giáo ở Sơn La lùi đã gây tai nạn với học sinh bị hỏng phần đuôi (ảnh: Trấn Long/VOV-Tây Bắc) |
Khi tiếp nhận thông tin vụ cô giáo ở tỉnh Sơn La gây tai nạn ở trong trường học, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa đã trực tiếp chỉ đạo Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La đến nhà động viên, thăm hỏi gia đình hai học sinh là nạn nhân của vụ việc.
Ngoài ra, lãnh đạo Bộ cũng chỉ đạo Sở GD-ĐT tỉnh cần phối hợp gia đình, ban ngành địa phương lo hậu sự cho cháu bé tử vong; cứu chữa tích cực cho cháu bé bị thương sớm bình phục.
Quan điểm của Bộ GD-ĐT là xử lý nghiêm thầy cô mắc sai phạm về quy định an toàn trong trường học.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa, sự việc đáng tiếc này có một phần lỗi ở khâu kiểm tra, giám sát về an toàn trường học của lãnh đạo nhà trường. Sau khi có kết luận của cơ quan điều tra, ai sai đến đâu, ở mức độ nào sẽ bị xử lý nghiêm theo pháp luật.
Hiện trường vụ tai nạn vụ cô giáo lùi xe làm 1 học sinh chết, 1 em khác bị thương phải nhập viện (ảnh: Trấn Long/VOV-Tây Bắc) |
Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa cũng khẳng định, trước đó, có sự việc một học sinh bị xe đâm gãy chân ở trường Tiểu học Nam Trung Yên (Hà Nội). Quy định an toàn trường học đã nêu rất rõ trong các văn bản của bộ trước đây. Tuy nhiên, khi triển khai ở cơ sở, nhiều địa phương thực hiện chưa tốt.
Thời gian tới, Bộ GD-ĐT chỉ đạo lãnh đạo các địa phương trên toàn quốc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để đảm bảo an toàn trong trường học, tránh các sự việc đau lòng.
Không được phép sử dụng sân trường sai mục đích
Hai vụ việc trên đang khiến nhiều phụ huynh tỏ ra lo lắng về sự an toàn cho học sinh ở các trường học khi mà việc cấm đi xe ô tô ở trong trường vẫn bị một số cán bộ, giáo viên không thực hiện nghiêm túc.
Em Trần Chí Kiên, trường Tiểu học Nam Trung Yên (Hà Nội) bị gãy chân sau khi bị xe chở cô hiệu trưởng đâm phải (ảnh: VietnamNet) |
GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam bày tỏ quan điểm, hầu hết ở các nước trên thế giới, khi đến cổng trường là giáo viên và học sinh phải dắt xe đạp, xe máy vào nhà để xe, chứ không có chuyện giáo viên hay lái xe được đi xe ô tô ở trong sân trường.
Trong khi sân trường chỉ là nơi chỉ dành cho hoạt động giáo dục, sinh hoạt của giáo viên và học sinh thì ở cả 2 vụ việc xảy ra tại Hà Nội và Sơn La, nhà trường lại cho phép người điều khiển xe ô tô được đi lại trong sân trường. Đây là sai sót của chính nhà trường và các cô giáo trong việc không chú ý tới bảo vệ an toàn cho học sinh.
Riêng trường hợp cô giáo ở Sơn La lùi xe ô tô khiến 1 học sinh chết, 1 em bị gãy tay và chân đã vi phạm Luật Giao thông. Mặc dù vụ việc đang được các cơ quan chức năng làm rõ và xử lý theo pháp luật nhưng chúng ta phải nghiêm khắc nhìn lại sự việc, có giải pháp hữu hiệu hơn để tránh trường hợp đáng tiếc tương tự xảy ra.
Theo ông Phạm Tất Dong, giáo viên nếu có đến trường bằng xe máy, khi đến cổng trường là phải dừng, dắt xe vào chỗ để xe một cách an toàn, chứ không được đi xe ở trong sân trường. Nếu có đi xe ô tô thì phải đưa xe vào gara để xe riêng ở bên ngoài trường. Nhất định sân trường không phải là chỗ để xe ô tô.
Mặc dù Bộ GD-ĐT đã có những quy định đảm bảo an toàn cho học sinh trong trường học nhưng cần bổ sung thêm chi tiết về sân trường chỉ dành để phục vụ cho hoạt động học tập, vui chơi của học sinh.
Hiện nay, một số trường học có diện tích rộng đã dành quỹ đất để cho người dân thuê làm bãi để xe, bán hàng thì cần phải chấn chỉnh ngay. Sân trường và xung quanh sân trường không được phép để xe, đi xe, bán hàng quán. Nhà trường, giáo viên không được phép sử dụng sân trường, diện tích khu vực quanh trường sai mục đích./.
Tác giả: Bích Lan
Nguồn tin: BÁO ĐIỆN TỬ VOV